Nghịch cảnh Nigeria: Xuất khẩu dầu thô nhưng đành nhập khẩu dầu độc hại

Kết quả phân tích từ phòng thí nghiệm ở châu Âu cho thấy, các mẫu xăng dầu từ các xưởng lọc dầu thủ công ở đồng bằng Nigeria còn có chất lượng cao hơn, ít gây ô nhiễm hơn so với dầu diesel và xăng nhập khẩu từ châu Âu. Vì sao có điều lạ lùng này?

Theo báo cáo mới đây của Nhóm theo dõi tài nguyên quốc tế (SDN), Nigeria có chỉ số ô nhiễm không khí đứng vào hàng tồi tệ nhất trên thế giới, với những đám mây dày đặc trên bầu trời các thành phố tắc nghẽn giao thông, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng sức khỏe người dân. Bởi vậy, các nhà nghiên cứu đã lấy các mẫu xăng dầu ở Nigeria để phân tích nguyên nhân.

Các xe bồn chờ lấy hàng gần một cơ sở lọc dầu gần cảng Harcourt, Nigeria

Các xe bồn chờ lấy hàng gần một cơ sở lọc dầu gần cảng Harcourt, Nigeria

Xăng dầu bẩn - nguyên nhân của ô nhiễm

Theo đó, kết quả kiểm nghiệm mẫu dầu diesel được bán trong các trạm xăng dầu được chính phủ cấp phép ở Port Harcourt và Lagos cho thấy, hàng nhập khẩu từ châu Âu đều vượt quá giới hạn ô nhiễm của EU tới 204 lần và gấp 43 lần mức xăng. Cũng qua xét nghiệm, mẫu nhiên liệu ở chợ đen gây ô nhiễm cao nhưng chất lượng còn cao hơn so với hàng nhập khẩu, vượt quá mức tiêu chuẩn về lưu huỳnh của EU 152 lần và 40 lần so với mức xăng.

“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy Nigeria đang bị đổ nhiên liệu bẩn vào vì những nguồn hàng đó không thể bán cho các nước có tiêu chuẩn chất lượng cao hơn. Tình hình tồi tệ đến mức những mẫu đó thậm chí chất lượng còn thấp hơn các xưởng tinh chế thủ công sản xuất ở đồng bằng Nigeria”, ông Elizabeth Kayemba, người quản lý chương trình SDN cho biết.

Nigeria nhiều dầu thô nhưng 4 nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu nhà nước đã bị đóng cửa nên một lượng lớn dầu không thể tinh chế. Thay vào đó, các đại lý quốc tế xuất khẩu sang Nigeria khoảng 900.000 tấn nhiên liệu sản xuất tại các nhà máy lọc dầu của Hà Lan, Bỉ và châu Âu khác. Thị trường Nigeria cũng có sự đóng góp của hàng trăm nhà máy lọc dầu sản xuất thủ công quy mô nhỏ mà nguồn cung là dầu bị đánh cắp từ các đường ống dẫn dầu đi qua đồng bằng Nigeria.

Với hơn 11 triệu phương tiện, chủ yếu là xe cũ nhập khẩu từ châu Âu và Nhật Bản cùng hàng trăm nghìn máy phát điện sử dụng trong doanh nghiệp và hộ gia đình, Nigeria đứng thứ tư trên thế giới về tử vong do ô nhiễm không khí. Người ta ước tính rằng, khoảng 114.000 người Nigeria chết sớm do ô nhiễm không khí mỗi năm. Chất lượng không khí ở các thành phố như Port Harcourt, Aba, Onitsha và Kaduna đã đạt đến mức khủng hoảng ô nhiễm trong những năm gần đây, trong khi các bệnh hen suyễn, phổi, tim và hô hấp gia tăng.

Sản phẩm dầu khí “chất lượng châu Phi”

Hơn 50% các nước đang phát triển, chủ yếu ở châu Phi và châu Mỹ Latinh, vẫn sử dụng nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh cao, từ lâu vốn bị coi là bất hợp pháp ở các nước phương Tây. Tuy vậy, các nhà máy lọc dầu ở châu Âu vẫn được phép sản xuất nhiên liệu loại này nếu các quốc gia đồng ý chấp nhận nó.

Shell, Exxon, Chevron và các công ty dầu khí lớn khác khai thác và xuất khẩu tới 2 triệu thùng dầu mỗi ngày xuất phát từ nguồn dầu thô có hàm lượng lưu huỳnh thấp “Bonny Light” của đồng bằng Nigeria. Theo các nguồn tin trong ngành theo dõi việc vận chuyển xăng dầu trên thế giới, khoảng 80% các sản phẩm dầu mỏ của Nigeria đến từ Hà Lan và Bỉ, 2 nước có số nhà máy lọc dầu lớn nhất châu Âu.

Nigeria cùng với Togo, Ghana, Bờ Biển Ngà và Benin trong năm 2017 tuyên bố sẽ ngừng nhập khẩu các sản phẩm dầu khí “chất lượng châu Phi” như một phần của sáng kiến chương trình môi trường của Liên hợp quốc. Tuy nhiên sau đó, Nigeria vẫn cho rằng họ cần thêm thời gian để thích nghi.

“Mức độ ô nhiễm cao cùng các bệnh về hô hấp đã có từ trước có thể làm tăng nguy cơ nhiễm dịch Covid-19 đối với người dân”, ông Matthew Halstead của phòng thí nghiệm Noctis nhận định. Tuy nhiên, sự sụt giảm giá dầu gần đây vì đại dịch Covid-19 có nghĩa là Nigeria không cần phải trợ cấp nhiên liệu nhập khẩu và họ có thể áp dụng các tiêu chuẩn cao hơn. Các nhà máy lọc dầu thủ công bất hợp pháp ở nước này đang phát triển nhanh về số lượng và quy mô, hiện sản xuất 5-20% lượng xăng và dầu diesel tiêu thụ ở Nigeria từ 175.000 thùng dầu thô bị đánh cắp mỗi năm.

Báo cáo của Nhóm theo dõi tài nguyên quốc tế (SDN) chứng minh cho các cáo buộc được đưa ra trong cuộc điều tra Mắt công chúng (Public Eye) năm 2016 và báo cáo của chính phủ Hà Lan năm 2018, rằng các nhà máy lọc dầu và môi giới hàng hóa châu Âu đã trộn dầu thô với benzen và các hóa chất gây ung thư khác để tạo ra nhiên liệu có chỉ số ô nhiễm cao gấp hàng trăm lần so với giới hạn ô nhiễm ở châu Âu.

Yến Chi (Theo Guardian)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/nghich-canh-nigeria-xuat-khau-dau-tho-nhung-danh-nhap-khau-dau-doc-hai/859104.antd