Nghĩa Hưng phát huy hiệu quả công tác hòa giải

Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Nghĩa Hưng đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Qua đó, chất lượng và hiệu quả công tác hòa giải được nâng lên; tỷ lệ hòa giải thành ngày càng cao, kịp thời giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp, tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Nghĩa Hưng đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Qua đó, chất lượng và hiệu quả công tác hòa giải được nâng lên; tỷ lệ hòa giải thành ngày càng cao, kịp thời giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp, tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Cán bộ hòa giải tổ dân phố Thống Nhất, xã Nghĩa Trung thảo luận nội dung hòa giải vụ việc trên địa bàn.

Là địa bàn gần trung tâm huyện, tổ dân phố Thống Nhất, xã Nghĩa Trung có số người từ nơi khác đến cư trú, kinh doanh, buôn bán đông. Trong cuộc sống hàng ngày, những xích mích, tranh chấp về quyền lợi trong cộng đồng dân cư đã nảy sinh. Gần đây nhất là vụ mâu thuẫn giữa nhà ông H với nhà ông Đ; do gia đình ông H tập kết hàng hóa để tràn sang cửa nhà ông Đ nên hai bên lời qua tiếng lại. Biết thông tin, các thành viên tổ hòa giải đã đến tận nhà hai bên gặp gỡ, trò chuyện; nắm rõ lý do dẫn đến bất hòa để khuyên can, phân tích thiệt hơn. Bằng những lời lẽ thấu tình, đạt lý, hai bên đã có sự cảm thông, chia sẻ và xóa bỏ mâu thuẫn. Trung bình mỗi năm, tổ hòa giải khu phố đã hòa giải thành từ 3 đến 5 vụ việc mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư về tranh chấp đất đai, hôn nhân và gia đình, thừa kế, tai nạn giao thông, gây rối trật tự công cộng... Là địa bàn trung tâm huyện, thời gian qua thị trấn Liễu Đề thực hiện một số dự án xây dựng cụm công nghiệp, mở rộng đô thị. Nhận thức được tầm quan trọng của các dự án, các tổ hòa giải ở cơ sở đã tích cực tuyên truyền sâu rộng tới từng hộ dân hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc quy hoạch, giải phóng mặt bằng thu hút đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn. Nhờ đó người dân đồng tình với các phương án đền bù, giải phóng mặt bằng; từ đó các dự án được triển khai thuận lợi. Đồng chí Phạm Quang Tuyến, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Liễu Đề cho biết: Thị trấn có 11 tổ hòa giải với 100 hòa giải viên. Những năm qua, cùng với kịp thời hòa giải những mâu thuẫn ở địa bàn dân cư, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân; các quy định của pháp luật được đội ngũ hòa giải viên truyền tải đầy đủ, nhanh chóng, từ đó giúp người dân hiểu và chấp hành đúng các quy định của pháp luật, góp phần giữ vững an ninh trật tự và phục vụ nhiệm vụ chính trị của thị trấn.

Huyện Nghĩa Hưng hiện có 226 tổ hòa giải với 2.219 hòa giải viên. Thành phần tổ hòa giải là bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; cán bộ Mặt trận Tổ quốc, thanh niên, phụ nữ, chức sắc tôn giáo; đa số tổ trưởng tổ hòa giải là bí thư chi bộ kiêm nhiệm. Xác định vai trò quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, hàng năm UBND huyện Nghĩa Hưng đều ban hành kế hoạch, các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện Luật Hòa giải, thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về hoạt động hòa giải ở cơ sở và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hòa giải; từ đó nhiều kinh nghiệm hay của các vụ hòa giải được nhân rộng. UBND huyện chỉ đạo Phòng Tư pháp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ về công tác hòa giải ở cơ sở. Thường xuyên cung cấp tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu pháp luật phục vụ công tác hòa giải như: Sổ tay nghiệp vụ hòa giải, sách hỏi - đáp pháp luật, tờ rơi, tờ gấp và các tài liệu cần thiết khác… Hàng năm, Phòng Tư pháp đều kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất công tác hòa giải ở cơ sở tại các xã, thị trấn; từ đó kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn, giúp công tác này đi vào nền nếp, đảm bảo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, UBND các xã, thị trấn quan tâm trang bị tủ sách pháp luật để phục vụ nhu cầu đọc, tìm hiểu kiến thức của thành viên các tổ hòa giải; mặt khác kịp thời khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện pháp luật về công tác hòa giải cơ sở nhằm khích lệ, động viên tinh thần các hòa giải viên. Đặc biệt, hầu hết các địa phương trong huyện đã thực hiện việc đầu tư kinh phí cho hoạt động hòa giải. Cụ thể như hỗ trợ chi theo vụ việc với mức 100 nghìn đồng/vụ hòa giải thành và hỗ trợ kinh phí văn phòng phẩm cho các tổ hòa giải. Qua đó góp phần giúp các tổ hòa giải thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở.

Năm 2019, toàn huyện tiếp nhận hòa giải 220 vụ việc, trong đó, đã hòa giải thành là 205 vụ việc, đạt tỷ lệ 93,2%. Những kết quả đạt được trong công tác hòa giải đã góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế. Thời gian tới, huyện Nghĩa Hưng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ hòa giải và hòa giải viên thông qua việc thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các hòa giải viên, cung cấp tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên cũng như đẩy mạnh công tác xây dựng, quản lý tủ sách pháp luật tại xã, phường, thị trấn để có nguồn văn bản cho các hòa giải viên tham khảo. Kết hợp chặt chẽ công tác hòa giải ở cơ sở với cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao và thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật ở các xã, thị trấn./.

Bài và ảnh: Trần Văn Trọng

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5086/201912/nghia-hung-phat-huy-hieu-qua-cong-tac-hoa-giai-2534571/