Nghĩa Lợi phát triển nghề đan cói truyền thống
Trải qua thăng trầm thời gian, nghề đan cói, làm chổi rơm truyền thống vẫn được người dân xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng) gìn giữ và phát triển, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Trải qua thăng trầm thời gian, nghề đan cói, làm chổi rơm truyền thống vẫn được người dân xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng) gìn giữ và phát triển, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đi trên những con đường làng phong quang, sạch đẹp, những ngôi nhà kiên cố, chúng tôi cảm nhận không khí lao động hăng say tại các cơ sở đan cói truyền thống ở xã Nghĩa Lợi. Ban đầu chỉ là nghề phụ trong những lúc nông nhàn, nhưng hiện nay, nghề đan cói đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 1.000 lao động trong xã. Nhờ phát triển đúng hướng, nghề đan cói đã góp phần tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống của người dân. Theo các bậc cao niên trong xã, từ những năm 1930 khi lập ấp, người dân ở thôn Đồng Nam, xã Nghĩa Lợi đã đưa nghề đan cói về địa phương. Trước năm 1990, cói thôn Đồng Nam chỉ tiêu thụ trong nước, sau đó dần xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Năm 2013, thôn Đồng Nam được UBND tỉnh công nhận đạt các tiêu chí làng nghề của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hiện nay, làng nghề Đồng Nam có tổng số 94/124 hộ làm nghề đan cói (chiếm tỷ lệ 75,8%); thu nhập của lao động từ 4 triệu đến 7 triệu đồng/tháng. Trong 2 năm 2019, 2020 thu nhập từ nghề đan hàng cói xuất khẩu đạt 9,8 tỷ đồng/năm, bằng 80% tổng doanh thu của làng nghề. Qua đánh giá hàng năm, nghề đan hàng cói xuất khẩu của làng nghề Đồng Nam cao gấp 2 lần so với các nghề: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… Nhiều gia đình trong thôn Đồng Nam khá giả nhờ nghề đan cói như hộ các ông: Nguyễn Ngọc Giới, Nguyễn Văn Quảng, Nguyễn Văn Xá, Nguyễn Văn Mười, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Văn Thạch… Ông Nguyễn Ngọc Giới, thôn Đồng Nam chia sẻ: “Trước đây nghề đan cói là nghề phụ, tuy nhiên đến nay lại là nghề cho thu nhập chủ đạo của gia đình ông và của nhiều hộ trong thôn. Nhà cửa khang trang, các thiết bị sinh hoạt như ti vi, tủ lạnh, đồ dùng sinh hoạt và nuôi con ăn học, đều nhờ nghề đan cói”. Nghề đan cói thôn Đồng Nam cũng trở thành “cứu cánh” cho nhiều gia đình ở thôn. Chị Vũ Thị Tươi (50 tuổi), thôn Đồng Nam có hoàn cảnh khó khăn; chị và con gái đều bị bệnh tim. Nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, chị đã có kinh phí xây nhà. An cư lạc nghiệp, mẹ con chị yên tâm làm nghề đan cói với thu nhập bình quân khoảng 3,5 triệu đồng/người/tháng. Để nghề đan cói phát triển bền vững, trên địa bàn xã đã hình thành các đại lý thu mua sản phẩm. Tiêu biểu là Doanh nghiệp tư nhân Ánh Túy do ông Vũ Xuân Túy, thôn Ngọc Tỉnh làm chủ. Từ những năm 1980, ông Túy đã huy động mọi người trong gia đình và một số hộ xung quanh gia công sản phẩm. Việc tiêu thụ sản phẩm tốt, số lượng hợp đồng ngày một nhiều, số lao động tham gia làm nghề và các khâu dịch vụ liên quan cũng tăng lên. Sau hơn chục năm là đầu mối tạo việc làm cho các hộ trong làng nghề, ông Túy đã thành lập Doanh nghiệp tư nhân Ánh Túy chuyên cung ứng nguyên liệu, mẫu mã và bao tiêu sản phẩm cho các hộ nhận gia công. Hiện nay, mỗi tháng doanh nghiệp của ông tiêu thụ trên 10 tấn cói nguyên liệu được nhập về từ các tỉnh Thanh Hóa, Long An và đã phát triển trên 100 mẫu sản phẩm với nhiều kích thước, màu sắc khác nhau, đáp ứng nhu cầu của nhiều phân khúc thị trường. Các “vệ tinh” sản xuất sản phẩm cói của Doanh nghiệp tư nhân Ánh Túy tạo việc làm cho trên 900 lao động ở xã Nghĩa Lợi và một số xã lân cận. Từ hạt nhân Doanh nghiệp Ánh Túy, đến nay, nghề đan cói ở Nghĩa Lợi đã phát triển nhanh chóng ở cả 16 thôn trong xã. Nhiều cán bộ, đảng viên trong xã đã đi đầu trong việc gìn giữ và phát triển nghề đan cói. Ông Trịnh Quyết Tiến, Bí thư chi bộ thôn Kiên Thành mở cơ sở chuyên sản xuất quai sản phẩm cói với 3 lao động làm việc thu nhập từ 8-10 triệu đồng/người/tháng. Anh Trần Xuân Tính, đảng viên chi bộ thôn Kiên Thành là đầu mối thu mua sản phẩm cói thành phẩm, tạo việc làm cho trên 100 lao động với mức thu nhập ổn định từ 4-7 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với nghề đan cói ở thôn Phương Đê, xã Nghĩa Lợi còn hơn chục gia đình làm nghề bó chổi rơm cho thu nhập ổn định 3-4 triệu đồng/người/tháng. Các sản phẩm chổi của Phương Đê làm bằng rơm nếp “bền và đẹp” nên hiện vẫn tiêu thụ ổn định.
Đồng chí Trần Văn Túy, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lợi cho biết: Nghề đan cói, bó chổi rơm truyền thống phát triển, đã góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 47,5 triệu đồng/năm; xã không còn hộ nghèo (trừ đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội). Đặc biệt, so với nhiều làng nghề chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19, các nghề thủ công truyền thống của địa phương vẫn duy trì ổn định sản xuất, không có tình trạng hàng tồn đọng, thời gian tới xã phối hợp với các đơn vị dạy nghề, đại lý thu mua sản phẩm tổ chức chương trình đào tạo ngắn hạn cho người lao động để nâng cao tay nghề, đặc biệt là các mặt hàng mới mà thị trường yêu cầu; có cơ chế khuyến khích các đại lý thu mua thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã bao tiêu sản phẩm cho người lao động./.
Bài và ảnh: Viết Dư