Nghĩa tào khang vì đâu nên nỗi?
'Con cá làm ra con mắm/Vợ chồng già thương lắm mình ơi', câu hát mộc mạc, đơn sơ mà thâm thúy và cảm động này nhằm ca ngợi tình cảm vợ chồng gừng cay muối mặn; vui cùng hưởng, buồn cùng chia, gánh vác nhọc nhằn vượt qua bao mưa nắng dầu dãi...
Hình ảnh ấy gợi nên trong ta sự ngọt ngào ấm áp. Nhưng thực tế có khi không phải như vậy.
Kết thúc phiên tòa xét xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ đã tuyên phạt bị cáo Lê Văn Th. (91 tuổi, ngụ xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ) 8 năm tù về tội “Giết người” mà nạn nhân chính là người bạn đời có nhiều năm chung sống và có với nhau tới 7 mặt con - cụ bà Lê Thị B. (85 tuổi).
Theo cáo trạng, do hai vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn nên có một thời gian dài (được xác định là khoảng tám năm), bà B. bỏ về TP.HCM sống với vợ chồng cô con gái út. Tám năm sau, các con động viên bà B. về chăm sóc cho ông Th. vì sức khỏe ông dần yếu đi do tuổi tác. Nghĩ dù sao cũng còn cái nghĩa vợ chồng, bà B. quay về. Đến lúc này, bà mới biết, trong thời gian bà ra đi, do túng thiếu, cần tiền chữa bệnh, ông Th. đã cắt một phần đất bán cho anh con trai cả.
Bà B. kịch liệt phản đối vì cho rằng đây là tài sản chung, ông Th. không được tự ý bán. Nhưng sự việc đã rồi, số tiền lấy trước một nửa, ông đã xài hết, bà không kể. Nhưng một nửa tiền anh con cả còn nợ lại, bà nhất quyết đòi chia hai. Ông Th. không đồng ý. Thế là hai bên thường xuyên cự cãi. Mâu thuẫn ngày càng nặng nề đến nỗi mặc dù ở chung nhà nhưng họ không thèm nhìn mặt nhau.
Ly nước rót mãi, rót mãi… tất phải tràn ra ngoài. Cái giọt nước tràn ly định mệnh ấy rơi đúng vào một buổi sáng tháng tư. Cụ ông đến nhà con trai đòi một nửa số tiền còn lại. Cụ bà nghe tin, đi theo ngăn cản.
Không đòi được tiền, ông Th. hậm hực lững thững quay về. Ông vừa đi vừa ngẫm, vừa tức, vừa giận, vừa buồn… Những cảm xúc đan xen ấy làm ông ứa nước mắt. Người xưa thường nói “thất thập cổ lai hy”: Người sống 70 tuổi xưa nay được cho là hiếm. Bát thập đắc hi hỉ: Sống đến 80 là vui lắm, cười tối ngày. Còn ông, năm nay đã bước qua tuổi 91 được gọi là “cửu thập siêu thọ”. Đáng lý, cảnh giới của ông bây giờ là ngày hai buổi vui thú điền viên, thong dong, tâm tịnh. Sự đời, tiền bạc có thể xem là phấn thổ, là gió cuốn mây trôi… Gần trăm tuổi vẫn còn người bạn đời đi kề bên, đáng lý ông phải cảm thấy hạnh phúc viên mãn. Vậy nhưng ngược lại, chỉ vì mấy chỉ vàng bán đất mà bà đã quên câu tấm mẳn, quên mấy mươi năm cùng nhau vượt qua nghèo khó vất vả. Bà không nghĩ tới công lao ông đã làm lụng cùng bà nuôi một bầy con và gom góp từng chút mồ hôi nước mắt để tạo ra của cải. Ngày giờ này đã gần đất xa trời rồi mà lúc nào miệng bà cũng chỉ nói tới tiền, đối xử với ông thiệt là tệ bạc.
Là ông nghĩ vậy. Càng nghĩ càng buồn. Càng buồn càng tức. Nỗi uất hận làm ông run rẩy bước chân. Cái nắng tháng tư chói chang khiến con đường trở về nhà của ông càng xa, càng mệt.
Vừa bước vào nhà, bất chợt nhìn thấy chai thuốc trừ sâu nằm trong một góc nhà, ông mụ mẫm nảy sinh ý định đầu độc vợ cho bõ tức. Ông châm một bình trà nóng, đổ thuốc trừ sâu vào, để lên bàn chỗ bà B. thường ngồi uống nước, rồi bỏ sang nhà hàng xóm chơi.
Ba B. về rót nước trà ra ly định uống thì phát hiện nước có màu trắng đục, bốc mùi thuốc trừ sâu. Nghi “thủ phạm” là ông Th., bà đem sự việc trình báo với công an.
Tại phiên tòa, vì tuổi cao sức yếu lại vừa trải qua cơn suy sụp tinh thần, không thể đứng lâu nên ông Th. được ngồi để trả lời xét hỏi. Ông nghiêng ngóng hồi lâu đôi tai nghễnh ngãng, khó nhọc lắm mới nghe rõ câu chất vấn của hội đồng xét xử. Giọng ông yếu ớt, run rẩy tưởng không giữ được từng con chữ phát ra: “Tôi không có ý định giết vợ. Tại bả suốt ngày cứ tranh giành tiền bán đất, tôi buồn quá, định pha thuốc sâu tự tử. Chưa kịp uống thì bả phát hiện rồi làm ầm lên".
Trong phần đề nghị mức án, Kiểm sát viên giữ quyền công tố cho rằng hành vi của ông Th. là đáng lên án nhưng sau khi xem xét thấy ông phạm tội trong trường hợp chưa đạt, tuổi đã cao, gia cảnh cũng rất khó khăn, bị hại cũng đã làm đơn bãi nại xin miễn giảm tội cho bị cáo, đề nghị tòa cho miễn trách nhiệm hình sự, giao bị cáo cho địa phương quản lý.
Tuy nhiên, sau khi nghị án, hội đồng xét xử cho rằng hành vi của bị cáo là nguy hiểm, cần cách ly khỏi xã hội một thời gian nên đã tuyên phạt bị cáo Th. 8 năm tù về tội giết người.
Được nói lời sau cùng, ông Th. ngằn ngặt khóc, mặc dù khó nhọc lắm những giọt nước mắt nặng nề, đặc quánh kia mới từ từ rơi ra khỏi hai cái hố mắt sâu hoắm trên gương mặt già nua của một ông cụ gần trăm tuổi.
Khi mà bước chân trở về sau tám năm nữa không biết có còn kịp không thì lời hối hận muộn màng của ông Th. không hề có ý nghĩa là một bài học hay một kinh nghiệm cần rút ra. Nó chỉ như một thủ tục, một chuỗi âm thanh khiến người nghe xót xa. Chỉ mong sao ông có thể vượt qua để được lần cuối cùng trở về ngôi nhà của mình, được trút hơi thở sau cùng trong cái nơi mà cả đời dẫu không hạnh phúc cũng không ai muốn lìa xa.
Uất ức dồn nén, giận quá mất khôn… với một người già như ông Th. người ta có thể hiểu được. Những phản ứng tiêu cực kém sáng suốt liên quan tới sự suy giảm trí tuệ của tuổi già, người ta có thể thông cảm được… Nhưng luật pháp có sự công minh rạch ròi và giá trị răn đe của nó mà bất cứ người dân nào sống cũng phải tuân theo.
Chỉ tiếc, cho đến giây phút cuối, bà B. được người con trai đưa đến, ngồi một mình ở góc bàn chếch bên kia khán phòng vẫn một mực: "Ổng đã có ý giết tôi, giờ tòa giải quyết chia tài sản cho tôi để dọn đi nơi khác ở vì không thể sống chung nữa".
Tài sản, đất đai, tiền bạc… là những thứ vật chất do chính con người tạo ra nhưng đôi khi vì không làm chủ được nó mà con người đã để cho nó đẩy vào bi kịch gia đình không thể cứu vãn.
Kết thúc phiên tòa, ông Th. tay bị còng, run rẩy bước đi giữa sự dìu đỡ của hai anh công an. Hình ảnh ấy dội vào lòng tôi một nỗi niềm trắc ẩn. Không biết 8 năm là dài hay ngắn với một đời người và với một ông lão đã bước qua tuổi chín mươi? Tôi khó nhọc nén tiếng thở dài.
Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/ban-an-luong-tam/nghia-tao-khang-vi-dau-nen-noi-23365.html