Những người con Đất Tổ mang bình yên về biên giới Hà Giang: Kỳ 1: Nhiệm vụ thiêng liêng, trách nhiệm tri ân

Trên dọc dài biên giới Hà Giang, hiện vẫn còn nhiều liệt sỹ chưa tìm thấy hài cốt. Để phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập cần phải tiến hành rà phá bom mìn, vật nổ (BMVN) tồn sót để bảo đảm an toàn. Vì thế, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) công binh các đơn vị của Quân khu 2 hàng ngày vẫn cần mẫn rò tìm vật nổ, với rất nhiều hiểm nguy, gian khó, trong số đó có rất nhiều chiến sĩ tuổi đời mười tám, đôi mươi được sinh ra và lớn lên nơi quê hương Phú Thọ. Giữa thời bình, nhưng họ thầm lặng mang tinh thần và khí phách của quê hương Đất Tổ - Vua Hùng góp phần mang bình yên về biên giới Hà Giang.

Đã có hẹn, chúng tôi gặp gỡ CBCS trẻ quê hương Phú Thọ ở Đội rà phá BMVN, Bộ Tham mưu Quân khu 2 đang thực hiện nhiệm vụ tại thôn Mã Hoàng Phìn, xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên. Đó là các chiến sĩ: Binh nhất Phạm Thế Giang ở xã Bình Phú, huyện Phù Ninh; Binh nhất Đinh Phú Bình, xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn; Binh nhất Nguyễn Mạnh Tiến, xã Dân Quyền, huyện Tam Nông cùng nhiều chiến sĩ khác ở Thanh Ba, Hạ Hòa, Cẩm Khê. Được biết, số chiến sĩ này đều nhập ngũ đầu năm 2022, đã qua tập huấn kỹ thuật và được cấp chứng chỉ tại Trường Trung cấp kỹ thuật Công binh 1506.

Chiến sỹ Đội rà phá bom mìn, vật nổ Bộ Tham mưu Quân khu 2 xử lý vô hiệu hóa mìn sau khi tháo gỡ.

Chiến sỹ Đội rà phá bom mìn, vật nổ Bộ Tham mưu Quân khu 2 xử lý vô hiệu hóa mìn sau khi tháo gỡ.

Khi hỏi về những khó khăn, đặc biệt là những hiểm nguy, gian khó trong công việc, tất cả đều khẳng định: Chưa bao giờ sợ khó, sợ khổ mà chúng tôi luôn coi những khó khăn đó là nhiệm vụ thiêng liêng cao cả. Nếu sợ khó thì làm sao có thể vô hiệu hóa được những quả nổ, đặc biệt là những “bẫy mìn” nhiều tầng, nhiều lớp, làm sao làm sạch được đất.

Binh nhất Phạm Thế Giang còn bộc bạch: Nếu không nhận thức rõ ý nghĩa của việc vô hiệu hóa BMVN sẽ không có động lực để chúng tôi thực hiện nhiệm vụ. Chỉ có ý chí, bản lĩnh và nắm chắc kỹ thuật thì mọi thao tác trong dò tìm, đặc biệt là trong tháo gỡ, xử lý vô hiệu hóa BMVN mới bình tĩnh, tự tin được.

Trung tá Cao Văn Cường, Đội trưởng Đội rà phá Bộ Tham mưu cho biết: Quá trình thực hiện nhiệm vụ, khi bộ đội phát hiện thấy BMVN sẽ báo cáo chỉ huy đơn vị và chờ nhận lệnh xử lý. Với những loại mìn thông thường thì kỹ thuật xử lý dễ dàng hơn, tháo gỡ ngòi nổ, đưa về chế độ an toàn là xong. Nhưng khó khăn nhất là khi gặp phải 2 loại mìn giống nhau như 652A và 652B, nhìn thì giống nhau nhưng nguyên lý nổ lại khác nhau. Loại 652A thì xử lý tại chỗ, nhưng 652B có thể phát nổ ngay, vì thế cần có phương án xử lý riêng. Nhiều khi gặp trường hợp mìn tự chế thì giáo án, tài liệu không có phương án xử lý, với trường hợp này chỉ huy đơn vị phải nhận định và tìm phương án xử lý phù hợp ngay tại hiện trường. Tuy nhiên, dù là loại bom, mìn nào cũng đều đòi hỏi sự bình tĩnh, tự tin và vận dụng triệt để kiến thức đã được huấn luyện để xử lý.

Đội rà phá bom mìn, vật nổ Bộ Tham mưu Quân khu 2 phân loại mìn và các loại đạn bộ binh.

Đội rà phá bom mìn, vật nổ Bộ Tham mưu Quân khu 2 phân loại mìn và các loại đạn bộ binh.

Dõi theo hành động của CBCS trong suốt buổi rò gỡ BMVN ngay tại thực địa, mới thấy rõ bản lĩnh và lòng dũng cảm của những người con quê hương Đất Tổ đang ngày đêm miệt mài cùng đồng đội làm sạch từng tấc đất. Binh nhất Đinh Phú Bình chia sẻ: Dù khó khăn hiểm nguy đến mấy thì không cho phép bất cứ ai nản lòng, bởi nhiệm vụ rà phá BMVN để phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ là các bậc cha chú đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới là một nhiệm vụ thiêng liêng, trách nhiệm tri ân của thế hệ hôm nay đã và đang được hưởng cuộc sống thanh bình. Bởi thế, khi phát hiện thấy BMVN là lúc người lính chúng tôi phải trải qua những giây phút rất căng thẳng để tính toán “thu phục” những “sứ giả của thần chết” bằng kiến thức, kinh nghiệm thông qua mắt quan sát, sự khéo léo của đôi tay, óc phán đoán chuẩn xác để ước lượng số lượng, khoảng cách cự ly, độ nông, sâu của BMVN.

Đã có những trường hợp khi chiến sĩ rò tìm gặp phải những lớp rễ tre, vầu đan xen, dày đặc tưởng chừng như đã an toàn, nhưng thực chất bên dưới mấy chục phân rễ cây đó là những trái mìn được bố trí hiểm hóc, nếu thiếu thận trọng sẽ dẫn đến mất an toàn. Hoặc những trường hợp bẫy lựu đạn đã được rút chốt, chỉ cần sơ xuất, kéo theo rễ cây tạo cho mỏ vịt bung ra cũng làm lựu đạn phát nổ và rất nhiều những tình huống phức tạp khác, như mìn chồng mìn, lựu đạn chồng lựu đạn…, khi phát hiện bóc gỡ xử lý lớp trên mà không nhận định phán đoán lớp dưới để xử lý cũng dễ gây mất an toàn. Một điều quan trọng mà những người thực hiện nhiệm vụ rà phá BMVN phải luôn khắc cốt ghi tâm, đó là trong bất luận tình huống nào đều không cho phép thiếu tỷ mỷ, thận trọng, vì nếu để xảy ra sơ xuất sẽ không bao giờ có cơ hội để rút kinh nghiệm và làm lại.

Quệt ngang giọt mồ hôi, Trung úy Quân nhân chuyên nghiệp Bùi Đức Anh, ở xã Hương Nộn, huyện Tam Nông (Phú Thọ) chia sẻ: Làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới với rất nhiều khó khăn về nguồn nước sinh hoạt, thời tiết khắc nghiệt, ban ngày có thể nắng rát, mưa giông, đêm về lại trở nên lạnh giá bởi Hà Giang được ví như “thiên đường đá” tự nhiên nên đêm về rất lạnh. Cùng với đó là những hiểm nguy luôn rình rập, nhưng CBCS, nhất là những chiến sĩ quê hương Đất Tổ không bao giờ nản lòng, quyết tâm bám trụ, ngày ngày rò tìm và tháo gỡ làm sạch từng tấc đất, mong sao sớm trả lại màu xanh cho những “vùng đất chết”, để phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ và tạo nên vùng đất màu mỡ cho đồng bào vùng biên canh tác, yên tâm bám bản, bám làng làm ăn sinh sống.

Khi chúng tôi hỏi về đời tư, gia đình, người thân, Đức Anh cho biết: Vợ chồng anh có 2 con, đứa lớn 9 tuổi và đứa nhỏ 6 tuổi. Khó khăn nhất là từ khi bố đẻ anh qua đời vào cuối tháng 6 vừa qua, trong khi đó mẹ già ngoài 70 tuổi, sức khỏe yếu, vợ thì làm công nhân hoạt động ca kíp, vì thế việc chăm lo cho con sinh hoạt, học tập cũng là vấn đề anh cần lưu tâm tính toán. Tuy vậy, Đức Anh vẫn luôn khẳng định, dù khó khăn đến mấy cũng phải vượt qua, vì thế anh luôn được chỉ huy đơn vị tin tưởng, đánh giá cao về tinh thần trách nhiệm với công việc và luôn tận tình với anh em đồng chí.

----------------

Kỳ 2: Những cán bộ “đầu tàu” nơi biên giới

Bài, ảnh: TRUNG HIẾU (Báo Quân Khu 2)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/an-ninh-quoc-phong/202408/nhung-nguoi-con-dat-to-mang-binh-yen-ve-bien-gioi-ha-giang-ky-1-nhiem-vu-thieng-lieng-trach-nhiem-tri-an-d9e7faf/