Nghị viện châu Âu chính thức phê chuẩn hiệp định EVFTA và EVIPA
Sau 8 năm kể từ khi bắt đầu đàm phán, 2 hiệp định giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đã tiến gần tới bước có hiệu lực hơn bao giờ hết.
Đúng 12h hôm nay (12/2) (giờ châu Âu, tức 18h giờ Việt Nam), Nghị viện châu Âu (EP) đã chính thức bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.
Theo đó, với Hiệp định EVFTA có 401 phiếu ủng hộ, 192 phiếu chống và 40 phiếu trắng; Hiệp định EVIPA có 407 phiếu ủng hộ, 188 phiếu chống và 53 phiếu trắng. Như vậy, EP đã phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA.
Trước đó, phiên thảo luận về EVFTA đã chính thức bắt đầu vào 11 giờ sáng theo giờ địa phương trong phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu tại Strasbourg. Trong phiên họp này, các nghị sĩ châu Âu đã cùng thảo luận dựa trên bản báo cáo dài 36 trang do nghị sĩ Geert Bourgeois - thành viên EP phụ trách xúc tiến việc thông qua các thỏa thuận thương mại tại Nghị viện chuẩn bị và trình bày.
Thời khắc lịch sử
Hiệp định EVFTA và EVIPA được ký ngày 30/6/2019 tại Hà Nội sau 7 năm đàm phán. Đây là các hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư có mức độ cam kết sâu rộng, toàn diện, bao quát các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và các vấn đề phát triển bền vững.
EU hiện đang là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch hai chiều năm 2019 đạt 56,45 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 41,5 tỷ USD, nhập khẩu từ EU đạt 14,9 tỷ USD.
Sau khi được bỏ phiếu thông qua tại Quốc hội Việt Nam, Hiệp định EVFTA sẽ bắt đầu có hiệu lực, theo đó xóa bỏ gần 99% các dòng thuế và rào cản thương mại giữa Việt Nam và EU. Thuế quan đối với hai phần ba (65%) hàng xuất khẩu của EU và 71% hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị xóa bỏ ngay khi thỏa thuận có hiệu lực, phần còn lại sẽ bị loại bỏ trong thời gian thực hiện kéo dài 10 năm.
Hiệp định EVFTA cũng bao gồm các quy định quan trọng về bảo vệ môi trường và quyền lao động, đảm bảo rằng tăng trưởng kinh tế tiếp tục của Việt Nam theo hướng bền vững.
Trước sự kiện này, ông Nicolas Audier, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) khẳng định, đây là thời khắc lịch sử cho quan hệ EU - Việt Nam, mở ra một chương mới về tăng cường thương mại và đầu tư giữa hai bên.
Theo ông Audier, việc này cho phép doanh nghiệp châu Âu dẫn đầu trong giai đoạn phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, đồng thời đảm bảo các công ty và người tiêu dùng Việt Nam có quyền tiếp cận vào các thị trường, sản phẩm và dịch vụ của châu Âu. Tương tự như vậy, các công ty EU sẽ có quyền tiếp cận rộng lớn hơn vào thị trường Việt Nam đang phát triển nhanh chóng.
Còn theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Hiệp định EVFTA và EVIPA dự kiến sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 4,6% và xuất khẩu sang EU tăng thêm 42,7% vào năm 2025. Ủy ban Châu Âu ước tính GDP của EU sẽ tăng thêm 29,5 tỷ USD và xuất khẩu sang Việt Nam tăng 29% vào năm 2035.