Theo ghi nhận của Gia đình và Xã hội, ngay từ sáng sớm ngày 7/4, hàng chục người dân đã có mặt tại cổng Sở Tư pháp Hà Nội (Số 221 Trần Phú, phường Văn Quán, quận Hà Đông) để chờ lấy số làm thủ tục về lý lịch.
Trong số những người này, nhiều người đã đến đây vài lần nhưng chưa làm được thủ tục, có người đã lấy phiếu từ hôm qua nhưng vẫn chưa được làm, chính vì vậy họ cố gắng đến sớm để được làm hồ sơ.
Nhiều người cho biết đã có mặt từ 4 giờ sáng trước cổng Sở Tư pháp đợi đến giờ mở cửa để xếp hàng lấy phiếu.
Tới 9 giờ, lượng người đứng chờ vẫn rất đông, việc lấy số được thực hiện ngay ở cổng bảo vệ.
Người dân sẽ dùng 4 số cuối căn cước công dân để lấy phiếu, viết tên, kèm theo chụp ảnh.
Anh Nguyễn Văn Quang, ở Long Biên, Hà Nội cho biết, đây là lần thứ 4 anh làm xác minh tư pháp để phục vụ cho công việc: "Mấy ngày trước vì chủ quan không nghĩ đông người đến xếp hàng như vậy cho nên đều không lấy được phiếu, hôm nay xếp hàng từ sáng thì đến đầu giờ chiều sẽ được làm hồ sơ", Anh Quang chia sẻ.
Nhiều người nước ngoài cũng có mặt từ sớm để xin cấp phiếu lý lịch tư pháp. Hồ sơ, thủ tục xin cấp khá đơn giản gồm tờ khai yêu cầu cấp lý lịch tư pháp kèm theo căn cước công dân hoặc hộ chiếu của người được cấp phiếu lý lịch tư pháp.
Lý lịch tư pháp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tòa án tuyên bố phá sản.
Hiện nay, để bảo đảm độ tin cậy và an toàn cho khách hàng, nhiều tổ chức, đơn vị làm nghề dịch vụ như du lịch, vận tải 6 tháng lại cập nhật lý lịch tư pháp của người lao động.
Với cơ quan nhà nước, trường hợp bổ nhiệm, xin chuyển công tác từ đơn vị này sang đơn vị khác cũng đòi hỏi phải có lý lịch tư pháp. Những người đi lao động cho người nước ngoài cũng cần xác minh.
Đến khoảng 15 giờ chiều 7/4, đã có hơn 300 phiếu số được phát ra.
Đại diện Sở Tư pháp Hà Nội cho biết mỗi ngày phải giải quyết 300 bộ hồ sơ, trong khi nhu cầu hiện gần 600 bộ. Sở Tư pháp Hà Nội phải tăng số người tiếp nhận, xử lý lên thành 7 người, kéo dài thời gian giải quyết các thủ tục từ 1 đến 1,5 giờ mỗi ngày so với quy định.
Với nhân lực hiện tại, trung bình mỗi ngày Sở chỉ giải quyết được tối đa 500 hồ sơ. Các hồ sơ được trả kết quả sau 10 ngày.
Do nhu cầu tăng cao, một số đối tượng cò mồi đã lợi dụng việc này để chèo kéo người dân làm dịch vụ lý lịch tư pháp. “Muốn làm thì xếp hàng còn lâu, muốn làm dịch vụ thì gọi cho tôi, chi phí khoảng 1.000.000 đồng”, cò dịch vụ tên Đông chia sẻ với phóng viên.
Trước đó, ngày 6/4, UBND TP Hà Nội cũng có văn bản yêu cầu Sở Tư pháp Hà Nội đổi mới phương thức tiếp nhận hồ sơ nhằm giải tỏa việc người dân phải xếp hàng chờ đợi. Hiện công dân có 3 phương án làm lý lịch tư pháp. Đó là qua bưu điện, đến trực tiếp và trực tuyến. Hiện nay, lượng hồ sơ gửi qua bưu điện Sở vẫn trung bình 200 bộ/ngày, còn nhận trực tiếp 450- 600 hồ sơ/ngày.
Trung Sơn