Nghĩa tình với quê Bác
Trong 5 năm (2009-2014), Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn (NTTS) của Báo SGGP đã thực hiện nhiều công trình dân sinh trên cả nước, trong đó xây dựng và trang bị 17 trạm y tế, bàn giao 1.351 căn nhà tình nghĩa, tặng hơn 2.000 suất học bổng, xây dựng nhiều công trình văn hóa, lịch sử, tâm linh…
Tại quê hương Bác Hồ kính yêu, Chương trình NTTS Báo SGGP cũng đã thực hiện được những công trình, việc làm thiết thực, ý nghĩa.
Bản Búng (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An) nằm ở thượng nguồn sông Giăng, trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, tiếp giáp với nước bạn Lào. Chốn “thâm sơn cùng cốc” này chính là nơi “tộc người ngủ ngồi” Đan Lai cư ngụ.
Từ đề xuất của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Nghệ An, Chương trình NTTS Báo SGGP quyết định khảo sát xây dựng trạm quân dân y tại bản Búng. Để vào được bản, ngày ấy chỉ có một cách duy nhất là vượt sông Giăng. Sau gần một buổi vượt nhiều thác ghềnh, chúng tôi mới đến được bản Búng. Bản Búng lúc này hiện ra nghèo nàn với hình ảnh những người phụ nữ ngồi bó gối nhai trầu trước cửa nhà, những người mẹ trẻ lưng địu đứa sau, tay bồng đứa trước, những đứa trẻ tồng ngồng không quần áo… Sau khi khảo sát, tháng 11-2010, Báo SGGP phối hợp cùng BĐBP Nghệ An khởi công xây dựng Trạm quân dân y bản Búng với kinh phí 1 tỷ đồng.
Trở lại bản Búng, nhiều thay đổi rõ nét, đời sống người dân được nâng cao. Một con đường đất chạy song song với sông Giăng đã được mở, điện cũng được kéo vào, nhiều nhà có xe máy, ti vi… Gặp chúng tôi khi đến khám bệnh tại Trạm quân dân y bản Búng, bà La Thị Thành phấn khởi: “Từ ngày có cái trạm y tế ở ngay bản, ốm đau không phải đi xa, dân ta ưng cái bụng lắm!”.
Đại úy Nguyễn Chiến Thắng, nhân viên quân y Trạm quân dân y bản Búng, cho biết, hiện bản Búng có 112 hộ với hơn 520 nhân khẩu. Mỗi năm, bình quân có 80-90 lượt bà con đến khám chữa bệnh tại trạm. Đại úy Thắng chia sẻ: “Có sống cùng bà con trong này mới thấu hiểu ngày trước bà con khổ thế nào. Vì thế, việc có trạm y tế, có điện là cả một sự đổi thay to lớn đối với bà con”.
Để lên được “cổng trời” Bắc Lý thuộc huyện rẻo cao Kỳ Sơn, chúng tôi phải trải qua nhiều chặng đường gian nan. Từ TP Vinh lên thị trấn Mường Xén nghỉ lại, tiếp đó vào Đồn biên phòng Mỹ Lý, từ đây mới lên được trung tâm xã Bắc Lý, sau đó “đánh đường” bằng xe máy, leo bộ với rất nhiều đèo dốc, suối mới tới được bản Huồi Bắc (xã Bắc Lý). Trên bãi đất bằng bên một quả núi, vị trí xây trạm quân dân y được chọn. Và một ngày đầu năm 2013, Báo SGGP đã khởi công Trạm quân dân y Huồi Bắc với kinh phí gần 2 tỷ đồng.
Sau 7 năm trở lại, ô tô đã đưa chúng tôi đến tận cổng Trạm quân dân y Huồi Bắc. Ông Moong Phò Lanh, Trưởng bản Huồi Bắc, cho biết: “Hiện bản ta có 67 hộ, hơn 372 nhân khẩu. Nhờ có trạm quân dân y ở bản mà bệnh tật của dân ta ngày càng ít đi, bệnh ít đi thì người đi rẫy nhiều hơn người ở nhà”.
Thượng úy Trần Văn Cường, quân y sĩ phụ trách trạm, cho biết, hiện trạm có 3 anh em thay phiên nhau trực. Từ khi có trạm quân dân y, ngoài bà con trong xã Bắc Lý như Huồi Bắc, bản Puộc, Nhọt Kho thì bà con ở bản Huồi Khơ và Noọng Hán (xã Đoọc Mạy) cũng đến đây khám. Bây giờ trạm như trung tâm y tế của cả vùng, mỗi năm khám chữa bệnh cho 350-360 lượt bà con đến khám các bệnh về cảm cúm, rối loạn tiêu hóa, cột sống, thần kinh… Từ khi có trạm, các anh đã chữa trị, cứu sống được nhiều người bị bệnh nặng, từ bệnh co thắt đại tràng cho đến người tự tử bằng lá ngón.
Khi thực hiện loạt bài “Trường Sơn - 10 năm trở lại”, vào bản Búng, biết thông tin bà con vẫn chưa đủ mùng, mền để dùng, lập tức nhà báo Hoài Nam (PV Báo SGGP) đã gọi điện ngay về đặt mua tặng bà con.
Khi lên Trạm quân dân y Huồi Bắc, nghe anh em quân y sĩ tâm sự trạm thiếu các loại thuốc như kháng sinh dạng bột của trẻ em, siro ho, thuốc khớp, cột sống, rối loạn tiền đình… thông qua Báo SGGP, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã gửi tặng bà con tuyến biên giới các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế 400kg thuốc các loại để chữa bệnh. Mới đây, cùng chung tay phòng chống dịch Covid-19, Báo SGGP đã gửi tặng các điểm chốt của BĐBP ở Nghệ An, Hà Tĩnh hàng ngàn khẩu trang y tế, hàng trăm thùng mì gói.
Đại tá Lê Như Cương, Chính ủy BĐBP tỉnh Nghệ An, gắn bó với Chương trình NTTS Báo SGGP từ ngày còn là phó chủ nhiệm chính trị cho đến vị trí bây giờ. Từ những ngày đầu, gần như những nơi khó khăn nhất khi chúng tôi đến khảo sát, trao quà, dựng nhà đều có bước chân và dấu ấn của anh.
Đại tá Lê Như Cương chia sẻ: “Qua thời gian, có thể thấy rằng, Chương trình NTTS của Báo SGGP thực sự là chương trình ý nghĩa. Nhờ có các công trình do Báo SGGP xây dựng, những món quà của Báo SGGP trao đã đem đến sự đổi thay cho người dân ở những vùng nghèo khó, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số” q
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nghia-tinh-voi-que-bac-660689.html