Nghĩ về việc cấm học sinh mang điện thoại đến trường

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo không có văn bản nào cấm học sinh mang điện thoại vào lớp học. Tuy nhiên, một số nhà trường vẫn cấm và học sinh mang

Cấm học sinh mang điện thoại vào lớp, tương tự như cấm học sinh nhuộm tóc màu, cấm mặc váy ngắn... hoàn toàn không có tiền lệ và do các nhà trường tự đặt ra quy định. Nên nhìn nhận việc cấm này như thế nào?

Cần phải xác định rằng, việc cấm học sinh dùng điện thoại trong thời đại công nghệ thông tin phổ rộng ngày nay là rất khó cấm. Vậy nhà trường, giáo viên dạy trên lớp có thể quản lý như thế nào để học sinh sử dụng điện thoại đúng mục đích và có ích?

Bộ Giáo dục và Đào tạo không cấm học sinh mang điện thoại vào lớp học

Theo hướng dẫn của Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/06/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì việc "học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học mà không phục vụ cho nhu cầu học tập cũng như sử dụng điện thoại di động trong trường hợp không được sự cho phép của giáo viên" là hành vi mà học sinh không được làm.

Bên cạnh đó, để hướng dẫn cụ thể hơn việc sử dụng các thiết bị dạy học, trong đó có điện thoại di động tại Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH năm 2020 đã hướng dẫn cụ thể như sau: "Không bắt buộc học sinh phải trang bị điện thoại di động để phục vụ học tập. Việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học để hỗ trợ hoạt động học do giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học quyết định; được giáo viên hướng dẫn cụ thể trong các hoạt động đã được thiết kế trong Kế hoạch bài dạy sao cho không yêu cầu tất cả học sinh phải có điện thoại để sử dụng và bảo đảm yêu cầu phù hợp với nội dung học tập. Giáo viên thông báo cụ thể yêu cầu học sinh chỉ được sử dụng điện thoại như là một thiết bị hỗ trợ hoạt động học và những điều học sinh không được làm khi sử dụng điện thoại trên lớp, trong giờ học".

Như vậy, về cơ bản là các văn bản hướng dẫn hiện hành không cấm học sinh mang điện thoại vào trường, vào lớp học bởi trong điều kiện học tập hiện nay. Việc học sinh dùng điện thoại thông minh như một dụng cụ bổ trợ trong học tập là cần thiết, kể cả khi trong lớp học.

Tuy nhiên, tại sao một số trường học hiện nay lại cấm học sinh mang điện thoại đến trường? Có lẽ điều mà nhà trường, thầy cô vẫn băn khoăn là sợ học sinh mang điện thoại vào lớp sẽ có em chơi game online trong giờ học hoặc làm những việc riêng. Có ý kiến còn lo ngại học sinh sẽ ghi âm, quay phim nếu như thầy cô có những hành động, phát ngôn không phù hợp rồi tung lên mạng xã hội, gây ảnh hưởng đến uy tín nhà trường.

Thế nhưng, việc này thực ra không phải là vấn đề nghiêm trọng bởi trong lớp học thầy và trò đứng, ngồi đối diện với nhau. Người thầy đứng giảng dạy, quan sát học trò thường nhìn đối diện với các em. Mọi hành động lén lút của học trò thường trong tầm quan sát của giáo viên và rất dễ phát hiện. Nếu học sinh dùng vào việc riêng là giáo viên phát hiện được ngay.

Còn việc sợ học sinh quay phim, ghi âm thầy cô giáo thì càng không đáng sợ. Bởi lẽ, nếu thầy cô dạy học trò có những hành vi, lời lẽ chuẩn mực, đúng tác phong sư phạm có lẽ ít khi học trò dám hỗn láo và dám xúc phạm thầy cô. Một khi thầy cô chuẩn mực, không có những hành động, lời nói không phù hợp với học trò thì gì sợ học trò quay phim?

Trong giờ kiểm tra, tất cả học sinh cắm cúi làm bài và thường rất trật tự, nếu học sinh nào dùng điện thoại để tra, để tìm đáp án, tài liệu trên internet thì giáo viên dễ dàng nhìn thấy vì lớp học phổ thông hiện nay diện tích nhỏ nên mọi hoạt động của học trò sẽ không qua mắt được giáo viên.

Vì thế, việc một số nhà trường cấm học sinh dùng điện thoại, nhất là từ học sinh trung học cơ sở trở lên là việc làm không thực sự cần thiết.

Điều quan trọng là nhà trường cần hướng dẫn và ban hành các quy định để các em sử dụng đúng nơi, đúng chỗ, phục vụ cho việc học tập sẽ tốt hơn nhiều chuyện cấm đoán học trò.

Nếu sử dụng điện thoại tốt sẽ giúp cho học trò thoải mái trong học tập

Trong bối cảnh hiện nay, việc vui chơi, giải trí là nhu cầu cần thiết của mỗi con người, nhất là học trò đang ở độ tuổi mới lớn. Sau mỗi giờ học căng thẳng, lúc ra chơi các em có thể cầm chiếc điện thoại để giải trí, chụp một vài tấm hình với nhau sẽ giúp cho học sinh thoải mái hơn trong học tập. Hơn nữa, nếu gia đình có việc gấp, hoặc các em gặp sự cố, ốm đau cũng có thể điện thoại cho gia đình nắm bắt thông tin một cách nhanh nhất.

Trong học tập, hiện nay phần lớn giáo viên sử dụng máy chiếu và thường ra bài tập cho học trò chuẩn bị trước. Vì thế, khi đến nhóm, tổ nào trình bày sản phẩm học tập, các em có thể gửi tin cho giáo viên bộ môn để kết nối với màn hình một cách nhanh chóng, thuận lợi, không phải chờ đợi và thao tác nhiều như trước đây.

Thay vì cấm đoán, Ban giám hiệu nhà trường sẽ quán triệt trước cờ không cấm học sinh mang điện thoại vào lớp nhưng các em chỉ được sử dụng trong giờ học khi giáo viên cho phép để phục vụ học tập. Nếu học sinh nào sử dụng vào việc riêng trong giờ học mà không phục vụ cho nhiệm vụ học tập thì giáo viên bộ môn có thể thu điện thoại và ghi vào sổ đầu bài, nếu tái phạm sẽ bị hạ hạnh kiểm hoặc phối hợp với gia đình nhắc nhở, giáo dục.

Thực tế, học sinh mỗi lớp chỉ một vài em cá biệt, còn đa phần học sinh vẫn tuân thủ quy chế và nghe lời thầy cô giáo. Nếu người thầy giảng dạy say mê, cuốn hút, dễ hiểu bài, giúp cho học sinh thích thú giờ học thì các em sẽ không có thời gian để nghĩ đến điện thoại đang mang theo. Ngược lại, nếu người thầy lên lớp nói dăm ba câu chuyện phiếm, thậm chí ra bài tập cho học trò rồi ngồi dùng điện thoại mới sợ học sinh sử dụng điện thoại làm việc riêng… bắt chước thầy.

Trong trường học, không phải lúc nào học sinh cũng có thể ra về đúng giờ vì đôi lúc hết giờ học thì các em còn phải trao đổi, thậm chí tham gia một số hoạt động ngoại khóa, chuẩn bị những tiết mục văn nghệ, làm báo tường, phân công nhiệm vụ học tập. Thậm chí giáo viên nghỉ đột xuất không có báo trước, hoặc giáo viên dạy bù… Vào những lúc đột xuất nếu có chiếc điện thoại, học sinh báo cho gia đình sẽ khiến cho phụ huynh không lo lắng hoặc không phải đến đón sớm, đón trễ.

Vì vậy, việc cấm học sinh mang điện thoại đến trường hiện nay thường không thể cấm triệt để vì nhà trường có cấm thì học sinh vẫn lén lút mang vào. Một phần vì gia đình, phụ huynh học sinh cũng mong muốn con mình được sử dụng điện thoại để dễ bề liên lạc. Sau thời gian dài học online do dịch COVID-19 bùng phát, các học sinh cũng đã làm quen với môi trường trực tuyến nên điện thoại thông minh không còn là điều gì xa lạ. Thậm chí trong nhiều trường hợp đó còn là dụng cụ học tập hữu hiệu.

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn//nghi-ve-viec-cam-hoc-sinh-mang-dien-thoai-den-truong-179221025192241176.htm