Nghị viện châu Âu thông qua Hiệp ước mới về Tị nạn và Di trú
Nghị viện châu Âu hôm qua (10/4) đã thống nhất thông qua Hiệp ước mới về Tị nạn và Di trú với nội dung siết chặt điều kiện nhập cư và xây dựng cơ chế tương trợ giữa các nước thành viên để ứng phó với cuộc khủng hoảng di cư ngày càng trầm trọng tại châu Âu.
Hiệp ước mới về Tị nạn và Di trú của châu Âu đã được thông qua với đa số phiếu sau khi nhận được sự ủng hộ từ 3 liên đảng lớn nhất trong Nghị viện châu Âu là đảng Nhân dân châu Âu (EPP), đảng Xã hội và Dân chủ châu Âu (S&D) và đảng Đổi mới châu Âu (Renew Europe).
Nội dung chính của Hiệp ước được xây dựng hướng đến mục tiêu kép là trách nhiệm của các quốc gia ở tuyến đầu và thiết lập cơ chế đoàn kết để giảm áp lực lên các quốc gia này.
Theo đó, EU sẽ thiết lập một cơ chế “sàng lọc” bắt buộc đơn xin tỵ nạn ngay từ cửa ngõ biên giới thông qua việc nhận dạng, kiểm tra sức khỏe và an ninh, dấu vân tay điện tử, trích xuất thông tin trong hệ thống cơ sở dữ liệu Eurodac cũng như mức độ an toàn của quốc gia mà người xin tị nạn xuất phát…
Sau sàng lọc, các đơn xin tị nạn sẽ phải trải qua quá trình xét duyệt được rút ngắn xuống còn tối đa 6 tháng, và người xin tị nạn buộc phải hồi hương hoặc quay lại điểm trung chuyển trong thời gian ngắn nhất nếu bị từ chối.
Để chia sẻ trách nhiệm với các nước tuyến đầu, Hiệp ước mới thiết lập cơ chế phân bổ 30 nghìn đơn xin tị nạn mỗi năm cho các thành viên còn lại. Những thành viên không muốn tiếp nhận người tị nạn sẽ phải đóng góp một khoản tài chính lên đến 20.000 euro cho mỗi trường hợp.
Một cơ chế đặc biệt sẽ được kích hoạt nếu xảy ra khủng hoảng tương tự như năm 2015, trong đó quy định việc kéo dài thời hạn có thể giam giữ người di cư ở biên giới bên ngoài EU, lên tới 9 tháng thay vì 6 tháng và các thủ tục xem tị nạn sẽ nhanh hơn và đơn giản hơn để có thể sớm hồi hương người xin tị nạn.
Hiệp ước mới về Tị nạn và Di trú sẽ thay thế chính sách tị nạn chung châu Âu hiện nay, hay còn gọi là Quy chế Dublin, đang gây gánh nặng cho các nước tuyến đầu như Italia, Tây Ban Nha và Hy Lạp. Theo dữ liệu mới công bố từ Cơ quan Tị nạn Liên minh châu Âu (EUAA), số đơn xin tị nạn ở Liên minh châu Âu (EU) đã tăng 18%, lên 1,14 triệu đơn vào năm 2023, mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng di cư 2015-2016.
Các tổ chức nhân quyền và phi chính phủ tiếp tục lên tiếng phản đối và cho rằng Hiệp ước mới về Di trú và Tị nạn của châu Âu sẽ dẫn đến sự suy yếu của các văn bản luật về vấn đề tị nạn tại châu Âu trong những thập kỷ tới, và ngày càng nhiều trường hợp bị vi phạm nhân quyền.
Hiệp ước mới về Di trú và Tị nạn của châu Âu sẽ cần phải được các Quốc hội các nước thành viên thông qua trước khi có hiệu lực chính thức kể từ năm 2026.
Giới lãnh đạo châu Âu đã hoan nghênh việc Nghị viện châu Âu phê chuẩn hiệp ước mới về di cư và tị nạn.
Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola nhấn mạnh: “Nghị viện châu Âu vừa bỏ phiếu ủng hộ một giải pháp mới về vấn đề tị nạn và di cư. Chúng tôi đã lắng nghe, chúng tôi đã hành động và chúng tôi đã giải quyết một trong những mối quan tâm chính của người dân trên khắp Châu Âu. Đây là một ngày lịch sử của châu Âu. Tôi muốn cảm ơn các thành viên của Nghị viện châu Âu đã dành nhiều năm làm việc về vấn đề này."
Để giúp các nước châu Âu đang gặp áp lực di cư, các quốc gia thành viên khác của EU sẽ phải tham gia vào việc tái định cư những người xin tị nạn hoặc những người được hưởng sự bảo vệ quốc tế trên lãnh thổ của họ, hoặc lựa chọn hình thức khác là đóng góp tài chính hoặc cung cấp hỗ trợ hoạt động và kỹ thuật.
Những điều luật này bao gồm quy định mới nhằm giải quyết các tình huống khủng hoảng và bất khả kháng để thiết lập một cơ chế ứng phó với sự gia tăng đột ngột lượng người di cư và đảm bảo sự đoàn kết và hỗ trợ cho các quốc gia thành viên đang phải đối mặt với làn sóng đặc biệt của công dân nước thứ ba.
Những điều luật mới cũng đưa ra quy định rõ ràng về sàng lọc trước khi nhập cảnh, bao gồm nhận dạng, thu thập dữ liệu sinh trắc học cũng như kiểm tra sức khỏe và an toàn trong thời gian tối đa là 7 ngày, áp dụng các cơ chế giám sát độc lập để đảm bảo tôn trọng các quyền cơ bản, rút ngắn thời gian xử lý đơn xin tị nạn tại biên giới EU, lưu trữ dữ liệu về những người nhập cảnh EU một cách bất thường trong bộ cơ sở dữ liệu Eurodac.
Nghị viện EU cũng ủng hộ việc đưa ra các tiêu chuẩn thống nhất mới cho tất cả các quốc gia thành viên liên quan đến việc công nhận tình trạng người tị nạn hoặc tình trạng cần được bảo vệ bổ sung; đồng thời làm mới các tiêu chuẩn liên quan đến vấn đề nhà ở, giáo dục và chăm sóc sức khỏe của người xin tị nạn. Dự kiến, các quy định mới sẽ bắt đầu được áp dụng từ năm 2026 và 27 nước thành viên EU sẽ có 2 năm để đưa ra những thay đổi tương ứng trong luật pháp quốc gia của mình.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ca ngợi kết quả trên, cho rằng điều này sẽ bảo đảm biên giới châu Âu cũng như đảm bảo các quyền cơ bản của người di cư. Các chính phủ các quốc gia thành viên EU cũng hoan nghênh kết quả này. Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Bộ trưởng di cư của Hy Lạp, Dimitris Kairidis, đều gọi đây là sự kiện "lịch sử".