Nghĩa trang kỳ bí nhất Phần Lan: Người trong 44 ngôi mộ biến mất

Cấu trúc các ngôi mộ, dấu tích của việc chôn cất... vẫn nguyên vẹn sau 6.500 năm, chỉ có hài cốt người trong mộ là biến mất không dấu vết.

Theo Science Alert, một phân tích mới đã vén màn bí ẩn về nghĩa trang cổ nằm ở khu vực rìa Vòng Bắc Cực thuộc Tainiaro - Phần Lan, nơi các ngôi mộ đã gây sốc nặng từ cuộc khai quật đầu tiên năm 1980.

Hàng ngàn hiện vật đã được tìm thấy, mô tả, nhưng không có dấu tích của bất kỳ con người nào!

Tất cả những gì còn lại trong các hố chôn cất chỉ là đất cát nhuốm ít tro, có vệt đỏ bằng đất son, cùng một số đồ tùy táng.

Các ngôi mộ không có hài cốt người ở Phần Lan - Ảnh: ANTIQUITY

Các ngôi mộ không có hài cốt người ở Phần Lan - Ảnh: ANTIQUITY

Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà khảo cổ Aki Hakonen từ Đại học Oulu (Phần Lan) cho rằng chính 200 chiếc hố trong nghĩa trang nắm giữ bí mật về các bộ hài cốt biến mất.

"Mặc dù không có vật liệu xương nào còn sót lại ở Tainiaro, chúng tôi cho rằng đó vẫn nên được coi là một nghĩa trang" - các tác giả viết trong bài công bố trên tạp chí khoa học Antiquity.

Theo đó, họ cho rằng chính đất chua của khu vực đã khiến hài cốt người phân hủy nhanh hơn bình thường, hoàn toàn biến mất sau vài ngàn năm chôn cất.

Trong khi đó các hiện vật bằng đá, mảnh gốm hay xương động vật đã bị đốt thành tro vẫn để lại dấu tích.

Tuy các hài cốt biến mất, nhưng nghĩa trang cổ và các ngôi mộ trống của nó vẫn là phát hiện khảo cổ vô cùng quý giá.

Hầu hết các hố đều chứa dấu vết của tro và than củi. Thêm vào đó là sự xuất hiện của đất son. Đó chính là bằng chứng về các lễ nghi cổ đại.

Ngoài ra, một nghĩa trang rộng lớn là bằng chứng về các cộng đồng thời đồ đá từng rất đông đúc nơi đây.

Hình dạng và kích thước các hố chôn cất - vốn khoảng 1,5x2m, sâu nửa mét, được bo tròn các góc - cũng giống hàng trăm ngôi mộ đồ đá khác được tìm thấy tại 14 nghĩa trang khắp Bắc Âu.

Có 44 trong số 200 hố ở nghĩa trang được xác định là mộ phần thực sự.

TS Hakonen cho biết chỉ mới 1/5 nghĩa trang được khai quật. Họ sẽ tiếp tục công việc bằng radar xuyên đất lẫn khai quật trực tiếp với hy vọng tìm thấy các mẫu tóc, DNA còn sót lại.

Ngoài ra, việc vì sao người thời đồ đá lại tập trung ở khu vực hẻo lánh, lạnh giá và gần như khó sống này phổ biến đến thế, đó vẫn là câu hỏi thú vị chờ được giải đáp.

Anh Thư

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nghia-trang-ky-bi-nhat-phan-lan-nguoi-trong-44-ngoi-mo-bien-mat-196231206112051435.htm