Nghĩa tình tháng Bảy

Tháng Bảy về, các thương binh, bệnh binh và thân nhân những người có công với cách mạng ở Hà Tĩnh lại thêm ấm lòng bởi những nghĩa cử tri ân của các cấp ngành và toàn xã hội.

Có lẽ hiếm có dân tộc nào trên thế giới mà mỗi tấc đất đều ghi dấu những chiến công anh hùng. Cùng với Nhân dân cả nước, bao thế hệ người dân Hà Tĩnh cũng đã lên đường ra trận để cùng dựng xây, bảo vệ nền độc lập dân tộc.

 Tri ân các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, người có công với đất nước đã trở thành trách nhiệm, đạo lý, tâm nguyện và lẽ sống của người Việt. Trong ảnh: Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng cùng lãnh đạo các ban, ngành thăm hỏi, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Huyến (xã Đồng Môn - TP Hà Tĩnh) vào tháng 4/2024. Ảnh Dương Chiến.

Tri ân các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, người có công với đất nước đã trở thành trách nhiệm, đạo lý, tâm nguyện và lẽ sống của người Việt. Trong ảnh: Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng cùng lãnh đạo các ban, ngành thăm hỏi, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Huyến (xã Đồng Môn - TP Hà Tĩnh) vào tháng 4/2024. Ảnh Dương Chiến.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, biết bao thế hệ người con quê hương đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất mẹ; biết bao người lính may mắn sống sót trở về nhưng phải mang trên mình di chứng của chiến tranh và nhiều người mẹ “tiễn con đi rồi khóc thầm lặng lẽ”…

Chính vì lẽ đó, tri ân các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, người có công với đất nước đã trở thành trách nhiệm, đạo lý, tâm nguyện và lẽ sống của người Việt.

Những ngày này, các thương binh, bệnh binh, thanh niên xung phong; thân nhân các anh hùng, liệt sĩ và gia đình những người có công ở Hà Tĩnh đều thấy ấm lòng với những tình cảm, sự quan tâm, tưởng nhớ và tri ân của cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể và toàn xã hội.

 Đoàn viên thanh niên xã Thạch Liên (Thạch Hà) sơn sửa lại nhà ở cho các thương binh, bệnh binh trên địa bàn trong dịp 27/7 năm nay.

Đoàn viên thanh niên xã Thạch Liên (Thạch Hà) sơn sửa lại nhà ở cho các thương binh, bệnh binh trên địa bàn trong dịp 27/7 năm nay.

Đó là những công trình tượng đài liệt sĩ được xây dựng, tu bổ trên khắp các miền quê; là hàng nghìn ngôi nhà tình nghĩa được xây mới, sửa chữa; những món quà mang nặng nghĩa tình dành cho người có công; là những nén tâm hương người dân thành kính dâng lên, những ngọn nến ấm áp được ĐVTN thắp sáng tại các nghĩa trang liệt sĩ…

Từng vào sinh ra tử trên các chiến trường miền Đông, miền Tây Nam Bộ, biên giới Việt Nam - Campuchia từ năm 1972-1977, ông Dương Công Lung (SN 1954 - trú thôn Đồng Sơn, xã Thạch Xuân, Thạch Hà) may mắn sống sót trở về nhưng mang trong mình thương tật và di chứng chất độc da cam.

 Ngôi nhà của gia đình ông Dương Công Lung sắp được khánh thành và đưa vào sử dụng.

Ngôi nhà của gia đình ông Dương Công Lung sắp được khánh thành và đưa vào sử dụng.

Vợ ông cũng thường xuyên ốm đau, bệnh tật nên cuộc sống của 2 vợ chồng và 3 đứa con vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Khi các con trưởng thành, có gia đình riêng, 2 ông bà vẫn sống chật vật trong căn nhà cấp bốn chỉ vẻn vẹn chưa đầy 30 m2 đã xuống cấp trầm trọng.

Chia sẻ khó khăn và tri ân những đóng góp của ông cho đất nước, chính quyền, ngành chức năng đã xét duyệt cho gia đình ông được hưởng 70 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công.

 Vợ chồng ông Dương Công Lung không giấu nổi niềm vui khi được nhận hỗ trợ xây dựng nhà ở.

Vợ chồng ông Dương Công Lung không giấu nổi niềm vui khi được nhận hỗ trợ xây dựng nhà ở.

Ngắm nhìn công trình nhà ở của gia đình đang trong giai đoạn hoàn thiện, ông Lung mừng rơi nước mắt: “Nhà đã cơ bản hoàn thành, cuối tháng này có thể dọn vào ở. Tôi thật không dám mơ, ở tuổi này, vợ chồng tôi còn có căn nhà mới khang trang, đẹp đẽ như thế này. Nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội, tôi thấy ấm lòng vì biết rằng những đóng góp của chúng tôi trong chiến tranh đã được ghi nhận, đền đáp”.

Chung niềm vui trong những ngày tháng Bảy này, các thương, bệnh binh, thanh niên xung phong từ các địa phương trong toàn tỉnh đang trải qua những đợt điều dưỡng, phục hồi sức khỏe thể chất, tinh thần đầy ý nghĩa tại Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh (đóng chân bên bờ biển của thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà).

Đại biểu người có công rất hài lòng về chất lượng của các đợt điều dưỡng tập trung.

Đại biểu người có công rất hài lòng về chất lượng của các đợt điều dưỡng tập trung.

Trong thời gian điều dưỡng tập trung, các đại biểu được an dưỡng, nghỉ ngơi, thăm khám sức khỏe, cấp phát thuốc theo bệnh lý; phục vụ các bữa ăn, trị liệu theo chế độ. Ngoài ra, trung tâm còn tổ chức cho các đoàn đi dâng hương tại mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Quảng Bình), tham quan Khu kinh tế Vũng Áng; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao; đối thoại về chính sách người có công…

Chia sẻ niềm vui khi lần thứ 6 được tham gia đợt điều dưỡng kể từ năm 2014, ông Hồ Sỹ Ty (SN 1942 - thương binh 3/4, trú thị trấn Thạch Hà) cho biết: “Các nội dung trong chương trình điều dưỡng ngày càng được đổi mới, phong phú hơn; chất lượng và thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, nhân viên khiến chúng tôi rất hài lòng. Sau những ngày điều dưỡng tại đây, tôi thấy sức khỏe cải thiện, tinh thần thoải mái, vui vẻ hơn”.

 Ông Hồ Sỹ Ty (thứ hai từ trái sang) hào hứng trò chuyện cùng các đồng đội khi tham gia đợt điều dưỡng.

Ông Hồ Sỹ Ty (thứ hai từ trái sang) hào hứng trò chuyện cùng các đồng đội khi tham gia đợt điều dưỡng.

Ông Phạm Khánh Mười - Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người công và Bảo trợ xã hội tỉnh cho biết: “Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã đón tiếp, phục vụ hơn 2.000 đại biểu người có công đến điều dưỡng. Cán bộ, nhân viên trung tâm luôn nhận được những phản hồi tích cực từ đại biểu. Đó cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động điều dưỡng, góp phần tri ân những đóng góp của các thế hệ đi trước đã chiến đấu, hy sinh một phần xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc”.

Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng luôn được cấp ủy, chính quyền, các ban ngành ở Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm thực hiện. Theo thông tin từ Sở LĐ - TB & XH, trong 6 tháng đầu năm 2024, các chế độ chính sách đối với đối tượng người có công, triển khai công tác chi trả chính sách ưu đãi người có công được tiến hành kịp thời, đảm bảo công khai, minh bạch.

Dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, toàn tỉnh đã tặng 102.400 suất quà cho người có công, đại diện thân nhân liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã từ trần với tổng kinh phí trên 30,5 tỷ đồng… Ngày 17/5/2024, Hà Tĩnh đã quy tập và tổ chức trang nghiêm lễ truy điệu, an táng 11 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại nước CHDCND Lào.

Toàn tỉnh hiện có 1.987 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; trong đó, 20 mẹ hiện còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng, chăm sóc chu đáo…

 Ban CHQS huyện Hương Sơn phối hợp với chính quyền xã Kim Hoa tổ chức khởi công xây nhà tình nghĩa cho ông Lê Trọng Quyên - thương binh 2/4, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ảnh Hoài Nam.

Ban CHQS huyện Hương Sơn phối hợp với chính quyền xã Kim Hoa tổ chức khởi công xây nhà tình nghĩa cho ông Lê Trọng Quyên - thương binh 2/4, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ảnh Hoài Nam.

Đã trở thành thông lệ hằng năm, trong dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay (27/7/1947 - 27/7/2024), Hà Tĩnh sẽ trao tặng gần 75.000 phần quà tới người có công với cách mạng, trong đó, có gần 49.417 suất được Chủ tịch nước tặng với tổng kinh phí hơn 15 tỷ đồng; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tặng 25.180 suất quà bằng hiện vật thắp hương cho liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã từ trần với tổng kinh phí hơn 7,5 tỷ đồng.

Đặc biệt, tháng Bảy này, niềm vui của những người có công với cách mạng càng trở nên trọn vẹn hơn khi Chính phủ vừa ban hành Nghị định 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

Theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng theo quy định mới sẽ là 2,789 triệu đồng thay cho mức cũ là 2,055 triệu đồng, áp dụng cho tất cả các nhóm đối tượng.

Ông Đặng Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Sở đang tích cực phối hợp với các địa phương triển khai các phần việc theo đúng quy định để bố trí nguồn kinh phí, chi trả chế độ theo chính sách mới cho các đối tượng; đồng thời, rà soát và tham mưu giải quyết những vấn đề tồn đọng liên quan đến việc công nhận liệt sĩ, cấp bằng “Tổ quốc ghi công” cho các liệt sĩ được công nhận ngay trong tháng 7/2024 như một món quà tri ân”.

 Ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc chuẩn bị các điều kiện chu đáo để đón khách đến viếng và tham quan nhân dịp 27/7. Ảnh Sỹ Hoàng.

Ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc chuẩn bị các điều kiện chu đáo để đón khách đến viếng và tham quan nhân dịp 27/7. Ảnh Sỹ Hoàng.

Dù đã có nhiều nỗ lực và đạt kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn còn nhiều điều chưa làm được trong công tác “đền ơn, đáp nghĩa”. Ông Đặng Văn Dũng trăn trở: “Chúng ta chưa thể yên lòng khi một bộ phận người có công chưa được công nhận, chưa được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước vì thất lạc hồ sơ, giấy tờ, không có người làm chứng; biết bao gia đình vẫn chưa thể đoàn tụ, vẫn đau đáu nỗi niềm vì chưa tìm được thông tin về phần mộ của người thân…”. Đó có lẽ cũng là nỗi niềm trăn trở chung của các cấp ngành và toàn xã hội.

Tháng Bảy về, trong lắng sâu mạch nguồn tri ân, những câu hát “Có một bài ca không bao giờ quên. Là lời đất nước tôi chẳng phút bình yên… Bài ca tôi không quên, tôi không quên, những người đã ngã...” lại vang lên thao thiết như thúc giục, như nhắc nhớ thế hệ sau càng phải ý thức rõ hơn trách nhiệm với thế hệ đi trước - những người đã dâng hiến máu xương và tuổi thanh xuân cho nền độc lập, tự do của dân tộc.

Kiều Minh

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/nghia-tinh-thang-bay-post270011.html