Nghĩa vụ bảo vệ môi trường thông qua nộp ký quỹ khi nhập khẩu phế liệu
Quá trình sử dụng phế liệu cộng thêm việc nhập khẩu tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP được ban hành nhằm đảm bảo các doanh nghiệp, cá nhân nhập khẩu phế liệu chịu trách nhiệm bảo vệ môi trường thông qua nộp ký quỹ.
Nghị định số 08/2022/NĐ-CP cho thấy, quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 mới được ban hành, doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất cần phải nộp ký quỹ bảo vệ môi trường.
Với khoản ký quỹ này nhằm bảo đảm tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu sẽ chịu trách nhiệm xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể phát sinh từ lô hàng phế liệu nhập khẩu.
Cùng với đó, mức nộp ký quỹ mà các tổ chức, cá nhân nhập khẩu sắt, thép phế liệu phải thực hiện được quy định với 3 mức 10%, 15%, 20% tổng giá trị lô hàng, tương đương với khối lượng dưới 500 tấn, từ 500-1.000 tấn và trên 1.000 tấn.
Đối với giấy phế liệu và nhựa phế liệu, mức tiền nộp ký quỹ được chia làm 3 mức 15%, 18%, 20% cho tổng giá trị lô hàng, tương ứng với khối lượng nhập khẩu lần lượt là dưới 100 tấn, từ 100 đến dưới 500 tấn và trên 500 tấn.
Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu không thuộc quy định nêu trên thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường với số tiền được quy định là 10% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu.
Số tiền này sẽ được nộp vào Quỹ bảo vệ môi trường cấp quốc gia, cấp tỉnh, hoặc tổ chức tín dụng nơi tổ chức, cá nhân mở tài khoản giao dịch (tổ chức nhận ký quỹ) và sẽ được hưởng lãi suất theo quy định của pháp luật.
Tiêu hủy, xử lý phế liệu nhập khẩu vi phạm theo quy định về quản lý chất thải
Theo Nghị định cũng quy định tổ chức nhận ký quỹ nơi tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất có trách nhiệm phong tỏa số tiền ký quỹ theo quy định của pháp luật.
Các tổ chức đã nhận ký quỹ có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền ký quỹ sau khi nhận được văn bản bản đề nghị của tổ chức, cá nhân đã nộp ký quỹ kèm theo thông tin về số tờ khai hải quan nhập khẩu đối với lô hàng phế liệu nhập khẩu đã được thông quan hoặc thông tin về việc hủy tờ khai hải quan nhập khẩu của cơ quan hải quan.
Trong trường hợp lô hàng cần phải tái xuất, tiêu hủy theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải, thì số tiền ký quỹ sẽ được hoàn lại sau khi hoàn thành quá trình này.
Còn trường hợp phế liệu nhập khẩu không được thông quan và không thể tái xuất được, khoản tiền ký quỹ được sử dụng để thanh toán chi phí xử lý, tiêu hủy phế liệu vi phạm. Các cá nhân, tôt chức có trách nhiệm thanh toán khoản phí dôi ra nếu số tiền ký quỹ không đủ để thanh toàn toàn bộ chi phí xử lý, tiêu hủy.
Với sản phẩm sau xử lý, tiêu hủy phế liệu nhập khẩu vi phạm có giá trị sẽ bị tịch thu theo quy định của pháp luật và không được hạch toán vào chi phí xử lý, tiêu hủy phế liệu nhập khẩu vi phạm.
Trường hợp không xác định được tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu vi phạm, việc xử lý, tiêu hủy phế liệu nhập khẩu vi phạm do nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật.