Nghĩa tình quân dân và niềm vui ngày hội ngộ

'Kính thưa các đồng chí, hôm nay là ngày 20-10, Ngày Phụ nữ Việt Nam, trong tâm trí tôi lại hiện lên hình ảnh của bà mẹ và những người con gái của mẹ ở quê hương Hoàng An cách đây hơn 50 năm đã dành sự quan tâm mà tôi không bao giờ quên!'

Đó là những dòng đầu lá thư gửi Đảng ủy, UBND xã Hoàng An (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) của cựu chiến binh (CCB) Ninh Công Khoát, nguyên cán bộ Trung đoàn Tên lửa 275, hiện sinh sống tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Thư gửi đi với hy vọng rất mong manh. Nhưng thật bất ngờ, chưa đầy hai ngày sau, CCB Ninh Công Khoát nhận được cuộc điện thoại gọi đến khiến ông vỡ òa sung sướng. Từ đây, câu chuyện xúc động về nghĩa tình quân dân và tấm lòng của những người mẹ miền Bắc dần được hé lộ...

Ân tình của mẹ

Năm 1967, Trung đoàn 275 nhận nhiệm vụ triển khai trận địa tên lửa phòng không ở địa bàn xã Hoàng An để bảo vệ sân bay Kép và thị trấn Thắng. Nhóm 3 chiến sĩ gồm: Trần Đức Cánh (quê ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), Dương Văn Vận (quê ở huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) và Ninh Công Khoát (quê ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) được phân công ở nhà mẹ Nguyễn Thị Hòa (phong tục địa phương thường gọi theo tên con gái lớn, nên mẹ còn có tên là Khước). Mẹ Khước có 5 người con. 4 người con gái đều đã lập gia đình, con trai út là Nguyễn Văn Tâm, sinh năm 1945, đang học ở Trung Quốc. Bởi vậy, khi có bộ đội về ở trong nhà, mẹ Khước rất vui và quý mến các anh, nhất là Ninh Công Khoát. Thấy Khoát gần ba mươi tuổi mà chưa lập gia đình, mẹ nhiều lần nhắc, ướm hỏi những cô gái vừa ý trong làng cho anh. Biết mẹ Khước lo cho mình đã lớn tuổi mà cứ mải công tác sẽ lỡ dở việc thành gia thất, Ninh Công Khoát đành kể rõ để mẹ Khước hiểu. Ở quê nhà anh chỉ có một mình mẹ già, lại bị bệnh thiên đầu thống nên mắt kém, hầu như không nhìn thấy gì. Khoát mong muốn hoàn thành nhiệm vụ với đất nước rồi về cưới một cô gái cùng quê để tiện ở bên chăm sóc mẹ. “Sau khi nghe tôi giãi bày, mẹ Khước không phật ý mà càng thương tôi hơn. Mới ở bên gia đình mẹ một thời gian ngắn mà chúng tôi đã gần gũi, thân thương như người một nhà”, CCB Ninh Công Khoát kể.

Ở nhà mẹ Khước đến tuần thứ ba, đơn vị có lệnh chuyển quân vào Quân khu 4. Chính trong những ngày chuẩn bị chia tay, gia đình mẹ Khước đã dành cho Khoát ân tình đặc biệt.

 Cựu chiến binh Ninh Công Khoát (hàng ngồi, thứ hai, từ trái sang) cùng các con gặp lại những người thân trong gia đình mẹ Nguyễn Thị Khước tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, tháng 11-2020.

Cựu chiến binh Ninh Công Khoát (hàng ngồi, thứ hai, từ trái sang) cùng các con gặp lại những người thân trong gia đình mẹ Nguyễn Thị Khước tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, tháng 11-2020.

Số là sau khi nhận quyết định cơ động lực lượng vào chiến trường, Trung đoàn 275 cho phép những đồng chí có gia đình ở các tỉnh cách Hà Nội trong phạm vi 100 cây số, được nghỉ tranh thủ 3 ngày. Ninh Công Khoát cũng nằm trong diện được nghỉ đợt này. Tuy nhiên, thời điểm đó rất khó khăn để đón được chuyến xe về quê, anh phải chờ đến sáng hôm sau. Như vậy đã mất gần nửa số ngày phép. CCB Ninh Công Khoát nhớ lại: “Chiều tối hôm đó, thấy tôi tần ngần, mẹ Khước hỏi lý do. Nghe tôi thưa rõ sự tình, mẹ Khước nhắc: “Con cứ chuẩn bị sẵn sàng, sẽ có xe đạp cho con về thăm mẹ!” rồi đi ra khỏi nhà”.

Nghe mẹ Khước quả quyết như vậy, Ninh Công Khoát bán tín bán nghi. Quả thật lúc sau, mẹ Khước cùng con gái thứ tư tên là Nguyễn Thị Mai, bấy giờ đang là Trạm trưởng Trạm y tế xã Hoàng An dắt theo chiếc xe đạp Thống Nhất còn mới, chưa kịp lắp biển số. Ninh Công Khoát biết đây là chiếc xe mà chị Mai vừa được mua theo tiêu chuẩn để tiện đi đến các thôn trong xã khám, chữa bệnh nên chần chừ không dám nhận. Mẹ Khước nói ngay: “Con ạ, mẹ con ở Nam Định còn vất vả hơn mẹ ở trên này nhiều! Em Tâm đi học tận mãi Trung Quốc, song ở quê nhà, mẹ đã có các chị chăm lo. Con tranh thủ về với mẹ con đi, chứ mai này đơn vị chuyển vào tận trong kia, bao giờ con mới được về thăm nhà. Con người là vốn quý, người còn là xe còn, thậm chí nếu trên đường đi, chẳng may xe bị hỏng cũng không sao. Em Mai đã đem về giao cho con, con lên đường ngay tối nay đi!”.

Và tối hôm ấy, chia tay mẹ Khước trong niềm xúc động khôn tả, sau hơn 3 tiếng đạp xe từ Hà Bắc (trước đây), Ninh Công Khoát đã về đến ga Hà Nội để kịp lên chuyến tàu hỏa xuống ở ga Cát Đằng, cách nhà anh gần 3 cây số về gặp mẹ trước khi cùng đơn vị hành quân vào nơi hòn tên mũi đạn chưa biết ngày trở về...

Hành trình tri ân và niềm vui hội ngộ

Cuộc chiến đã đưa chiến sĩ tên lửa Ninh Công Khoát đi qua biết bao trận đánh lớn nhỏ trên chiến trường ác liệt. Cho đến sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, Ninh Công Khoát trở về thì người mẹ thân thương ở quê nhà đã không còn. May mắn năm ấy nhờ mẹ Khước và chị Mai, ông đã có hơn một ngày ở bên mẹ!

Và dù những năm sau này, giữa bộn bề công việc, ông chưa một ngày quên ân tình của bà mẹ Hà Bắc năm nào. Do không nhớ địa chỉ cụ thể của gia đình mẹ Khước nên nhiều lần gửi thư tìm kiếm, CCB Ninh Công Khoát chỉ biết lấy địa chỉ người nhận là bà Nguyễn Thị Mai, Trạm trưởng Trạm y tế xã Hoàng An. Song biết bao lần thư đi mà không thấy thư lại, để người CCB già luôn đau đáu ước vọng kiếm tìm.

Viết lá thư lần này khi vừa bước sang tuổi 80, CCB Ninh Công Khoát xác định “sẽ là lần cuối cùng, nếu không được âu cũng là lực bất tòng tâm”. Và ông trời đã không phụ lòng người có tình. Lá thư đã đến tay người nhận: Anh Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch UBND xã, cháu nội của mẹ Khước. “Khi cán bộ văn thư gặp tôi xin ý kiến về việc nhận được một lá thư gửi đồng thời cho cả ủy ban và đảng ủy xã, tôi đồng ý để đồng chí ấy mở thư ra xem rồi báo cáo nội dung để có hướng chuyển đến các cơ quan theo đúng chức năng nhiệm vụ. Không ngờ nội dung thư lại nhắc đến bà nội và bác tôi”, anh Trung cho biết.

Lá thư với những tâm sự chân tình, mộc mạc của người CCB khiến người đọc không nén nổi xúc động. Anh Trung đã gọi ngay vào số điện thoại của người gửi được ghi ở cuối thư. Với bản tính cẩn thận, lại nghi ngại sao thư mới gửi đi chưa đầy hai ngày đã có người nhận phản hồi rồi, CCB Ninh Công Khoát hỏi đi hỏi lại anh Trung về những người thân trong gia đình. Mỗi cái tên được nhắc đến, như chị Mậm, chị Mận, em Tâm... đều đúng như trong trí nhớ của ông. Rồi “sơ đồ” về nhà anh Trung, về Trạm y tế xã Hoàng An được hai bên "vẽ" lại trùng khớp... Chắc chắn đã tìm được đúng người, CCB Ninh Công Khoát vội báo ngay cho các con vì họ đều đã được ông chia sẻ tâm nguyện từ nhiều năm nay và lên kế hoạch ngày gần nhất về xã Hoàng An. Anh Trung cũng nhanh chóng thông tin cho gia đình về CCB Ninh Công Khoát và câu chuyện ông kể. Bà Nguyễn Thị Mai, chủ nhân của chiếc xe đạp giờ đây cũng đã ở tuổi 80 xác thực sự việc. Bà kể: “Nghĩ cũng kỳ lạ. Mới mua xe chưa đầy tuần lễ, tôi nâng niu giữ gìn như báu vật, đi về cái là lau chùi, chằng buộc treo lên tường. Ấy vậy mà nghe mẹ bảo cho bộ đội Khoát mượn để đi về thăm mẹ anh ở quê trước khi vào chiến trường, tôi không nghĩ gì mà mang xe về luôn như một điều hiển nhiên. Hết phép, anh Khoát đến trao trả xe ở trạm xá rồi vào chiến trường. Mẹ con tôi cũng không ai nhắc lại việc này”.

Điều “kỳ lạ và hiển nhiên” mà bà Mai nói, chính là tình cảm quân dân đã được mỗi người Việt Nam bồi đắp từ bao đời nay. Hôm ấy, cùng các con tìm về thôn An Cập, xã Hoàng An, miền quê đã khoác màu áo mới theo sự phát triển của đất nước, nhưng nét quen thuộc dần hiện về trong ký ức của CCB Ninh Công Khoát. Đây rồi, nhà mẹ Khước! Chị Nguyễn Thị Mậm, Nguyễn Thị Mai, em Nguyễn Văn Tâm đón người lính năm xưa trở về trong vòng tay ấm áp... Tất cả tuổi đều đã cao, chuyện nhớ chuyện quên, nhưng tình cảm vẫn nồng đậm như ngày xưa bộ đội về làng. Thật tình cờ, cuộc hội ngộ đặc biệt này lại diễn ra đúng dịp xã Hoàng An tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, có sự chứng kiến của bà con và cả đại diện chính quyền xã Hoàng An. Ông Bùi Văn Liêm, Bí thư Đảng ủy xã Hoàng An nói: "Chúng tôi rất tự hào về truyền thống của quê hương, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào vẫn phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, quân với dân một lòng. Câu chuyện xung quanh cuộc hội ngộ mà chúng tôi và các bạn được chứng kiến hôm nay chính là minh chứng sống động!". Còn với riêng CCB Ninh Công Khoát, ông thấy lòng mình thanh thản, nhẹ nhàng khi nỗi niềm ấp ủ mấy chục năm nay đã trở thành hiện thực. Trước khi chia tay, CCB Ninh Công Khoát không khỏi chộn rộn và chờ mong Xuân mới Tân Sửu đến thật nhanh để ông được thực hiện lời hẹn sẽ đón những người con quê hương Hiệp Hòa về thăm gia đình mình ở Hà Nội!

BÍCH TRANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/nghia-tinh-quan-dan-va-niem-vui-ngay-hoi-ngo-647198