Nghĩa Hưng đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển kinh tế
Những năm vừa qua, nhờ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh, huyện Nghĩa Hưng đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác thu hút đầu tư, phát triển kinh tế biển. Báo cáo của UBND huyện cho biết các điểm nhấn đáng lưu ý trong thu hút đầu tư của huyện... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Những năm vừa qua, nhờ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh, huyện Nghĩa Hưng đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác thu hút đầu tư, phát triển kinh tế biển.
Báo cáo của UBND huyện cho biết các điểm nhấn đáng lưu ý trong thu hút đầu tư của huyện là đã hoàn thành xây dựng và được cấp có thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch huyện Nghĩa Hưng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; quy hoạch chung đô thị Rạng Đông đến năm 2040; quy hoạch khối chức năng đô thị Rạng Đông đến năm 2040; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chung thị trấn, huyện NTM và các quy hoạch ngành, lĩnh vực làm cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển của huyện thu hút đầu tư triển kinh tế - xã hội. Để có mặt bằng sạch cung ứng cho doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, giai đoạn 2015-2020 trên địa bàn huyện đã thu hút các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Dệt may Rạng Đông giai đoạn 1, diện tích gần 550ha, tổng mức đầu tư 4.700 tỷ đồng. Hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng khu đô thị trung tâm và một số khu dân cư tập trung tại các xã, thị trấn được đẩy mạnh đầu tư, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về hạ tầng cơ sở đồng bộ, góp phần nâng cao năng lực thu hút đầu tư... Theo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện: 5 năm qua, huyện đã thu hút được 34 dự án đầu tư, bao gồm 31 dự án đầu tư trong nước, 3 dự án đầu tư nước ngoài. Trong đó, có các nhà đầu tư lớn như Tập đoàn BUDA đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất giày xuất khẩu tại xã Nghĩa Minh với quy mô 20ha, tổng mức đầu tư trên 3.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 8.000 lao động; hiện dây chuyền sản xuất số 2 của nhà máy mới đi vào hoạt động; dự kiến tối đa sẽ giải quyết thêm việc làm cho 4.000 công nhân. Công ty CP May Sông Hồng là 1 trong những Công ty nằm trong tốp 5 Công ty dệt may quy mô lớn nhất của Việt Nam đã đầu tư xây dựng nhà máy tại xã Nghĩa Thái với quy mô 6,2ha, tổng vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động với mức lương bình quân 6,2 triệu đồng/người/tháng. Tập đoàn Toray Nhật Bản đã đầu tư nhà máy sản xuất hàng dệt may tại KCN Dệt may Rạng Đông, tổng vốn đăng ký đầu tư trên 210 triệu USD. Việc đẩy mạnh thu hút đầu tư đã góp phần giúp nhiều địa phương của huyện có xuất phát điểm kinh tế thấp trở thành các đơn vị điểm về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân và có điều kiện từng bước nâng cấp, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng khang trang, sạch đẹp, như xã Nghĩa Minh; xã Nghĩa Thái... Trước khi các nhà đầu tư phát triển công nghiệp vào, giá đất của các khu dân cư tập trung tại các xã này chỉ dao động từ 2-3 triệu đồng/m2, sau khi hoạt động sản xuất công nghiệp phát triển đã tăng trung bình 16 triệu đồng/m2.
Hiện nay, huyện Nghĩa Hưng tiếp tục coi thu hút đầu tư là nhiệm vụ đột phá trong giai đoạn tới, trọng tâm là huy động mọi nguồn lực để ưu tiên xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng đồng bộ. Đặc biệt là xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng các KCN, cụm, điểm công nghiệp; các khu dân cư tập trung, khu dân cư tập trung kết hợp với thương mại - dịch vụ. Để hoàn thành nhiệm vụ đề ra, huyện đang tập trung chỉ đạo quyết liệt, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của UBND các cấp; nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, xây dựng đô thị thông minh như đồng chí Ngô Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết. Huyện phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện quy hoạch phân khu đô thị Rạng Đông và quy hoạch khu chức năng phía Nam đô thị Rạng Đông theo hướng tập trung thu hút đầu tư để phát triển đa ngành, đa lĩnh vực. Lập quy hoạch phân khu hai bên tuyến đường trục kết nối vùng kinh tế biển với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; quy hoạch hai bên tuyến đường bộ ven biển và cầu Thịnh Long đoạn qua Nghĩa Hưng, hai bên khu kênh nối Đáy - Ninh Cơ; quy hoạch chung các xã, thị trấn phù hợp với sự phát triển trong thời gian tới. Tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để triển khai một số dự án đầu tư trọng điểm của tỉnh, Trung ương và có tính chiến lược thúc đẩy thu hút đầu tư của địa phương như: giai đoạn 2 đường trục kết nối vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; tuyến đường bộ ven biển đoạn qua huyện Nghĩa Hưng, tỉnh lộ 488C. Tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm lấp đầy giai đoạn 1 KCN Dệt may Rạng Đông, tiếp tục thực hiện đầu tư giai đoạn 2, phát triển đồng bộ KCN Dệt may Rạng Đông, từng bước hình thành khu đô thị thương mại, dịch vụ dệt may - thời trang hiện đại. Tiếp tục đầu tư các cụm công nghiệp tại thị trấn Liễu Đề, thị trấn Quỹ Nhất, xã Nghĩa Phong, Nghĩa Lạc với tổng diện tích 70ha, tạo mặt bằng sạch nâng cao năng lực thu hút đầu tư. Từng bước xây dựng không gian kinh tế liên kết khu vực biển huyện Nghĩa Hưng gồm đô thị Rạng Đông, Thịnh Long - KCN Dệt may Rạng Đông - Khu chức năng phía nam đô thị Rạng Đông theo hướng phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó chuyên sâu về: Phát triển công nghiệp, thương mại hỗn hợp, các khu vui chơi giải trí, công viên chuyên đề, khách sạn cao cấp, resort ven biển, sân golf để hướng tới du lịch sinh thái; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch thể thao, văn hóa, giải trí gắn với khám phá, trải nghiệm, ẩm thực, tổ chức sự kiện. Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp về tìm hiểu đầu tư, nhất là các dự án có vốn lớn, dự án công nghệ cao và thân thiện môi trường, các dự án đầu ưt xây dựng hệ thống công trình hạ tầng, dịch vụ, thương mại. Đón đầu làn sóng đầu tư nước ngoài, ưu tiên thu hút các dự án quy mô lớn, hiện đại; tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu với các ngành công nghiệp công nghệ cao như thiết bị điện, điện tử, công nghiệp phần mềm, dược phẩm; tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh. Tiếp tục xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư, ưu tiên các dự án đầu tư chế biến sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, các dự án kỹ thuật cao, ít ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao tại một số địa bàn trọng điểm thu hút đầu tư như xã Nghĩa Minh, Nghĩa Thái, Nghĩa Sơn, Nghĩa Phong, thị trấn Rạng Đông./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy