Nghĩa tình Việt - Lào sâu nặng

Gần 60 năm đã trôi qua kể từ khi kết thúc nhiệm vụ công tác tại nước bạn Lào trở về nước, nhưng với ông Nguyễn Văn Nghiệp (trong ảnh), Phó trưởng Ban Liên lạc toàn quốc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào, những kỷ niệm 'vào sinh ra tử' thuở ấy vẫn sống động.

Gần 60 năm đã trôi qua kể từ khi kết thúc nhiệm vụ công tác tại nước bạn Lào trở về nước, nhưng với ông Nguyễn Văn Nghiệp (trong ảnh), Phó trưởng Ban Liên lạc toàn quốc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào, những kỷ niệm “vào sinh ra tử” thuở ấy vẫn sống động.

Đã gần 90 tuổi, song ông Nguyễn Văn Nghiệp vẫn giữ vóc dáng nhanh nhẹn, hoạt bát và sự thông thái, mẫn tiệp hiếm có. Ông kể: Tôi đã ở Lào tổng cộng 43 năm, tuổi thanh niên của tôi gắn với đất nước Lào.

Trong sáu năm làm bộ đội chống thực dân Pháp (1948 - 1954) ở vùng hạ Lào, tôi sống, cùng chiến đấu, cùng sản xuất với nhân dân Lào. Từ năm 1954 đến năm 1958, tôi ở lại Lào với tư cách chuyên gia giúp tỉnh ủy bí mật Chăm-pa-xắc tại vùng bị địch kiểm soát. Cuối năm 1955, trong lần đi họp ban cán sự ở tỉnh Xa-ra-văn trở lại Chăm-pa-xắc, tôi đi theo đường bí mật. Lúc đó, giao thông, liên lạc rất khó khăn. Trên đường đi phải qua một ngôi làng, nhưng người dẫn đường cho tôi lại không nhớ tên đồng chí cán bộ tại làng đó để họ ra đón tôi, vì vậy, anh ta giao tôi cho một ông già giữ rẫy, người bộ tộc La-ven của Lào. Ông già bị điếc, khi nhận tôi, ông cũng không rõ tôi là người như thế nào, ở phe ta hay phe địch.

Làng này đã theo kháng chiến từ những năm 1930 đến 1936, tinh thần cách mạng rất kiên cường, bất khuất. Khi tôi theo ông già về làng, dân làng vây quanh tôi. Vì không biết tôi là ai cho nên họ nghi tôi là người của đối phương, giả danh đến lừa dân làng bởi trước đó từng có sự việc như vậy. Tôi cũng không có chứng cứ gì để dân làng tin tôi, ngoài một quyển sổ tay bằng tiếng Việt. Ngày dài đằng đẵng. Tôi thấy dân làng họp lại, bàn bàn tính tính. Trời tối dần, tôi vừa đói, vừa mệt, không cách nào để thuyết phục cho họ hiểu mình. Tôi chợt nhớ ra một nữ đồng chí người Lào mà tôi biết, tên là Bua, rồi kể với dân làng. Tuy nhiên, người làng nói rằng, chị Bua đã đi tập kết ở Sầm Nưa, không có tin tức gì về chị. Sau đó, tôi thấy già làng cho gọi nhiều thanh niên đến, khuân củi lại, đốt một đống lửa to như lửa trại. Lửa sáng rực. Lúc đó tôi chưa hiểu ý định của họ là gì. Qua ánh lửa, tôi thấy thấp thoáng bóng một phụ nữ. Bất ngờ, người đó chạy lại ôm chầm lấy tôi trước bà con dân làng, gọi: “Khăm-sỉ ơi (tên tiếng Lào của tôi), bà con ơi, người của chúng ta đây, cục vàng của ta đây rồi!” và chị khóc. Vậy là cả dân làng ùa vào vây quanh chúng tôi. Rồi họ nấu cháo, nấu nước cho tôi ăn, uống, cho tôi chỗ ngủ. Những ngày sau, họ cử người đi liên lạc trên huyện, hỗ trợ tôi làm tròn nhiệm vụ.

Bữa đó, không có chị Bua, không có người dân La-ven, tôi hẳn cầm chắc cái chết. Thì ra họ định thủ tiêu tôi vì nghi tôi ở phe địch. Họ chờ đến tối để đi tìm chị Bua và đốt củi to để chị đứng từ xa vẫn có thể nhận ra tôi. Sự bao bọc, gắn bó sinh tử của nhân dân Lào đối với chuyên gia Việt Nam đã cứu mạng tôi lần đó. Sau năm 1958, hòa bình lập lại lần thứ nhất ở Lào tôi về nước. Năm 1988, có dịp quay lại thăm tỉnh Chăm-pa-xắc, tôi tìm gặp chị Bua. Chúng tôi ôn lại nhiều kỷ niệm về những ngày tháng gian khó, gắn bó máu thịt với nhau trên vùng đất hạ Lào như những người thân ruột thịt gặp lại nhau sau bao ngày xa cách. Rất đỗi gần gũi, yêu thương.

Tôi vững tin rằng, với tình cảm đoàn kết đặc biệt, thủy chung, trong sáng được xây dựng và vun đắp qua nhiều thời kỳ, với đội ngũ lãnh đạo nhiệm kỳ mới của hai Đảng, hai Nhà nước, hai nước chúng ta sẽ vượt qua những khó khăn, tiếp tục củng cố, thắt chặt mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trong tình hình mới. Là những người từng có nhiều thời gian sống, làm việc và gắn bó với đất nước Lào, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện lời dạy của Bác Hồ và nguyện trọn tình, trọn nghĩa, trọn đời với cách mạng Lào, nỗ lực góp phần vun đắp cho mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào “đơm hoa thơm kết trái ngọt”, cho ngọn lửa nghĩa tình sắt son, thủy chung, trong sáng Việt - Lào luôn cháy sáng.

Hồng Hạnh (Ghi)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/32718002-nghia-tinh-viet-lao-sau-nang.html