Nghĩa địa chôn cất cá Ông ở Hà Tĩnh, để tang như con người

Từ bao đời nay, ngư dân xem cá voi là hiện thân của sự linh thiêng, may mắn. Họ gọi tôn kính là cá Ông, lập nghĩa địa và thờ cúng như người thân trong gia đình.

Miếu thờ Đức Ngư Ông nằm sát bờ biển sạch đẹp ở thôn Xuân Bắc, xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Nơi đây là nơi người dân chôn cất, thờ cúng gần 200 cá Ngư Ông. Ngư dân ở đây bao đời nay xem cá voi là hiện thân của linh thiêng, may mắn. Họ gọi tôn kính là cá Ông.

Miếu thờ Đức Ngư Ông ở xã Cẩm Nhượng.

Miếu thờ Đức Ngư Ông ở xã Cẩm Nhượng.

Ở xã Cẩm Nhượng không mấy ai còn nhớ miếu thờ Đức Ngư Ông được lập từ khi nào. Họ chỉ biết ngày còn rất nhỏ đã thấy cha mẹ thường đến thắp nhang trên mộ Ông trước mỗi chuyến ra biển.

Ông Nguyễn Hữu Phương - Trưởng ban lễ nghi đền, miếu xã Cẩm Nhượng cho hay, từ lâu việc chôn cất và thờ cúng cá Ông không chỉ mang yếu tố tâm linh mà đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của cư dân miền biển. Ngư dân xem cá Ông là vị thần che chở họ trước mỗi chuyến ra khơi đánh bắt.

Ông Nguyễn Hữu Phương - Trưởng ban lễ nghi đền, miếu xã Cẩm Nhượng thường xuyên đến chăm sóc miếu thờ Đức Ngư Ông.

Ông Nguyễn Hữu Phương - Trưởng ban lễ nghi đền, miếu xã Cẩm Nhượng thường xuyên đến chăm sóc miếu thờ Đức Ngư Ông.

Bao đời nay, mỗi khi gặp xác cá Ông trên biển hoặc xác cá Ông dạt vào bờ, ngư dân xã Cẩm Nhượng đều cẩn thận đưa xác Ông vào bờ. Các chủ tàu, thuyền phải báo cho Ban quản lý miếu thờ Đức Ngư Ông và chính quyền địa phương để làm các thủ tục mai táng.

Khi đưa Ông vào bờ, việc đầu tiên là tắm rửa cho Ông sạch sẽ bằng rượu, quấn vải đỏ rồi đặt Ông lên bàn trong miếu thờ để làm lễ. Ban nghi lễ sẽ tiến hành tung đồng âm dương để xác định là đực hay cái. Cá Ông nặng hơn 50kg sẽ đặt tên là Đức Ông, Đức Bà; bé hơn thì đặt là Đức Cô hoặc Đức Cậu. Các nghi lễ mai táng Ông được Ban Quản lý miếu thờ Đức Ngư Ông và chủ tàu, thuyền thực hiện như chôn cất một con người.

Khoảng 3 năm sau khi chôn, chủ tàu, thuyền sẽ làm lễ cải táng cho Ông, lúc này mới mãn tang.

"Sau khi mai táng cá Ông, người chủ tàu, thuyền phải chịu tang Ông, làm các nghi thức cúng cùng 3, 49, 100 ngày, giỗ đầu giống như con người. Sau 2 năm cá sẽ được cải táng lên một vùng đất khác, xây lăng mộ bằng gạch, đá", ông Phương cho biết.

Khuôn viên nghịa địa luôn được người dân dọn sạch sẽ.

Khuôn viên nghịa địa luôn được người dân dọn sạch sẽ.

Mỗi năm, cứ đến ngày 8/4, người dân ở xã Cẩm Nhượng tổ chức lễ cầu ngư tại miếu Ngư Ông, cầu mong mưa thuận gió hòa, ngư dân đi biển được bình an. Trên thực tế, cứ đến ngày rằm, mùng một người dân ở đây vẫn thường xuyên đến miếu hành lễ, thắp hương tại nghĩa trang cá voi.

Tại khuôn viên miếu Đức Ngư Ông, các ngôi mộ đã được người dân và chính quyền tôn tạo lại khang trang. Mộ được xây bằng xi măng chắc chắn, dài khoảng 1m, rộng tầm 50cm, trước có bia và lư hương. Những ngôi mộ mới chưa hết tang sẽ được chôn riêng bên ngoài lăng, chờ hết tang sẽ được làm lễ để rước vào trong lăng.

Không ai biết ngôi mộ cá Ông đầu tiên ở đây được chôn cất từ lúc nào. Người ta chỉ biết qua những câu chuyện được truyền lại từ đời này sang đời khác thì đây là một trong 2 ngôi mộ lâu đời nhất tại khu nghĩa trang này, có từ hàng trăm năm trước. 2 ngôi mộ lâu đời nhất là một cặp Đức cậu và Đức cô, có trọng lượng gần 2 tấn. Đây cũng là cặp cá lớn nhất trong khu nghĩa trang.

Một cá Ông trôi dạt vào bờ được người dân an táng theo phong tục địa phương.

Một cá Ông trôi dạt vào bờ được người dân an táng theo phong tục địa phương.

Theo ông Phương, trước đây vài ba năm mới có một cá Ông lụy vào bờ, nhưng những năm gần đây, số lượng cá Ông lụy bờ ngày càng nhiều. Nguyên nhân có thể là do người dân sử dụng các dụng cụ đánh bắt bằng xung điện tận diệt nguồn hải sản. Đặc biệt năm 2017, khu nghĩa trang này đã an táng cho gần 10 cá Ông, trong đó nhiều con chỉ có trọng lượng 5-7 kg.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng - cho biết, tục an táng cá voi tại miếu Đức Ngư Ông có từ bao đời nay. Ngư dân nơi đây coi cá Ông là vị thần hộ mệnh cho họ giữa biển khơi, giúp cho ngư dân những chuyến đi biển may mắn, tôm cá đầy khoang. Việc mai táng và thờ cúng Ông được tổ chức trọng thể như một cách đền ơn đáp nghĩa của ngư dân.

Từ nhiều đời nay, ngư dân vùng biển Hà Tĩnh đã dựa vào biển, bám biển mưu sinh. Biển không chỉ là không gian sinh tồn, mà còn là không gian phản chiếu của lễ hội, tín ngưỡng, phong tục tập quán... Trong đó, nét văn hóa tiêu biểu là tín ngưỡng thờ cá Ông. Hằng năm cứ đến ngày 8/4 âm lịch, người dân ở đây đều nghỉ hẳn một ngày để làm lễ cầu ngư rước cá Ông ra biển để cầu may mắn, đánh bắt an toàn, bội thu.

Miếu Đức Ngư Ông là một trong những miếu thờ cá voi lớn nhất ở Hà Tĩnh, có niên đại khoảng 600 năm, được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2017.

Tương truyền, vua Lê Thánh Tông cùng các quan một lần đi thuyền trên biển gặp bão tố, cá voi bất ngờ xuất hiện dìu thuyền vua vào bờ, sau đó cá bơi ra biển cả. Vua trở về sắc phong cá Hải Nhân Ngư Tôn Thần, từ đó người dân lập đền thờ cá, tục chôn cất cá cũng xuất hiện từ đây. Vào thế kỷ XX, miếu thờ Hải Nhân Ngư Tôn Thần khá nhỏ, trải qua các cuộc chiến tranh bị bom đạn tàn phá. Khoảng chục năm trở lại đây đền thờ được mở rộng, các ngôi mộ an táng cá cũng được sắp xếp lại.

Quần thể miếu gồm điện thờ chính thờ Nam Hải Nhân Ngư Tôn Thần, phía nghĩa trang với gần 200 ngôi mộ chôn cất Đức Ông, Đức Bà, Đức Cô, Đức Cậu.

Nguyễn Sơn

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/nghia-dia-chon-cat-ca-ong-o-ha-tinh-de-tang-nhu-con-nguoi-17222040607232037.htm