Nghĩa Hưng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của huyện Nghĩa Hưng luôn có sự tăng trưởng vượt bậc, chất lượng nông sản từng bước được cải thiện theo hướng hàng hóa, đảm bảo an toàn thực phẩm. Để có được kết quả đó, huyện đã chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) trong sản xuất, góp phần nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác, tăng thu nhập cho người nông dân. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của huyện Nghĩa Hưng luôn có sự tăng trưởng vượt bậc, chất lượng nông sản từng bước được cải thiện theo hướng hàng hóa, đảm bảo an toàn thực phẩm. Để có được kết quả đó, huyện đã chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) trong sản xuất, góp phần nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác, tăng thu nhập cho người nông dân.

Thu hoạch tôm sú tại vùng nuôi thủy sản Cồn Xanh (Nghĩa Hưng).

Nhận thức được vai trò của KHKT đối với sản xuất nông nghiệp, anh Vũ Văn Khá, khu phố 8, thị trấn Quỹ Nhất đã triển khai áp dụng nhiều kỹ thuật mới vào sản xuất của gia đình đạt hiệu quả kinh tế cao. Từ năm 2015 đến nay, anh đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng với quy mô gần 1.000m2 trồng dưa lê Hàn Quốc, được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel đáp ứng nhu cầu nước theo từng thời kỳ sinh trưởng của cây trồng. Anh Khá cho biết: Áp dụng phương pháp nhà màng giúp chủ động về thời vụ nên có thể sản xuất 3 vụ dưa/năm. Bên cạnh đó, nhà màng còn ngăn ngừa côn trùng phá hoại, giảm tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu nên sản phẩm đạt chất lượng an toàn góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và cộng đồng. Mỗi năm, anh Khá thu được gần 5 tấn dưa, doanh thu đạt trên 200 triệu đồng. Hiện anh Khá đang tập trung xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dưa lê Hàn Quốc do anh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời chuẩn bị các điều kiện thành lập hợp tác xã (HTX) để tổ chức phát triển sản xuất theo quy mô lớn và bền vững, thích ứng với cơ chế thị trường. Để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các tiến bộ KHKT mới, hàng năm huyện Nghĩa Hưng đã triển khai nhiều hoạt động phổ biến KHKT như tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn chia sẻ kinh nghiệm cho người dân nhằm chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và các HTX Dịch vụ nông nghiệp tổ chức nhiều lớp tập huấn cho nông dân về những mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán sản xuất của người dân trên địa bàn. Do đó, việc ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp của huyện Nghĩa Hưng đã có nhiều bước tiến quan trọng, đạt hiệu quả kinh tế cao ở hầu hết các lĩnh vực, làm thay đổi tư duy và phương pháp tổ chức sản xuất của người dân. Trong lĩnh vực trồng trọt, sản xuất lúa đã được người dân sử dụng giống lúa có chất lượng gạo cao, thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh tổng hợp, áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch đến bảo quản và chế biến nông sản. Nhiều xã, thị trấn đã xây dựng các cánh đồng mẫu lớn áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất an toàn, thực hiện cơ giới hóa đồng bộ khâu làm đất, thu hoạch. Ngoài ra, huyện đã xây dựng thành công các vùng trồng dược liệu tập trung, đã thực hành trồng và thu hái cây thuốc đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO); trong đó, chủ lực là cây đinh lăng được thực hiện chuỗi liên kết với Công ty Cổ phần Traphaco, cho thu nhập từ trên 300 triệu đồng/ha/năm. Thực hiện chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang mục đích sản xuất khác có giá trị kinh tế cao, nhiều địa phương đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường như: vùng sản xuất cây cà chua tại thị trấn Quỹ Nhất, xã Nam Điền; vùng sản xuất rau màu tại các xã Nghĩa Phong, Nghĩa Thành; vùng trồng hoa, cây cảnh tại thị trấn Liễu Đề; vùng trồng sen lấy hạt tại xã Nghĩa Bình... Những diện tích này đều cho thu nhập cao gấp 3-5 lần so với trồng lúa. Trong chăn nuôi, nhiều tiến bộ KHKT đã được áp dụng như: sử dụng các chế phẩm sinh học EM, đệm lót chuồng trại sinh học, hệ thống biogas xử lý chất thải, mô hình nuôi giun quế làm thức ăn chăn nuôi… góp phần phát triển chăn nuôi an toàn theo hướng hữu cơ, nâng cao hiệu quả kinh tế bảo vệ môi trường và an toàn dịch bệnh. Tiêu biểu như mô hình sử dụng hệ thống máy tách phân để xử lý chất thải trong chăn nuôi lợn làm phân bón hữu cơ của anh Nguyễn Văn Chinh, xã Nghĩa Sơn. Anh Chinh cho biết: Với quy mô 2.500 con lợn, cứ 2 ngày thì vận hành máy để tách và ép phân 1 lần, trang trại có thể thu được 1 tấn phân khô bán với giá 1 triệu đồng, chi phí điện vận hành máy chỉ tốn khoảng 100 nghìn đồng/lần. Như vậy, đầu tư công nghệ này, một mặt xử lý được triệt để chất thải (không lo quá tải bể biogas), mặt khác còn có thêm nguồn thu phụ không nhỏ. Ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, huyện đã hình thành nhiều vùng nuôi tập trung: vùng nuôi thủy sản Cồn Xanh, vùng nuôi bãi triều, vùng nông trường Rạng Đông với các đối tượng nuôi có giá trị, hiệu quả kinh tế cao như cá bống bớp, cá song, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao giống, cá chim trắng, cá lóc bông… Có thể nói, việc ứng dụng KHKT không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn thúc đẩy chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, hiệu quả thấp sang sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của Nghĩa Hưng. Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng sản xuất nông nghiệp của huyện tăng bình quân 3,03%/năm; giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác từ 113,61 triệu đồng (năm 2016) tăng lên 124 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, do năng lực kinh tế của nông dân còn nhỏ bé, tập quán sản xuất nên việc ứng dụng KHKT trong sản xuất nông nghiệp ở Nghĩa Hưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiếu đồng bộ, kinh phí hỗ trợ các mô hình ứng dụng chưa được nhiều, trình độ của nông dân không đều nên chưa thúc đẩy việc phổ biến, áp dụng KHKT trên diện rộng. Việc liên kết sản xuất chưa đồng bộ chặt chẽ nên hiệu quả chuyển giao tiến bộ KHKT của huyện cũng chưa cao.

Thời gian tới, huyện Nghĩa Hưng tiếp tục tăng cường, tiếp nhận khảo nghiệm, đưa các tiến bộ KHKT mới trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, qua đó lựa chọn và chuyển giao nhanh các giống cây con có năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt và biện pháp kỹ thuật thâm canh mới có hiệu quả vào sản xuất. Nhân nhanh các mô hình sản xuất ứng dụng tiến bộ kỹ thuật có hiệu quả kinh tế cao ra đại trà. Tổ chức xây dựng các mô hình sản xuất lương thực, thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của thị trường. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX mở rộng các loại hình dịch vụ, nhất là dịch vụ tiêu thụ nông sản và mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng kinh tế./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202006/nghia-hung-day-manh-ung-dung-tien-bo-khoa-hoc-ky-thuat-trong-san-xuat-nong-nghiep-2538288/