Nghịch cảnh của những người mua đất rộng, xây nhà lớn và cả đời còng lưng...trả nợ!
Nhiều người liều vay tiền mua nhà trả góp vượt tầm với, đã phải làm việc cả đời, chỉ để đi trả nợ cho các ngân hàng.
Cả đời cày cuốc vất vả, chỉ để mua đất, xây nhà
Ở nhiều làng quê Việt Nam hiện nay, không khó để bắt gặp những ngôi nhà bề thế, sang trọng, được thiết kế theo dạng biệt thự châu Âu. Không tính giá đất, những ngôi nhà này có giá trị xây dựng lên tới hàng tỷ đồng.
Để có hàng tỷ đồng xây nhà, người dân ở nông thôn phải làm nụng cả đời, thắt lưng buộc bụng, dành tiền dựng khối bê-tông, để lại cho con cháu. Ngay cả những người không khá giả, cũng cố gắng vay mượn để xây nhà lớn, để rồi về sau phải còng lưng trả nợ, vừa phải tự làm osin dọn dẹp nhà cửa hàng ngày.
Xây nhà lớn ở quê nhưng không có người ở.
Ông Nguyễn Văn Cáu (SN 1956), một hộ dân tại huyện Cẩm Khê, Phú Thọ cũng rơi vào trường hợp này. Hai vợ chồng ông Cáu vốn là một hộ nông dân giỏi trong xã, không chỉ trồng lúa, hoa mầu, vợ chồng ông còn tích cực chăn nuôi đàn lợn để kiếm thêm thu nhập.
Cả đời ông Cáu làm nông, cũng chỉ tiết kiệm được vài trăm triệu đồng, dự tính sẽ cải tạo, sửa chữa lại ngôi nhà đã hỏng theo thời gian. Tuy nhiên, ông Cáu quyết định "chơi lớn", vay thêm 400 triệu đồng, từ họ hàng, anh em để xây mới ngôi nhà.
Khi nhà vừa xây dựng xong, hai vợ chồng ông Cáu chưa vui mừng được bao lâu đã phải lo nghĩ tới chuyện trả nợ. Đó là chưa kể, dù xây nhà lớn, 3 tầng, nhưng trong nhà chỉ có đôi vợ chồng già sinh sống. Con cháu trong gia đình hầu hết đã chuyển lên thành phố sinh sống và làm việc, thi thoảng mới về quê thăm bố mẹ.
Không chỉ người trung niên, hiện nay, vẫn có một số nhóm người trẻ tuổi, còn suy nghĩ bắt buộc phải có một mái nhà, để an cư, lập nghiệp. Tuy nhiên, khác với thế hệ trước, giới trẻ hiện nay dễ dàng tiếp cận với các gói tín dụng, vay tiền mua nhà trả góp, với lãi suất bình quân 10%/năm.
Chính việc tiếp cận dễ dàng tới các khoản vay mua nhà, cho nên, nhiều người đã vay cố tiền mua nhà, thậm chí có người “tay không bắt giặc”, vay 100% giá trị nhà. Điều này dẫn đến việc, có người phải cày cuốc cả đời chỉ để chi trả nợ.
Năm 2014, anh Đỗ Hòa khi ấy là trưởng phòng kinh doanh của một công ty nước ngoài có trụ sở tại Hà Nội. Mức lương hàng tháng lên tới 40 triệu đồng, chưa tính các khoản thưởng và làm thêm bên ngoài.
Sau một thời gian làm việc, anh Hòa tiết kiệm được 1,7 tỷ đồng và có ý định mua một căn hộ để ở, cùng để chuẩn bị cho việc kết hôn. Lúc đầu, anh dự tính mua một căn hộ hạng B, có diện tích 82 m2, giá bán mua từ chủ đầu tư là 2,1 tỷ đồng (khoảng 26 triệu đồng/m2).
Tuy nhiên, sau một thời gian đắn đo suy nghĩ, anh quyết định lựa chọn một căn hộ hạng A khác, nằm gần trung tâm hơn, với giá trị lên tới 3,4 tỷ đồng.
Anh Hòa tính toán, khi mua căn hộ này, anh sẽ phải vay ngân hàng 1,7 tỷ đồng mới đủ tiền để mua. Số tiền này sẽ trả góp trong 20 năm, hàng tháng sẽ phải trả khoảng 15 - 20 triệu đồng, tùy kỳ. Với mức thu nhập 40 triệu đồng/tháng, anh Hòa tự tin có đủ tiềm lực tài chính để gánh được khoản vay nêu trên.
Tuy nhiên, mới chi trả được 6 năm, tới năm 2020, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, công ty của anh lỗ nặng, buộc phải cắt giảm bộ phận và nhân sự. Bản thân anh Hòa cũng rơi vào cảnh thất nghiệp.
Mất đi khoản thu nhập chính hàng tháng, đồng nghĩa với việc anh Hòa không thể trả lãi định kỳ. Điều này buộc anh Hòa phải lựa chọn 2 phương án, một là thanh lý căn hộ để thu hồi vốn, hoặc tiếp tục tìm kiếm một công việc khác để cố gắng cày tiền để trả nợ trong 14 năm tiếp theo.
Bí quyết mua đất, xây nhà để không phải “còng lưng” trả nợ
Trao đổi với PV Báo Nhà báo và Công luận, ông Phan Đình Vĩnh, chuyên gia bất động sản nhận định: Hiện nay, các trường hợp người mua đất, xây nhà phải làm cả đời để trả nợ không phải là hiếm. Nhiều trường hợp đã vỡ nợ, bán thanh lý, nhà cửa vì không thể gánh nổi tiền lãi hàng tháng.
Nhiều người phải trả nợ cả đời chỉ để mua đất, xây nhà.
Do đó, khi quyết định mua nhà trả góp, người mua cần phải lựa chọn đúng phân khúc trong khả năng chi trả. Trong trường hợp sử dụng các đòn bẩy tài chính khi mua nhà, nên vay ngưỡng an toàn dưới 30%.
“Khoản vay dưới 30%, hoặc cao hơn là 40% được coi là “tỷ lệ vàng” khi vay tiền mua nhà trả góp. Trong khi đó, các khoản vay 70% giá trị nhà, hoặc 100% giá trị có nhiều rủi ro, thậm chí mất trắng nếu người mua không thể thanh toán đúng hạn định kỳ”, ông Vĩnh nói.
Bên cạnh đó, có một số trường hợp, người mua vay tiền mua nhà, sau đó lại cho thuê chính ngôi nhà đó để tạo ra thu nhập đều hàng tháng.
“Có trường hợp, có người bỏ ra 1,7 tỷ đồng, sau đó vay thêm 1 tỷ đồng để mua một căn hộ hạng A tại trung tâm thành phố. Sau đó, người này cải tạo nhà thành homestay cho thuê theo ngày, giá thuê là 1,5 - 2 triệu đồng/ngày. Công suất đạt khoảng 60%/tháng. Như vậy, mỗi tháng người này bỏ túi trên dưới 25 triệu đồng. Trừ tiền lãi định kỳ, mỗi tháng cũng dư ra vài triệu đồng”, ông Vĩnh chia sẻ.