Nghĩa tình đồng đội trong lửa đạn

Năm 2003, sau hòa bình gần 30 năm, gia đình tôi nhận được lá thư của một cô gái lạ gửi từ tỉnh Tây Ninh. Mọi người trong gia đình tôi rất tò mò về lá thư, còn nghi ngờ rằng trong thời gian chiến đấu ở miền Nam, tôi có con riêng vì tên cô gái giống với tên tôi. Khi đọc thư mới biết người viết thư là cháu Trần Thị Huyền, con gái ông Trần Sỹ Lân-bạn chiến đấu cùng đơn vị với tôi ở chiến trường Nam Lào.

Khi ấy, tôi là Đại đội trưởng Đại đội 21, Sư đoàn 968 Quân tình nguyện Việt Nam ở Lào. Lúc về đơn vị, thấy Trần Sỹ Lân da trắng, tóc xoăn, dáng vẻ thư sinh, tôi giao cho Lân làm liên lạc đại đội. Sau ngày 30-4-1975, chúng tôi chia tay nhau, Lân phục viên về quê ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) rồi đưa vợ con vào Tây Ninh sinh sống. Tôi ở lại tiếp tục tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, từ đó chúng tôi bặt tin nhau. Tôi đã vài lần dò hỏi tin tức về Lân mà chưa được.

Lân trở về sống bình yên bên vợ con nhưng luôn nhớ đến những kỷ niệm về đồng đội từng sát cánh “vào sinh ra tử” ở chiến trường nên đã nhờ con gái viết thư gửi đồng đội theo địa chỉ mà Lân chép trong cuốn sổ tay. Vì thế nên tôi nhận được lá thư trên. Điều làm tôi xúc động nữa là Lân đã lấy tên tôi để đặt tên cho con gái của mình.

Những người đã trải qua mưa bom bão đạn nơi chiến trường, khi mà cái chết có thể đến với bất cứ ai, bất cứ lúc nào như chúng tôi thì đều hiểu, tình cảm đồng đội vô cùng thiêng liêng, gắn bó không khác gì ruột thịt. Người lính không chỉ nhường cho nhau miếng cơm, manh áo mà còn sẵn sàng nhường cả sự sống cho nhau. Lân với tôi là như thế, ngoài tình đồng đội còn coi nhau như anh em ruột. Chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm không bao giờ quên...

 Tấm ảnh chân dung đồng chí Nguyễn Như Huyền (ảnh trên) và cuốn sổ được ông Trần Sỹ Lân cất giữ cẩn thận suốt 50 năm.

Tấm ảnh chân dung đồng chí Nguyễn Như Huyền (ảnh trên) và cuốn sổ được ông Trần Sỹ Lân cất giữ cẩn thận suốt 50 năm.

Một lần đi trinh sát chuẩn bị chiến trường ở cao nguyên Bolaven (Nam Lào), tôi cùng với toán trinh sát vào gần đến chân đồi thì bị địch phục kích bắn vào đội hình. Đồng chí đi trước tôi bị thương, máu chảy đầm đìa trên mặt. Do đang ở địa hình trống trải, không có vật che đỡ nên anh em trong tổ trinh sát có nguy cơ thương vong rất cao. Trong tình thế trước mặt địch vẫn bắn xối xả, tôi vừa bắn trả vừa chỉ huy anh em đánh tạt sườn địch để bảo vệ đội hình. Bỗng Lân bò lại phía tôi, lo lắng hỏi: “Thủ trưởng có bị thương không?”, rồi tiến lên nằm chắn trước mặt che đạn cho tôi. Trên trời, máy bay L-19 của địch chao xuống quan sát; phía Paksong, pháo địch cũng bắn từng loạt vào khu vực xung quanh. Tôi vội bảo: “Anh không sao, chú giúp anh em băng bó vết thương và đưa về phía sau”. Lúc này, máy bay địch đã bắn pháo khói sát chỗ chúng tôi. Phán đoán quân phục kích đã rút ra xa khu chiến đấu và máy bay sắp ném bom xuống đây, tôi ra lệnh đưa thương binh lên cáng và nhanh chóng lui quân, chờ trời tối tiếp tục vào trinh sát.

Sau này, lần nào đi chuẩn bị chiến trường với tôi, Lân cũng đi trước, cách khoảng 5-6m, đề phòng nếu có mìn Jip, mìn lá do địch gài thì phát hiện trước để bảo đảm an toàn cho cán bộ. Dọc đường hành quân, khi nghỉ giải lao, Lân thường ngồi cách tôi vài chục mét để cảnh giới với khẩu súng luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Tôi hiểu, Lân đang làm đúng trách nhiệm là chiến sĩ liên lạc của đơn vị. Nhưng tôi cũng rất lo lắng, nếu không phát hiện được mìn địch thì chính Lân sẽ bị nguy hiểm, vì địch thường bố trí mìn rất tinh vi, hiểm hóc. Về sau, tôi bàn với đồng chí chính trị viên cử Lân đi học y tá, rồi về làm y tá ở đại đội. Dáng người mảnh khảnh nhưng Lân rất nhiệt tình, chu đáo trong việc chăm sóc sức khỏe cho bộ đội. Đơn vị ai cũng quý Lân.

Một lần, địch ném bom tọa độ vào hậu cứ đại đội. Một quả bom đánh trúng căn hầm của tôi. Rất may, lúc đó tôi đang ở trong hầm kèo (hầm chữ A). Bom nổ khiến hầm bị biến dạng. Tôi bị đất vùi kín, kẹt trong hầm. Dứt tiếng bom, tôi nghe tiếng gọi thảng thốt của Lân từ bên ngoài, nhưng do bị đất vùi nên không trả lời được. Lân và mấy anh em vừa gọi to vừa vội vã đào bới cho đến khi sờ thấy chân tôi. Bình thường Lân lẻo khẻo, thế mà lúc đó cậu ấy túm chân lôi ngay được tôi đang bị vùi trong đống đất ra khỏi hầm. Nếu không nhờ Lân và đồng đội thao tác nhanh, có lẽ tôi đã tắt thở vì thiếu ô xy. May mắn lần ấy, cả đơn vị không ai bị thương. Sức ép của quả bom khiến doanh trại tan hoang, đồ đạc, tăng, võng của anh em tung tóe khắp nơi.

Mấy ngày sau, Lân chăm tôi như chăm em bé. Buổi tối, cậu ấy còn ra suối bắt cá, rồi hái rau mì chính (một loại rau rừng ăn rất ngọt) về nấu cho tôi ăn, dù tôi ngăn cản Lân cũng không được...

Cho đến giờ, đó là những kỷ niệm đẹp đẽ, quý giá mà chúng tôi muốn nhớ nhất về thời “nằm gai nếm mật” cùng nhau giữa mưa bom bão đạn. Đầu năm nay, Trần Sỹ Lân hẹn tôi dịp 30-4, kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sẽ ngược ra miền Bắc chơi và đến thăm tôi. Tuy nhiên, lời hẹn này chưa kịp thực hiện thì ông đã mất sau một cơn bạo bệnh. Nghe tin ấy, tôi lặng người đi. Lời hẹn của chúng tôi không thể thực hiện được nữa...

Kể lại câu chuyện này, tôi tâm niệm như một nén nhang kính viếng hương hồn người bạn, người đồng đội, người em yêu quý, nghĩa tình đã cùng tôi chiến đấu, hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc, nhân dân và giờ đây cũng đã đi trọn cuộc đời...

NGỌC HÂN (Ghi theo lời kể của Thiếu tướng Nguyễn Như Huyền, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/50-nam-dai-thang-mua-xuan-1975/nghia-tinh-dong-doi-trong-lua-dan-825718