Nghị viện châu Âu phê chuẩn EVFTA và EVIPA
Vào lúc 18 giờ ngày 12-2 (giờ Việt Nam), trong phiên toàn thể diễn ra tại Xtra-xbuốc (Pháp), Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Liên hiệp châu Âu (EU) và Việt Nam.
Theo kết quả bỏ phiếu, đối với EVFTA, có 401 phiếu ủng hộ phê chuẩn trong tổng số 633 nghị sĩ bỏ phiếu; đối với EVIPA, có 407 phiếu ủng hộ phê chuẩn trong tổng số 648 nghị sĩ bỏ phiếu. Đây là các quyết định rất quan trọng, được 27 quốc gia thành viên EU và Việt Nam, nhất là cộng đồng doanh nghiệp hai bên hết sức trông đợi sau gần tám năm kể từ khi hai bên chính thức khởi động đàm phán vào tháng 6-2012.
Việc EP phê chuẩn EVFTA và EVIPA là quyết định quan trọng để các Hiệp định sớm được triển khai. Nếu việc ký kết EVFTA và EVIPA “mở ra chân trời mới” và là “tuyến đường cao tốc quy mô lớn, hiện đại” kết nối Việt Nam với châu Âu như khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ ký ngày 30-6-2019 tại Hà Nội, thì việc phê chuẩn EVFTA là "tấm vé thông hành quan trọng" giúp Việt Nam tiếp cận thị trường đầy tiềm năng của EU.
Với tính chất bổ sung lẫn nhau của hai nền kinh tế, EVFTA và EVIPA được kỳ vọng giúp hai bên tận dụng tốt nhất lợi thế và tiềm năng của nhau để cùng phát triển. Ngay khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần 86% số dòng thuế; hơn 99% số dòng thuế của Việt Nam được gỡ bỏ sau bảy năm, 1% còn lại được tự do hóa thông qua hạn ngạch thuế quan. Việt Nam cũng cam kết bỏ ngay 48,5% số dòng thuế cho hàng hóa EU, sau bảy năm xóa bỏ 91,8% số dòng thuế và 98,3% số dòng thuế sau 10 năm. Người tiêu dùng Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận các sản phẩm của châu Âu với giá cạnh tranh. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thêm nhiều lợi thế so với doanh nghiệp các nền kinh tế có trình độ phát triển tương tự tại thị trường rộng lớn EU, đẩy mạnh xuất khẩu và thâm nhập thị trường, thúc đẩy đa dạng hóa thị trường và đối tác trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng. Hiệp định EVIPA với những cam kết toàn diện và cân bằng về bảo hộ đầu tư góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư EU về tính hấp dẫn, an toàn, thân thiện và cạnh tranh cao hơn của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và ngược lại.
Sau khi được EP phê chuẩn, EVFTA sẽ tiếp tục được Quốc hội Việt Nam thông qua để có hiệu lực. Các bộ, ban, ngành liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước EU để EVIPA sớm được các Nghị viện của 27 nước thành viên EU phê chuẩn.
* Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) của EP B.Lan-giơ khẳng định EVFTA là hiệp định thương mại tự do (FTA) tham vọng nhất mà EU từng ký với một quốc gia đang phát triển. Đây cũng là FTA đầu tiên được EP phê chuẩn ngay từ đầu nhiệm kỳ mới. Triển khai EVFTA có ý nghĩa chiến lược với EU, làm sâu sắc hơn quan hệ giữa EU và các khu vực Đông - Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương.
* Tổ chức lao động quốc tế (ILO) hoan nghênh quyết định của EP phê chuẩn EVFTA. Giám đốc ILO tại Việt Nam Chang Hi Li cho rằng, các yêu cầu về lao động và môi trường của EVFTA giúp mang lại lợi ích cho tất cả các bên, thúc đẩy phát triển bền vững và bảo đảm rằng, tăng trưởng ở hiện tại sẽ không phải trả giá bằng các cơ hội của thế hệ tương lai. Quan hệ lao động hiện đại, cùng lực lượng lao động lành nghề hơn và hệ thống an sinh xã hội hiệu quả, là động lực xã hội quan trọng để Việt Nam tiến tới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao một cách bền vững.
* Cùng ngày, tại Hà Nội, Bộ Công thương họp báo về việc EP phê chuẩn EVFTA và EVIPA. Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, Chính phủ đang đẩy nhanh việc thực hiện các quy trình, thủ tục trong nước để hai Hiệp định này sớm được Quốc hội phê chuẩn. Song song với đó, công tác chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định cũng đã được tiến hành. Cụ thể, Bộ Công thương đã xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Kế hoạch hành động để chuẩn bị cho việc thực thi EVFTA, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ cùng các bộ, ngành liên quan thực hiện với lộ trình cụ thể. Trong đó, các nhiệm vụ chủ yếu bao gồm năm nhóm chính: tuyên truyền, phổ biến thông tin về EVFTA và thị trường của các nước EU; xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.