Nghi vấn số liệu không chính xác, Tổng cục Thống kê nói gì?
Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê khẳng định: Trong công tác thống kê, không có con số đẹp hay số xấu, chỉ có những con số trung thực, phản ánh đúng tình hình kinh tế - xã hội của cả nước.
Cố tình bóp méo số liệu thống kê là có tội với nhân dân
Đầu tháng 6/2023, Tổng cục Thống kê (GSO) đã công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5/2023 và 5 tháng đầu năm 2023. Trong đó, GSO công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 5 tháng đầu năm nay chỉ tăng 3,55%.
Một số ý kiến cho rằng, trong thời gian qua, nhất là trong giai đoạn Tết Nguyên đán diễn ra, giá lương thực, thực phẩm như rau, củ quả, thịt cá đã tăng rất mạnh, nhưng việc CPI chỉ tăng 3,55% là điều khó hiểu. Thậm chí, có chuyên gia lên tiếng, GSO đã công bố số liệu chưa chính xác với thực tế.
Trong buổi tọa đàm “Số liệu thống kê và Truyền thông chính sách” do Tổng cục Thống kê phối hợp với Văn phòng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vào ngày 19/6, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê khẳng định: Trong công tác thống kê, không có con số đẹp hay số xấu, chỉ có những con số trung thực, phản ánh đúng tình hình kinh tế - xã hội của cả nước.
“Từ khi bước chân vào ngành thống kê và đã làm việc 18 năm trong nghề, tôi luôn được các cô, chú, các anh chị đi trước dạy rằng, cố tình bóp méo số liệu thống kê là có tội với nhân dân”, bà Oanh nói.
Bởi vì, những con số thống kê ảnh hưởng đến việc ban hành các chính sách có tác động tới kinh tế - xã hội. Vì vậy, những con số thống kê phải phản ánh đúng nhất, trung thực nhất.
“Dù vậy, thống kê khác với kế toán. Nếu kế toán phải chính xác từng đồng, thì con số thống kê phản ánh số lớn, phản ánh xu hướng”, bà Oanh giải thích rõ hơn.
Theo Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, tính chỉ số giá tiêu dùng được áp dụng từ năm 1995 đến nay theo đúng hướng dẫn của các tổ chức quốc tế, đây cũng là chuẩn mực được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng và hiện nay thực hiện theo Tài liệu hướng dẫn biên soạn Chỉ số giá tiêu dùng mới nhất của các tổ chức quốc tế ban hành năm 2020.
Do đó, phương pháp tính CPI của Tổng cục Thống kê phản ánh sát diễn biến giá tiêu dùng trên thị trường và bảo đảm tính so sánh với số liệu của các nước trên thế giới cũng như trong khu vực.
Cụ thể, riêng với công tác thống kê giá, GSO sẽ liên tục cập nhật tình hình giá cả của 752 mặt hàng, trừ vàng và đô-la Mỹ, theo chu kỳ 3 lần/tháng. Trong đó, hơn 2.000 điều tra viên sẽ tiến hành điều tra ở 40.000 điểm trên cả 63 tỉnh/thành phố. Do đó, bà Oanh cho rằng, công tác điều tra số liệu thống kê là hoàn toàn trung thực.
Liên quan tới chỉ số CPI 5 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 3,55%, trong khi thực tế nhiều mặt hàng thực phẩm tăng “phi mã”, bà Oanh cho rằng, đúng là giá lương thực - thực phẩm có tăng, nhưng tăng không cao và có sự khác biệt giữa các địa phương và từng nhóm sản phẩm.
“Theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ số giá lương thực tăng 3,77%, trong đó, giá lương thực tăng chủ yếu là do giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu. Trong khi các mặt hàng khác, như rau, củ quả chỉ tăng 3,39% do thời tiết thuận lợi, năng suất tốt. Với mặt hàng thịt, trong khi giá thịt gà tăng 4,58%, giá thịt chế biến tăng 4,52%, thì giá thịt lợn chỉ tăng 1%”, bà Oanh giải thích.
Trong công tác thống kê, không có con số đẹp hay số xấu
Bên cạnh chỉ số CPI, nhiều ý kiến cũng tỏ ra hoài nghi chỉ số thất nghiệp tại Việt Nam. Có thể thấy rằng, vừa qua, rất nhiều người lao động đã phải nghỉ việc, thất nghiệp do hoạt động sản xuất giảm sút, tuy nhiên, chỉ số thất nghiệp trong độ tuổi lao động trong quý I/2023 chỉ là 2,25%, thậm chí còn giảm 0,07% so với năm ngoái.
Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động rất đồng tình với quan điểm “trong công tác thống kê, không có con số đẹp hay số xấu, chỉ có những con số trung thực, phản ánh đúng tình hình kinh tế - xã hội”.
Theo ông Nam, riêng về chỉ số thất nghiệp tại Việt Nam, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ thế nào là thất nghiệp. Theo khái niệm của quốc tế, một người được coi là thất nghiệp sẽ phải đáp ứng được 3 yếu tố.
Thứ nhất, thất nghiệp được tính là từ người 15 tuổi trở lên. Đây là độ tuổi lao động.
Thứ hai, người lao động đang sẵn sàng làm việc trong thời gian tham chiếu. Tham chiếu là thời gian các điều tra viên đi khảo sát số liệu, điều tra và phỏng vấn người lao động.
“Các cuộc điều tra về lao động - việc làm sẽ được tiến hành hàng tháng, từ mùng 1 đến mùng 7 hàng tháng, thì đây chính là thời gian tham chiếu”, ông Nam giải thích.
Tuy nhiên, trong thời gian tham chiếu, rất nhiều người trả lời không muốn làm việc, không đi tìm việc làm. Như vậy, ông Nam khẳng định, người trong độ tuổi lao động không muốn làm việc, thì không được gọi là thất nghiệp.
Thứ ba, đang trong thời gian tham chiếu, người lao động đi tìm việc, sẵn sàng làm việc nhưng không tìm được việc, như vậy mới được gọi là thất nghiệp.
Ông Nam cho rằng, tại các quốc gia phát triển, đơn cử như Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp năm 2020 ghi nhận ở mức 4,9% dân số. Trong khi tỷ lệ thất nghiệp tại Việt Nam chỉ tương đương với Thái Lan và Philippines, trong đó tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam trong năm 2020 là 2,48%.
Một phần nguyên nhân khiến tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam thấp hơn so với các quốc gia phát triển, là do đặc điểm của nền kinh tế, trong đó lao động phi chính thức chiếm tới 65% tổng số lao động.
Có thể hiểu rằng, lao động phi chính thức là người làm việc nhưng không ký kết hợp đồng lao động và không có sự ràng buộc giữa người sử dụng lao động với người lao động. Một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo mô hình hộ gia đình chẳng hạn, đây là ví dụ của người lao động phi chính thức.
“Trong thời gian vừa qua, một số phương tiện truyền thông đưa tin nhiều doanh nghiệp, nhà máy đóng cửa khiến người lao động bị mất việc làm, tuy nhiên đây là lao động chính thức chiếm tỷ lệ thiểu số. Trong khi lao động phi chính thức chiếm tới 65%, nhưng chúng ta vẫn phải ghi nhận họ. Đó là lý do vì sao tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam chỉ 2,25% trong quý I/2023”, ông Nam nói.
Theo ông Nam, trong công tác thống kê lao động - việc làm, những số liệu được công bố hoàn toàn căn cứ vào dữ liệu điều tra lao động việc làm. Các cuộc điều tra này đã được tiến hành từ 20 năm trước và tiếp tục được tiến hành cho tới ngày nay.
“Cách tính số liệu thống kê lao động và việc làm tại Việt Nam được dựa vào “công thức chung” của thế giới, vì vậy, rất nhiều tổ chức đánh giá cao số liệu của GSO”, ông Nam khẳng định.