Nghĩa cử tri ân đồng đội

Đã thành lệ kể từ năm 1977, vào ngày đón lễ Noel là vợ chồng ông Nguyễn Danh Nho, bà Dương Thị Hiền (hiện ở ngõ 55, phố Hoàng Như Tiếp, quận Long Biên, TP Hà Nội) lại cúng giỗ 7 người bạn chiến đấu của ông Nho.

Lúc 15 giờ, mâm cúng đã biện xong với hoa quả tươi, đồ thức khoản đãi không cầu kỳ, nhưng được ông bà tự tay chế biến rất cẩn thận. 7 cặp bát đũa đặt xung quanh kiểu quy tụ. Mâm cúng đặt trên bàn phủ khăn trắng, ở giữa sân nhà. 7 nén nhang cắm chếch về phương Nam, nghi ngút khói. Vợ chồng ông Nho và đứa cháu lớn đứng chắp tay kính cẩn. Trong lời khấn, ông Nho xướng tên từng liệt sĩ. Ông gọi họ là anh và tự xưng là “tôi”.

 Cựu chiến binh Nguyễn Danh Nho trao quà cho anh Trần Văn Đông ở xã Hưng Đạo, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Anh Đông là con trai Liệt sĩ Trần Văn Mười-một trong 7 người bạn chiến đấu của ông hy sinh ngày 24-12-1968, tại Quảng Ngãi.

Cựu chiến binh Nguyễn Danh Nho trao quà cho anh Trần Văn Đông ở xã Hưng Đạo, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Anh Đông là con trai Liệt sĩ Trần Văn Mười-một trong 7 người bạn chiến đấu của ông hy sinh ngày 24-12-1968, tại Quảng Ngãi.

Thời gian sống, chiến đấu bên nhau rất ngắn ngủi, người ngã xuống, người thay thế có khi không qua nổi một đêm. Bởi thế, Tiểu đội trưởng Nguyễn Danh Nho không kịp biết hết và cũng không thể nhớ đầy đủ họ tên, quê quán của từng người trong tiểu đội mình. Vậy là lúc khấn, ông cứ gọi tên của liệt sĩ kèm theo tên tỉnh quê hương. Đầu tiên là “anh Diếc, quê Hải Phòng, Trung đội trưởng, Trung đội 1 pháo 12 ly 7, Đại đội 1, Tiểu đoàn Pháo binh 107, Quân khu 5”. Tiếp đó, ông gọi các anh em trong Tiểu đội 1, do ông làm tiểu đội trưởng, theo vần ABC như điểm danh khi còn sống: “Anh Bắc (Hải Phòng), anh Châu (Nam Định), anh Chúc (Nam Định), anh Cường (Hải Phòng), anh Dũng (Hưng Yên), anh Trần Văn Mười (Hải Dương)”. Ông mời vong linh các liệt sĩ về gia đình ông sum họp, kỷ niệm ngày hy sinh cho Tổ quốc và đón Xuân Canh Tý 2020.

Đại úy, cựu chiến binh Nguyễn Danh Nho sinh năm 1944, quê xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Năm 1964, ông nhập ngũ rồi trở thành bộ đội cao xạ 12,7mm (Tiểu đoàn 270, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320). Tháng 1-1967, Tiểu đoàn 270 đổi tên thành Tiểu đoàn 107, được bổ sung cho Sư đoàn 320B, vào chiến trường Quảng Ngãi, bắt đầu những tháng ngày gian khổ nhưng chói ngời chiến công (đơn vị này đã được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân năm 2012).

Vào buổi chiều ngày đón lễ Noel năm 1968, quân địch man rợ cho một tốp máy bay trực thăng chở đầy lính đi càn đúng chỗ tiểu đội của ông đang tranh thủ ngày “ngừng bắn” bảo dưỡng vũ khí ở trong rừng. 7 chiến sĩ đã hy sinh. Chỉ còn ông và ông Lai (quê Hải Phòng) bị trúng đạn vào phần mềm, lết được vào bụi rậm nên sống sót. Do bị mất 21% sức khỏe, từ năm 1970, ông được chuyển sang công tác bảo đảm hậu cần, tài chính Tỉnh đội Quảng Ngãi… Đầu xuân 1976, ông chuyển vùng về Cục Tài chính, Bộ Quốc phòng.

Tháng 10-1977, sau nhiều ngày tìm hiểu, khi nghe câu chuyện về giỗ bạn mà Đại úy Nguyễn Danh Nho dành kể sau cùng (để không bị những chuyện khác lấn át), Thiếu úy QNCN Dương Thị Hiền, đồng nghiệp của anh (cũng vừa mới chuyển vùng từ Quân khu 4 ra) đã gật đầu đồng ý và họ nên duyên vợ chồng! Tình yêu chồng vợ của họ thấm đậm tình đồng đội. Hai vợ chồng từ đó đến nay luôn dành một ngày cúng giỗ bạn chiến đấu. Đó là một nghĩa cử nhân văn góp phần làm đẹp thêm phẩm chất văn hóa của Bộ đội Cụ Hồ.

Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/nghia-cu-tri-an-dong-doi-611936