Nghịch lý cao tốc vừa thông xe chỉ giới hạn 80 km/h, QL1 cũ cho chạy 90 km/h

Việc giới hạn tốc độ tối đa 80km/h nhiều đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam mới đưa vào khai thác khiến lái xe cảm thấy ức chế, vì QL 1A đang cho xe lưu thông 90 km/h.

Tốc độ cao tốc… thấp hơn Quốc lộ

Hàng loạt đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam mới được đưa vào khai thác bị giới hạn tốc độ, chỉ được chạy tối đa 80 km/h khiến chủ phương tiện cảm thấy ngao ngán và cho rằng, quy định tốc độ này chưa tương xứng với đường cao tốc, không bằng tốc độ đi trên QL1.

Cao tốc Mai Sơn - QL.45 đường đẹp, lưu lượng xe thấp nhưng chỉ cho phép chạy tốc độ tối đa 80 km/h

Cao tốc Mai Sơn - QL.45 đường đẹp, lưu lượng xe thấp nhưng chỉ cho phép chạy tốc độ tối đa 80 km/h

Các đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu và Nha Trang - Cam Lâm tốc độ cao nhất là 80km/h.

Thậm chí một số đoạn tốc độ khai thác tối đa một số đoạn chỉ 50 - 60 km/h như: Cam Lộ - La Sơn - Hòa Liên, Nội Bài - Lào Cai (đoạn từ Yên Bái lên Lào Cai không có giải phân cách cứng ở giữa)…Với tốc độ này, các xe di chuyển còn chậm hơn cả trên Quốc lộ 1A.

Anh Trịnh Hồng Việt (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) cho biết, anh hay chạy xe ô tô cá nhân về quê trên cao tốc Bắc-Nam đoạn Cao Bồ-Mai Sơn-QL45 với chiều dài hơn 66 km. Dù luôn ý thức chấp hành chạy đúng tốc độ quy định tối đa 80 km/h, nhưng vì đường đẹp, lưu lượng xe vắng, tại một số thời điểm “nặng chân ga” một chút xe đã vọt lên gần 100 km/h.

“Thành thực mà nói, lái xe trên đường cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn-QL45 rất thông thoáng, đảm bảo khoảng an toàn nên xe chạy 90-100 km/h không phải là vấn đề đáng lo ngại. Tốc độ này nếu so với quy định tối đa 90 km/h tại đường quốc lộ hiện nay thì vẫn đảm bảo an toàn hơn nhiều. Tôi không hiểu sao cao tốc này mới làm xong mà lại hạn chế tốc độ như vậy, trong khi QL1A cho xe chạy đến 90 km/h”, anh Việt nêu thắc mắc.

Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây mới được đưa vào khai thác

Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây mới được đưa vào khai thác

Tương tự, anh Thế Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, từ Hà Nội xuôi về Nam, đoạn cao tốc Pháp Vân-Ninh Bình, xe thì đông mà được chạy từ 100-200km/h, trong khi đoạn cao tốc mới Cao Bồ-Mai Sơn-Quốc lộ 45 chỉ được tối đa 80 km/h dù lưu lượng xe ít hơn. Anh Thế Anh cho rằng, tốc độ đi trên cao tốc lại không bằng tốc độ chạy ở một số Quốc lộ.

"Đã là cao tốc thì phải đạt tiêu chuẩn cao tốc và tốc độ phải từ 100-120 km/h mới là cao tốc chứ. Nếu quy định tốc độ tối đa 80 km/h thì tốc độ thực tế chỉ đạt trên 60 km/h, vì không phải ai cũng đi với tốc độ tối đa, trong khi xe tải chở hàng nặng nên thường chạy chậm. Cao tốc nhưng có 2 làn đường, lại không có làn dừng khẩn cấp, xe trước đi chậm khiến xe phía sau cũng phải đi chậm theo, tự dưng đi trên cao tốc mà có khác gì đi đường Quốc lộ cũ đâu", anh Thế Anh nói.

Thực tế, không phải đến khi cao tốc Mai Sơn-QL45 đưa vào khai thác chủ phương tiện mới phản ánh về bất cập quy định tốc độ tối đa 80 km/h là quá chậm.

Cao tốc Nha Trang-Cam Lâm và Vĩnh Hảo-Phan Thiết cho phép ô tô chạy tối đa 80 km/h, tối thiểu 60 km/h. So với một số cao tốc khác đang khai thác, tốc độ này thấp hơn 20-40 km/h, điều này gây lãng phí, đồng thời còn làm tăng chi phí logistics hàng hóa.

Cao tốc Nội Bài-Lào Cai có những đoạn cũng quy định xe chạy 60 km/h.

Cao tốc Nội Bài-Lào Cai có những đoạn cũng quy định xe chạy 60 km/h.

Với những hạn chế từ một số tuyến cao tốc mới được Bộ GTVT đưa vào khai thác, nhiều người cho rằng, việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông ở nước ta còn nhiều bất cập, khi đường cao tốc quá hẹp, không có làn khẩn cấp, lại bị giới hạn tốc độ, cao tốc không có làn khẩn cấp…

“Mang tiếng là đường cao tốc nhưng lại không có làn dừng khẩn cấp, chạy xe rất nguy hiểm. Chưa kể, việc giới hạn tốc độ tối đa ở mức 80 km/h, thấp hơn cả Quốc lộ - 90 km/h đang khiến việc khai thác không hiệu quả, gây lãng phí rất nhiều thời gian và tiền của, xăng dầu", anh Nam-một lái xe đường dài bày tỏ.

Trước đó, tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận (dài 51 km) qua tỉnh Tiền Giang, khi đưa vào khai thác, tốc độ tối đa cũng chỉ 80 km/h khiến xe lưu thông chậm, việc khai thác như vậy là không hiệu quả.

"Tôi thường xuyên chở hàng từ miền Tây về TP Hồ Chí Minh, đi qua cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Phải thừa nhận rằng đường rất êm, chạy xe rất thích, nhưng người ta lại hạn chế tốc độ tốc độ tối đa chỉ còn 80 km/h với lý do chưa có làn khẩn cấp. Điều đó khiến tôi và nhiều tài xế khác cảm thấy rất ức chế về tâm lý khi di chuyển vì nhiều xe chạy “rùa bò” dàn hàng ngang cản hết đường. Có hôm gặp vụ tai nạn giao thông thì phải đợi từ sáng đến chiều chưa đi hết đoạn đường”, một lái xe cho hay.

Phải nâng tốc độ các tuyến cao tốc mới phát huy hiệu quả

Theo chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy, với xe ô tô, tốc độ trung bình theo thiết kế bây giờ là 100-120 km/h. Vì thế cao tốc để giới hạn tốc độ 120 km/h mới là hợp lý. Để thấp hơn, 80-90 km/h thì đừng gọi là cao tốc, cần thiết phải cho nghiên cứu rà soát lại để nâng lên 120 km/h khi đó mới phát huy hiệu quả suất đầu tư.

Nếu điều kiện cho phép thì nên nâng tốc độ để tránh lãng phí đầu tư, nâng cao hiệu quả khai thác, đồng thời phù hợp với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.

Nếu điều kiện cho phép thì nên nâng tốc độ để tránh lãng phí đầu tư, nâng cao hiệu quả khai thác, đồng thời phù hợp với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.

TS Nguyễn Xuân Thủy lấy ví dụ, tại Nhật Bản, nhiều tuyến đường hẹp với 4 làn xe, chiều rộng 3,5m hai làn mỗi bên, không có làn dừng khẩn cấp, vẫn cho tốc độ xe chạy tối đa 100 km/h, tối thiểu 60 km/h mà vẫn đảm bảo an toàn giao thông và rất hiếm khi xảy ra tai nạn.

"Với nước ta, các tuyến đường cao tốc chỉ nên làm 1 giai đoạn, ưu tiên trước cho các tuyến xương sống quốc gia, liên vùng. Nếu chúng ta làm 2 giai đoạn thì khi thi công giai đoạn 2 sẽ lại gây khó khăn ngay cho sự lưu thông xe cộ trên đoạn cao tốc giai đoạn 1, lãng phí 2 lần huy động nhân lực thi công, giải tỏa mặt bằng…Nhất là với tuyến cao tốc Băc-Nam là trục giao thông xương sống thì phải làm đồng bộ ngay. Làm cho tương lai, có nghĩa là số làn đường, tốc độ chạy xe, làn dừng khẩn cấp phải theo những chuẩn quốc tế, làm đến đâu hoàn thiện đến đó. Như vậy mới phát huy được hiệu quả", TS Nguyễn Xuân Thủy phân tích.

Đồng quan điểm, TS Tô Minh Hùng, nguyên giảng viên Đại học GTVT TPHCM cho rằng, trên các tuyến quốc lộ gần khu dân cư, các dòng phương tiện ô tô, xe máy chạy hỗn hợp qua các nút giao đồng mức, xung đột giao thông nhiều nên nếu chạy 90 km/h người cầm lái sẽ rất căng thẳng, nguy cơ tai nạn luôn tiềm ẩn.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuậnquá tải vì thiếu làn xe

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuậnquá tải vì thiếu làn xe

Còn trên đường cao tốc chỉ dành cho ô tô, không có nút giao đồng mức, nên xe lưu thông với tốc độ 100-120 km/h trong điều kiện đường thông thoáng là điều rất bình thường.

“Nếu đủ điều kiện, nâng được tốc độ của các tuyến cao tốc lên mức 100-120 km/h là điều rất tốt. Thực tế, xe ô tô được sản xuất hiện nay đáp ứng các điều kiện nghiêm ngặt về an toàn, vậy đã có đường cao tốc riêng ô tô chạy thì không lý do gì lại hạn chế tốc độ thấp quá mức như vậy. Bộ GTVT cần nghiên cứu phương án hợp lý hơn”, TS Tô Minh Hùng nói.

Thiếu làn đường vì… thiếu tiền, sẽ nghiên cứu nâng tốc độ lên mức hợp lý

Trước đó, lãnh đạo Bộ GTVT thừa nhận nguyên nhân khiến cao tốc thiếu làn dừng khẩn cấp là do...thiếu tiền. Trong bối cảnh nguồn lực kinh tế còn khó khăn, để phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn, bảo đảm hiệu quả đầu tư, Quốc hội và Chính phủ đã thông qua chủ trương phân kỳ đầu tư xây dựng một số tuyến với mặt cắt ngang 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80 km/giờ.

Theo giải thích của Bộ GTVT, các đoạn tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 1 đã được xây dựng theo điều kiện khai thác với tốc độ 100 - 120 km/h khi hoàn chỉnh. Tuy nhiên, trước mắt ở giai đoạn phân kỳ đầu tư với 4 làn xe không có làn dừng khẩn cấp toàn tuyến nên hạn chế tốc độ 80 km/h để đảm bảo an toàn giao thông.

Các tuyến cao tốc Bắc-Nam cần thiết phải cho nghiên cứu rà soát lại để nâng lên 120 km/h khi đó mới phát huy hiệu quả suất đầu tư.

Các tuyến cao tốc Bắc-Nam cần thiết phải cho nghiên cứu rà soát lại để nâng lên 120 km/h khi đó mới phát huy hiệu quả suất đầu tư.

Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, sau một thời gian đưa vào khai thác một số đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam, Cục Đường cao tốc Việt Nam đề xuất cho phép nâng tốc độ tối đa trên các tuyến đường cao tốc 4 làn xe hạn chế đã và sắp đưa vào khai thác lên 90km/h với một số loại xe, thay vì 80km/h như hiện nay.

Cụ thể: với các tuyến cao tốc 4 làn xe hạn chế đã đưa vào khai thác như Mai Sơn - Quốc lộ 45, Trung Lương - Mỹ Thuận, Cục Đường cao tốc kiến nghị nâng tốc độ tối đa lên 90 km/h đối với xe con, xe khách đến 30 chỗ (trừ xe buýt), xe tải đến 3,5 tấn. Các loại xe còn lại vẫn chạy theo tốc độ tối đa 80km/h như hiện nay.

Riêng đối với đoạn cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn do có một số đoạn cầu và đường đầu cầu không có dải phân cách giữa nên giữ nguyên tốc độ tối đa 80km/h như hiện nay.

Với các đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang xây dựng, chuẩn bị đưa vào khai thác với quy mô 4 làn xe hạn chế như: Vĩnh Hảo - Phan Thiết, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm…Cục Đường cao tốc kiến nghị phương án tổ chức giao thông để nâng tốc độ tối đa lên 90km/h đối với một số loại xe.

Phi Long/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nghich-ly-cao-toc-vua-thong-xe-chi-gioi-han-80-kmh-ql1-cu-cho-chay-90-kmh-post1038951.vov