Nghĩ xanh và sống xanh

Trong dòng chảy bộn bề cuộc sống, không ít người con bền bỉ chọn cách ươm lại màu xanh cho quê hương.

Không gian xanh ở nông trại Hón Mũ.

Không gian xanh ở nông trại Hón Mũ.

Lắng nghe tiếng của cọng rơm

Một điều rất nhiều người dễ nhận thấy là các lũy tre bình dị đang gần như vắng bóng ở các vùng quê. Vậy mà chỉ với hơn 20 tuổi, chàng trai trẻ Đoàn Minh Nhân, quê ở huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) có ước mơ trồng lại tre trên đất Việt Nam. Có thể ước mơ ấy quá sức với Nhân, nhưng không hề hão huyền khi đến nay cậu đã âm thầm tìm được hơn 50 giống tre, đồng thời học được kinh nghiệm chăm sóc, cách nhận biết cũng như thêm các ứng dụng từ tre. Ước mơ ấy sẽ thành hiện thực nếu có sự chung tay.

Khởi nguồn của ước mơ ấy, với Nhân, chính là cậu chẳng thể chịu được không khí ngột ngạt của đô thị. Qua những người bạn cậu biết được rằng tre là loài cây thích ứng với nhiều môi trường khác nhau và sinh nhiều ôxi, có khả năng chống xói mòn và một ý tưởng hình thành... Có ý tưởng rồi, Nhân bắt tay vào sưu tầm, tìm giống.

Hành trình của chàng trai đã được Tổ chức Nhà vườn Australia biết đến và đài thọ 3 tháng học nông lâm kết hợp. “Mùa xuân năm 2018 tôi đã trồng trước một ha ở huyện Dầu Tiếng (Bình Dương). Tôi sẽ tính cách trồng xen cây gì đó vào để mang lại hiệu quả kinh tế. Phải nghĩ đến tính hiệu quả mới có thể thuyết phục người dân trồng lại tre. Trong mơ, tôi đã thấy những lũy tre hiện ra…”, Nhân chia sẻ.

Không ra nước ngoài học làm nông nghiệp, nhưng chàng trai 27 tuổi Lê Xuân Hà cũng đang sở hữu trang trại nông nghiệp sạch tại Thường Xuân (Thanh Hóa) có tên Hón Mũ. Ngoài ra, Hà còn tự hào mình đã tìm được những người đồng chí hướng. Từ giọng nói đến ánh mắt đều chứng tỏ Hà là một người đầy khát vọng và quyết tâm. Trong những lần chia sẻ, Hà bảo ước mơ của mình về trang trại cung cấp thực phẩm an toàn đã “mọc” ra từ thời học đại học.

Khi tốt nghiệp, Hà thấy nạn phá rừng diễn ra ở nhiều nơi, còn các phương tiện truyền thông lúc nào cũng phản ánh chuyện mất an toàn vệ sinh thực phẩm, càng thôi thúc cậu thực hiện ước mơ của mình. Trang trại dần hình thành nơi quê nhà, nhưng những dự định của chàng trai trẻ đã bị không ít người cho là gàn dở và có lúc khiến cậu chán nản.

Điều đó đã thay đổi đến khi Hà tiếp cận được cuốn sách “Cuộc cách mạng một cọng rơm”, với nhiều điều được viết ra giúp Hà thấy rằng ngay cả cọng rơm cũng có tiếng nói, sức mạnh riêng. Và Hà nghiệm ra rằng sự thay đổi trong nông nghiệp hay cách loài người tồn tại không bắt đầu từ những thứ vĩ mô, mà chính từ việc chúng ta nhận ra sức mạnh của một cọng rơm, một cá thể bé nhỏ.

Trang trại Hón Mũ không phải là địa điểm du lịch nhưng vẫn thu hút một số du khách thích khám phá thiên nhiên, những người thích đi “phượt”. Khách tự trồng rau, tự nấu nướng, tự chặt tre dựng nhà nếu muốn ở lâu dài. Trong quá trình tham quan, sống trải nghiệm chủ và khách có thể cùng tập thiền, tọa đàm về sức khỏe, thiên nhiên. Có nhiều người từ thành phố, ban đầu vì là tò mò sau đó thích thú mô hình sống xanh, luyện kỹ năng tồn tại đã đến làm nhà và ở lại, người ở lâu nhất tới 2 năm rưỡi.

Anh Đoàn Minh Nhân (bên trái) trong lần đi tìm giống tre.

Anh Đoàn Minh Nhân (bên trái) trong lần đi tìm giống tre.

Chạy đua với… thực phẩm không an toàn

Điều khiến nhiều bạn trẻ quan tâm hiện nay không chỉ là chọn một lối ứng xử khác với tự nhiên, mà còn có cách làm nông nghiệp an toàn, bền vững, như Lê Xuân Hà bộc bạch, thực phẩm an toàn xuất phát từ nền nông nghiệp “sạch”, mà sự sạch đó khởi đi từ nếp nghĩ của con người, trong quá trình sản xuất không đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Hà nói: “Biết là rất khó, nhưng chúng tôi muốn chạy đua với thực phẩm không an toàn, bằng cách đóng góp cho nền nông nghiệp những mô hình kinh tế bền vững”.

Qua những lần trò chuyện với Lê Xuân Hà, tôi được biết đến Nguyễn Văn Mạnh (quê ở Đăk Lăk) đã đến nhiều trang trại trong nước để tìm hiểu cách làm nông nghiệp sạch. Cả một quá trình đi và thấy ngoài thực tế nhiều chuyện sinh động và khắc nghiệt vượt xa những ý nghĩ của những chàng trai trẻ. Nhưng “tuổi trẻ mà, dám nghĩ và dấn thân”, như cách cậu cùng nhóm bạn nghĩ. Bây giờ thì Mạnh đang khởi nghiệp bằng 2 ha đất của bố mẹ. Mạnh quả quyết sẽ đi từ những khu vườn bỏ hoang, trồng những loài cây ngắn ngày, nuôi những con vật gần gũi với nhà nông, từ đó trồng thêm một số cây lâu năm.

Một tấm gương khác, ở vùng núi cao xã Mường Bon, huyện Mai Sơn (Sơn La) bao năm cái nghèo đeo bám, mà chính chàng trai dân tộc Mông Giàng A Dạy cũng không thể ngờ có ngày mình nắm bắt được cơ hội để thay đổi. Cơ hội đến là khi A Dạy là một trong hai sinh viên năm cuối Trường ĐH Tây Bắc được đi tu nghiệp sinh tại Israel.

“Ở đó, tôi được học cách làm nông nghiệp sạch. Khí hậu Israel còn khắc nghiệt gấp nhiều lần vùng núi quê tôi. Mùa hè nhiệt độ có thể lên đến 50ºC. Thế mà họ có cả nền công nghiệp nông nghiệp hiện đại với các vườn rau củ quả rộng lớn, được trồng trong lồng kính, mái vòm, các loại cây trồng đều tươi tốt”, A Dạy thổ lộ.

Điều khiến chàng trai sinh năm 1993 mừng hơn cả là được học cách làm nông nghiệp hữu cơ, có thể về quê áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt với hệ thống ống tưới chằng chịt nằm sâu trong đất. Năm 2016 trở về quê, A Dạy trăn trở nghĩ phải có cách nào đó để giúp người dân trong khu vực thay đổi lối sống phụ thuộc vào thiên nhiên, sản xuất manh mún, thường khai hoang, thậm chí phá cả rừng để làm rẫy. Không chờ đợi, A Dạy xắn tay vào việc ngay và vận động một số bà con góp đất làm trang trại, đồng thời tìm cách khôi phục những loại rau tốt cho cộng đồng mọc ở địa phương nhưng có nguy cơ mai một.

Niềm vui đã đến với không chỉ gia đình Dạy mà với nhiều bà con địa phương khi ngay trên những ô ruộng bạc màu Mường Bon rau ăn đã trổ xanh, cho thu hoạch. Giàng A Dạy hồ hởi: “Nếu nhiều người dân học được cách sản xuất không phụ thuộc vào rừng thì sẽ tránh được tình trạng phá rừng vô tội vạ. Em càng làm thì càng thấy khoản tiền đi vay để đầu tư một phần phí học ở nước ngoài thật có ích”.

Hiện A Dạy đã khởi động lại một dự án mới với cách làm khác hơn và tiếp cận dựa vào lợi thế bản địa kết hợp công nghệ, đó là mô hình chăn nuôi bò thịt liên kết cùng các thanh niên trong xã cùng góp đất, góp bò, góp tiền thành lập hợp tác xã AMO. Đến nay hợp tác xã đã gom được hơn 10ha đất liền thổ và hơn 50 con bò, chuẩn bị cho quy mô 200 con sắp tới với dự kiến tự giết mổ và bán sản phẩm vào phân khúc khách hàng siêu thị cao cấp, kết hợp du lịch trải nghiệm trang trại bò như: cưỡi bò, cày bò, cho bò ăn, cho bò mát xa… Hợp tác xã AMO có 43 thành viên, có tổng 45ha đất, với 4 lĩnh vực chính là chăn nuôi bò, chăn nuôi gà, trồng cây ăn quả, trồng cây dược liệu và rau.

Giàng A Dạy chia sẻ hợp tác xã phát triển theo đúng mô hình kiểu mới, tự chủ và kết nối chặt chẽ với nhau trong các mảng kinh doanh, không làm ồ ạt mà có sự liên kết tạo hệ sinh thái tự hỗ trợ nhau. Hoạt động chủ lực là mô hình nuôi bò tiến tới là mô hình điểm du lịch giúp tiêu thụ các sản phẩm hoa quả tại chỗ.

Ước mơ hồi bé của Dạy là trở thành một doanh nhân về nông nghiệp và đến giờ ước mơ ấy vẫn không thay đổi. Dạy vẫn đang tiếp tục tìm tòi, học hỏi để biến ước mơ thành hiện thực và giúp bà con dân bản có thể làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Hay tại Bắc Giang, anh Trần Mạnh Quảng, xã Nghĩa Trung (huyện Việt Yên) là người đã từ bỏ việc làm khá tốt ở Nhật Bản, với mức lương hậu hĩnh để về quê trồng rau sạch. Cũng là người bị nền nông nghiệp sạch của nước bạn mê hoặc, trong khi nhiều mặt hàng thực phẩm trong nước lại thiếu an toàn.

Quảng đứng trước hai sự lựa chọn, rồi quyết định về quê kết hợp cùng hai bạn tu nghiệp sinh tại cường quốc nông nghiệp Israel, trồng rau tại quê nhà để ít nhất thì người thân và người dân được hưởng rau sạch. Hiện nay trang trại của nhóm đã cung cấp cho địa bàn Bắc Giang và một phần chuyển xuống Hà Nội.

Cuộc sống của người dân đã phát triển, nhưng yên bình hơn chưa, xanh hơn chưa? Một câu hỏi không dễ trả lời. Nhưng chúng ta vui vì có nhiều bạn trẻ không thờ ơ, vô cảm, nhiều bạn trẻ đã tự đặt lên vai của mình trách nhiệm, không ít nhà xã hội học cho là những hành động “sửa chữa” sai lầm của thế hệ trước. Điều đó là không quá, bởi không ít cánh rừng đang trổ xanh, những trang trại đang cung cấp cho thị trường nông sản an toàn, có bàn tay của tuổi trẻ.

Nhiều thứ đã mất đi, đang được gây dựng lại.

NGUYỄN VĂN HỌC

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nghi-xanh-va-song-xanh-5705565.html