Nghĩa tình Hòa Bình - Hủa Phăn Bài 3 - Nâng tầm quan hệ hữu nghị, hợp tác Hòa Bình - Hủa Phăn
Bên cạnh khó khăn, hạn chế về điều kiện hạ tầng cơ sở, chất lượng nguồn nhân lực tỉnh miền núi nghèo Hủa Phăn (nước CHDCND Lào) cũng có không ít yếu tố tiềm năng, lợi thế để phát triển, hình thành điểm đến văn hóa, du lịch trong tương lai gần.
Bên cạnh khó khăn, hạn chế về điều kiện hạ tầng cơ sở, chất lượng nguồn nhân lực tỉnh miền núi nghèo Hủa Phăn (nước CHDCND Lào) cũng có không ít yếu tố tiềm năng, lợi thế để phát triển, hình thành điểm đến văn hóa, du lịch trong tương lai gần.
Trong chuyến công tác tại tỉnh Hủa Phăn, đoàn lãnh đạo cấp cao tỉnh Hòa Bình đã đến thăm vùng đất cách mạng, thủ đô kháng chiến Viêng Xay hào hùng. Theo chỉ dẫn của anh Tủa A Mua, hướng dẫn viên Ban quản lý Khu di tích lịch sử quốc gia Lào tại huyện Viêng Xay, đoàn lần lượt khám phá hang động của Chủ tịch Cay-sỏn-Phôm-vị-hản, Chủ tịch Xu-pha-nu-vông để nhớ về thời kỳ gian lao mà anh hùng của cách mạng Lào. Trong đó, cuốn sách "Hồ Chí Minh tuyển tập” và món quà mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng các đồng chí lãnh đạo Lào vẫn được lưu giữ và trưng bày trang trọng trong hệ thống hang động của Chủ tịch Cay-sỏn-Phôm-vi-hản. Tại đây còn có con đường xuyên núi dẫn từ khu vực nghỉ ngơi và làm việc của Chủ tịch Cay-sỏn-Phôm-vi-hản tới phòng họp Bộ Chính trị dài 42 km do các chiến sỹ bộ đội công binh Việt Nam thực hiện vào năm 1967. Những hiện vật đều gắn với một câu chuyện lịch sử, minh chứng cho tình cảm cao đẹp, mối quan hệ bền chặt giữa các nhà lãnh đạo tiền bối và phong trào cách mạng 2 nước.
Huyện Viêng Xay cách thị trấn Sầm Nưa - trung tâm của tỉnh Hủa Phăn 30 km, nổi tiếng thu hút khách du lịch với hệ thống gần 500 hang động, nhiều hang động được chọn làm nơi sinh sống, hoạt động cách mạng của Lào thời kỳ 1964 - 1973. Bên cạnh đó, không gian cảnh quan tự nhiên tươi đẹp, nét văn hóa truyền thống cũng là điểm cộng để Viêng Xay và nhiều địa phương khác thuộc tỉnh Hủa Phăn phát huy lợi thế du lịch.
Cũng trên hành trình đến Hủa Phăn, chúng tôi có dịp khám phá cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ với núi non hùng vĩ, những con thác đổ, dòng suối uốn lượn quanh co, ruộng bậc thang trải dài và nếp nhà sàn của các bản làng dân tộc. Đặc trưng khí hậu ở Hủa Phăn mát mẻ, dễ chịu, người dân sống tình cảm, thân thiện, luôn chu đáo, nhẹ nhàng với khách. Nơi đây còn có ngôi chùa cổ Ông Tứ linh thiêng, chợ Sầm Nưa với nhiều sản vật núi rừng, làng nghề thủ công dệt vải thổ cẩm qua nhiều đời vẫn được gìn giữ. Về ẩm thực địa phương khá đa dạng, trong đó phải kể đến món xôi làm từ gạo nếp Kaynoi được trồng trên nương nên dẻo thơm, đậm vị, ăn mãi không ngán và càng ngon hơn khi thưởng thức bằng cách nắm thành từng nắm nhỏ mà tay không hề bị bết dính. Ngoài ra, ẩm thực vùng đất còn có món lạp mang ý nghĩa thay lời chúc phúc của gia chủ tới các vị khách quý, cũng là món ăn phổ biến làm từ nguyên liệu thịt vịt, thịt bò hoặc thịt lợn, thịt gà trộn cùng các loại gia vị chanh, ớt, rau thơm hấp dẫn; món phở Lào chỉ dùng nước ninh xương mà không dùng các gia vị quế, hồi như phở Việt...
Đồng chí Phút-Phăn-Kẹo-Vông-Xay, Phó tỉnh trưởng tỉnh Hủa Phăn cho biết: Trong định hướng phát triển kinh tế, tỉnh tập trung xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững gắn với khai thác tiềm năng du lịch. Mặc dù hiện nay, hạ tầng giao thông phục vụ phát triển KT-XH nói chung, lĩnh vực du lịch của tỉnh nói riêng còn khó khăn, chưa có nhiều cơ sở lưu trú, loại hình dịch vụ chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của du khách nhưng với tài nguyên tự nhiên phong phú, nét văn hóa độc đáo, Hủa Phăn mong muốn được nhiều bạn bè và du khách Việt Nam quan tâm, trải nghiệm. Toàn tỉnh có 158 điểm du lịch, trong đó có 64 điểm danh lam thắng cảnh, 64 điểm du lịch lịch sử, 30 điểm du lịch văn hóa. Điểm đến nổi bật hơn cả là hệ thống hang động ở huyện Viêng Xay, điểm du lịch Pa Thí ở huyện Sầm Nưa, đi thuyền trên sông Nậm Ét ở huyện Hưa Mừa. Trên địa bàn có 12 khách sạn, 80 nhà nghỉ lưu trú, 2 resort, 121 nhà hàng, 79 quán ăn, 2 quán giải trí và 3 quán karaoke... Tỉnh đang nỗ lực tìm kiếm các đối tác, nhà đầu tư để tháo gỡ "điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông, tạo đà cho du lịch phát triển.
Chia sẻ với những khó khăn, trăn trở của lãnh đạo tỉnh Hủa Phăn, đồng thời đưa ra các mục tiêu, phương hướng mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị giữa 2 tỉnh, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Với tình cảm anh em, đồng chí "một nhà” thân thiết, Hòa Bình và Hủa Phăn sẽ tiếp tục ủng hộ, động viên, hỗ trợ nhau xây dựng 2 nước, 2 địa phương vững mạnh. Tỉnh Hòa Bình đang nghiên cứu và trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, giao UBND tỉnh là chủ đầu tư dự án xây dựng trường Phổ thông trung học tại huyện Ẹt, tỉnh Hủa Phăn. Cùng với đó, 2 tỉnh sẽ xúc tiến mở rộng quan hệ hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực. Trước hết, Hòa Bình sẽ giúp đỡ Hủa Phăn trong đào tạo nguồn nhân lực và liên kết hợp tác phát triển du lịch, tăng cường giới thiệu, quảng bá các điểm du lịch của tỉnh Hủa Phăn với việc kết nối tour tuyến đi theo đường bộ thuận tiện, thích hợp với dòng khách yêu thích trải nghiệm du lịch tự nhiên, lịch sử, văn hóa lý thú và mới mẻ. Hòa Bình cũng mong muốn có thêm nhiều bạn bè, du khách đến từ tỉnh Hủa Phăn và nước bạn Lào đến thăm, tìm hiểu đất và con người Hòa Bình, trong đó có các di tích lịch sử mang dấu ấn tình đoàn kết, hữu nghị Việt – Lào; công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình; du lịch hồ Hòa Bình; giá trị di sản nền Văn hóa Hòa Bình và khám phá văn hóa dân tộc Mường rực rỡ.
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/220/190849/nghia-tinh-hoa-binh-hua-phan.htm