Nghịch lý bóng đá Đông Nam Á nhìn từ SEA Games
Không chỉ Việt Nam, Malaysia và Indonesia sẵn sàng hoãn giải VĐQG để đội U22 quốc gia tập trung tranh huy chương Vàng SEA Games 33. Bản thân bóng đá Thái Lan cũng đứng trước sức ép về thành tích, đủ khiến tranh cãi leo thang về khả năng Thai League tạm nghỉ, dồn lực cho chủ nhà đòi lại vị thế số 1 ở bóng đá trẻ khu vực.
Tính cạnh tranh ở SEA Games ngày một tăng lên theo thời gian. Nhưng quan điểm về vùng trũng bóng đá khu vực cũng vì thế mà nở rộ…
Đâu chỉ có V.League tạm nghỉ vì SEA Games
Giữa tháng 3/2025, Hội nghị triển khai công tác chuẩn bị tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia 2025/26 đã diễn ra. Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đề xuất 2 phương án tổ chức mùa giải mới, với sự chứng kiến của đại diện các CLB từ hạng Nhất và V.League. Trong cả 2 phương án, điểm chung hướng tới việc V.League tạm nghỉ trong thời gian SEA Games 33 diễn ra vào cuối tháng 12. Mục đích chính là để U22 Việt Nam có cơ hội tập trung những cầu thủ chất lượng nhất, nhằm đòi lại huy chương Vàng tại Đại hội thể thao khu vực.
Không có đại diện CLB nào phản đối trước đề xuất từ phía VPF tại hội nghị. Sau 1 tháng rưỡi, cũng chưa có bất cứ phát ngôn nào từ phía các đội bóng chỉ trích ý tưởng hoãn V.League trong thời gian diễn ra SEA Games. Tuy nhiên, rất nhiều quan điểm trên mạng xã hội không đồng tình với ý tưởng V.League tạm nghỉ. Những ý kiến này cho rằng việc giải vô địch quốc gia phải dừng lại chỉ để phục vụ một đội tuyển trẻ thi đấu mặt trận vốn không thuộc FIFA Days sẽ khiến quá trình phát triển của cả nền bóng đá chững lại. Nghịch lý ấy không thể cứ duy trì đều đặn qua từng năm tại Việt Nam nói riêng và bóng đá Đông Nam Á nói chung.
Nhưng đáng nói thay, không chỉ Việt Nam quyết định dừng V.League để phục vụ cho quá trình U22 Việt Nam thi đấu SEA Games 33. Bởi Indonesia và Malaysia cũng đã công bố kế hoạch tương tự, hòng dồn lực cho đội U22 của các nước này tranh huy chương Vàng đại hội. Sau buổi làm việc với LĐBĐ Indonesia, bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao - Dito Ariotedjo đã giao nhiệm vụ cho U22 Indonesia bảo vệ thành công vị trí số 1 tại SEA Games trên đất Thái Lan. Để đảm bảo cho mục tiêu này trở thành hiện thực, LĐBĐ Indonesia quyết định tạm hoãn giải VĐQG trong khoảng hơn 1 tháng. HLV Gerald Vanenburg nhờ đó có thể triệu tập những nội binh trẻ tốt nhất từ các CLB, mà không phải lo lắng về lịch trình giải VĐQG.
Câu chuyện diễn ra tương tự với Malaysia. LĐBĐ quốc gia này quyết định thành lập đội U22 Malaysia thi đấu như 1 CLB tại giải hạng 2, trong hệ thống bóng đá chuyên nghiệp. Đặc biệt, tổ chức bóng đá hàng đầu quốc gia này tuyên bố sẽ dừng giải Malaysia Super League trong thời gian diễn ra SEA Games 33. Điều này nhằm giúp cho U22 Malaysia có điều kiện tập trung tối đa, tránh những xao nhãng không đáng có khi đang thi đấu tại sân chơi khu vực.

Không chỉ Việt Nam, Malaysia và Indonesia sẵn sàng hoãn giải VĐQG để đội U22 quốc gia tập trung tranh huy chương Vàng SEA Games 33.
Thái Lan có nối gót?
Ba trong bốn ứng viên tranh huy chương Vàng SEA Games đều sẵn sàng hy sinh quyền lợi giải VĐQG để tập trung tối đa vào giải đấu trên đất Thái. Điều đó vô hình trung trở thành áp lực cho Thái Lan, chủ nhà của kỳ SEA Games lần này. Thực tế, xung đột giữa quyền lợi CLB tại Thai League và các đội tuyển Thái Lan đã tồn tại trong gần 1 thập kỷ qua. Cụ thể, ngay sau chức vô địch AFF Cup 2016 của ĐT Thái Lan, các CLB lớn của Thai League như Buriram, BEC Tero, Bangkok United hay Muangthong… lần lượt từ chối “nhả” cầu thủ chủ lực từ các giải Đông Nam Á không thuộc FIFA Days. Trong đó, Buriram United là đội quyết liệt hơn cả.
Thai League vì thế mà ngày càng nâng tầm giá trị trong 1 thập kỷ qua. Bản quyền truyền hình của giải VĐQG Thái Lan đứng số 1 Đông Nam Á. Các CLB Thái Lan cũng liên tục tạo tiếng vang ở đấu trường khu vực và châu lục. Đổi lại, trong 10 năm ấy, U22 Thái Lan không còn thống trị SEA Games. Sau tấm huy chương Vàng tại Đại hội năm 2017, người Thái phải nhìn Việt Nam (2 lần) và Indonesia (1 lần) chiếm lấy vị trí số 1 ở môn bóng đá nam.
Tại AFF Cup, nếu không nhờ sự ra mặt của Madam Pang tại hai giải đấu diễn ra năm 2021 và 2022, “Bầy voi chiến” khó lòng có được 2 ngôi sao quan trọng là Chanathip Songkrasin và Theerathon Bunmathan. Chính họ là tác nhân giúp Thái Lan giành 2 chức vô địch. Nhưng ngay khi đại diện xứ chùa vàng mất đi hỏa lực, lập tức Thái Lan bị Việt Nam vượt mặt để đoạt lấy ngôi vương vào năm 2024.
Trở lại với câu chuyện hướng tới SEA Games 33, Madam Pang với tư cách Chủ tịch LĐBĐ Thái Lan đang chịu sức ép tứ bề. Khoản nợ lớn lên đến cả trăm triệu baht do thua kiện Siam Sports khiến nữ tỷ phú đau đầu tìm hướng giải quyết. Uy tín của Madam Pang cũng sụt giảm đáng kể sau khi Thái Lan liên tiếp thất bại từ AFF Cup 2024 cho đến VCK U17 châu Á. Và nếu như U22 Thái Lan tiếp tục gây thất vọng ở kỳ SEA Games được tổ chức ngay trên sân nhà, “chiếc ghế” mà Madam Pang nắm giữ tại LĐBĐ Thái Lan càng trở nên lung lay.
Một chi tiết đáng chú ý, từ trước khi làm Chủ tịch LĐBĐ Thái Lan, Madam Pang từng là bà bầu của Port FC. Đây cũng là đội bóng thiện chí bậc nhất Thai League trong việc “bơm” cầu thủ cho các ĐTQG Thái Lan. Như đã nói kể trên, cũng chính Madam Pang thuyết phục Chanathip và Theerathon trở lại thi đấu AFF Cup, dù họ vẫn vướng bận với lịch trình thi đấu cấp CLB. Ngần ấy dẫn chứng đủ thấy rằng, khả năng Madam Pang tìm cách để Thai League chấp nhận san sẻ quyền lợi, tạo điều kiện cho U22 Thái Lan dồn hỏa lực giành huy chương Vàng SEA Games trên sân nhà hoàn toàn có thể xảy đến.
Khi cả Việt Nam, Indonesia, Thái Lan lẫn Malaysia đều có lực lượng tối ưu để cạnh tranh huy chương Vàng, môn bóng đá nam SEA Games hiển nhiên diễn ra hấp dẫn nhất trong 1 thập kỷ qua. Nhưng ngược lại, điều đó sẽ ảnh hưởng trực diện đến các cầu thủ và CLB chuyên nghiệp tại giải VĐQG tương ứng. Quan điểm Đông Nam Á là vùng trũng của bóng đá thế giới lại có dịp nở rộ trên mạng xã hội…
Quan hệ cộng sinh
Với riêng bóng đá Việt Nam, V.League và SEA Games đang là 2 giải đấu tạo đòn bẩy cộng sinh cho nhiều cầu thủ. Nhờ V.League, những Trần Trung Kiên, Nguyễn Quang Vinh, Viktor Lê, Phạm Minh Phúc, Nguyễn Nhật Minh mới trưởng thành và được tuyển chọn vào đội U22 Việt Nam trong tháng 3 vừa qua. Cũng từ dấu ấn ở đội U22, các cầu thủ này khi trở về V.League lại càng được tin dùng. Giới truyền thông và người hâm mộ cũng căn cứ từ sự trưởng thành này mà quan tâm nhiều hơn đến các cầu thủ 21, 22 tuổi còn vô danh.
Những trường hợp khác như Cao Văn Bình, Nguyễn Đức Anh, Nguyễn Hồng Phúc, Nguyễn Mạnh Hưng cũng đang chờ đợi cú hích mang tên SEA Games. Tất cả đều chưa có nhiều cơ hội để được ra sân thi đấu thường xuyên tại SLNA, Hà Nội, Thể Công Viettel. Song nếu như thể hiện được năng lực tại giải trẻ Đông Nam Á, bước ngoặt về sự nghiệp chuyên nghiệp sẽ đến với họ, tựa như cách mà Văn Đức, Tiến Dũng, Việt Anh, Đình Trọng… từng đi qua trước đây…
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-thao/nghich-ly-bong-da-dong-nam-a-nhin-tu-sea-games-i767196/