Nghĩa tình dưới bóng từ bi
Với những nguyên tắc đạo đức và vị trí văn hóa của mình, Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo tỉnh Sóc Trăng nói riêng đã và đang bền bỉ với nhiệm vụ xây dựng các giá trị, chuẩn mực con người, góp phần điều chỉnh hành vi của từng cá nhân trong cộng đồng, xã hội. Đồng thời, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện đúng phương châm 'Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội' của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN).
Kỳ 2: Phật giáo Sóc Trăng đồng hành cùng dân tộc
Kế thừa và phát huy truyền thống “tốt đời - đẹp đạo” của Phật giáo Việt Nam, GHPG Việt Nam tỉnh Sóc Trăng đã đồng hành cùng công cuộc đổi mới trên tinh thần đoàn kết. GHPG tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện nhiều việc làm thiết thực “ích nước, lợi dân”, khẳng định mối quan hệ gắn bó không thể tách rời giữa dân tộc và đạo pháp.
Khẳng định tinh thần đại đoàn kết
Tinh thần đại đoàn kết càng thể hiện rõ hơn qua cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Điển hình là “Bếp ăn nghĩa tình” của Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh “đỏ lửa” xuyên suốt trong mùa dịch để phục vụ hàng chục ngàn suất ăn miễn phí cho người dân đang gặp khó khăn. Hay chùa Quan Âm Đông Hải đã hỗ trợ một phần không gian của ngôi chùa làm khu điều trị bệnh nhân F0, với quy mô trên 200 giường, các trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ điều trị do chùa Quan Âm Đông Hải hỗ trợ. Với phương châm “Tốt đời, đẹp đạo” theo lời dạy của Bác, các vị sư sãi, đồng bào phật tử Khmer chung tay, góp sức cùng chống dịch qua việc không tập trung sinh hoạt tín ngưỡng, ngừng tổ chức lễ hội, thay vào đó là vận động từ thiện xã hội để sẻ chia gánh nặng cùng địa phương. Điển hình là chùa Cần Đước (chùa Prêk On Đơk), ở xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) làm điểm nấu hơn 1.000 suất ăn mỗi ngày để phục vụ người dân đang cách ly tập trung; vận động 7,5 tấn gạo, gần 500 thùng mì và nhu yếu phẩm giúp phật tử…
Giai đoạn 2019 - 2024, trên tinh thần đoàn kết dân tộc và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”, GHPG Việt Nam các cấp tỉnh Sóc Trăng đã vận động xây 404 cầu; bảo dưỡng đường giao thông nông thôn; xây 323 căn nhà tình thương cho những hộ nghèo; khoan 150 giếng nước sạch; hỗ trợ học sinh và hỗ trợ người nghèo điều trị bệnh với số tiền trên 550 tỷ đồng.
Cùng với đó, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội văn hóa truyền thống luôn được duy trì theo phong tục tập quán như: lễ Dâng y Kathina, lễ Sene Đôn Ta, lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo, tết Chôl Chnăm Thmây... cũng góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa thúc đẩy việc nâng cao và cải thiện đời sống, đáp ứng được nhu cầu tinh thần của sư sãi và đồng bào phật tử trong tỉnh.
Bảo vệ an ninh tổ quốc
Giai đoạn 2018 - 2024, tỉnh Sóc Trăng có nhiều mô hình tiêu biểu trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trong đó có 8 loại mô hình tiêu biểu như: “Sư sãi, phật tử tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội”; “Phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội thông qua mạng xã hội (Zalo)”; “Tiếng loa an ninh”; “Tự phòng, tự quản trong các cơ sở thờ tự”; “Camera an ninh”; “Tổ liên gia tự quản về an ninh trật tự”; “Nghiệp đoàn xe Honda tham gia phòng, chống tội phạm”; “4 không, 3 có” được đánh giá cao. Điển hình là mô hình “4 không, 3 có” của Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ. Đây là ngôi trường nằm trong khuôn viên chùa Khleang, Phường 6, thành phố Sóc Trăng, là nơi đào tạo tăng sinh cho các chùa Phật giáo Nam tông Khmer các tỉnh Tây Nam Bộ.
Theo đồng chí Thạch Rích - Phó Hiệu trưởng Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ, mô hình “ 4 không, 3 có” bao gồm: không để cháy nổ xảy ra; không để trộm cắp tài sản; không tham gia các tệ nạn xã hội; không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo; có ý thức khi tham gia giao thông; có ý thức thực hiện phòng, chống dịch Covid-19; có ý thức ứng xử văn hóa trên các trang mạng xã hội. Trường cũng thường xuyên xây dựng nội dung tuyên truyền để nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác cho giáo viên, tăng sinh về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động chống phá, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để xâm phạm an ninh quốc gia.
Hòa thượng Tăng Nô - Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Trung ương GHPG Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh, Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh khẳng định rằng, với những nguyên tắc đạo đức và vị trí văn hóa của mình, Phật giáo Việt Nam nói chung hay Phật giáo tỉnh Sóc Trăng nói riêng đã và đang bền bỉ với nhiệm vụ xây dựng các giá trị, chuẩn mực đạo đức con người. Các cấp giáo hội luôn động viên phật tử thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đồng chí Nguyễn Văn Khởi - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, thời gian qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát đối với công tác tôn giáo. Kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong tôn giáo, đảm bảo giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Các ngành, địa phương tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền để chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo cảnh giác với thủ đoạn lợi dụng tôn giáo để xuyên tạc, chống phá. Tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo, trong đó có GHPG Việt Nam tỉnh Sóc Trăng hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích, hướng đến xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, xây dựng xã hội bình đẳng và văn minh.
Sóc Trăng là tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, hiện toàn tỉnh có 93 chùa Phật giáo Nam tông Khmer, 37 salatel, với 1.937 vị sư sãi đang tu học. Trong đó có 13 vị hòa thượng, 22 vị thượng tọa, 57 vị đại đức, có trên 1.326 thành viên ban quản trị. Phật giáo đã, đang và luôn đồng hành cùng dân tộc Việt Nam qua các thời kỳ, các giai đoạn, đóng góp tích cực cho sự phát triển quê hương, đất nước.
Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/xa-hoi/202409/nghia-tinh-duoi-bong-tu-bi-79548f2/