Nghịch lý chứng khoán tăng siêu tốc, nhà đầu tư vẫn lỗ
Dù chứng khoán tăng như vũ bão với dòng tiền ồ ạt chảy vào thị trường nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn thua lỗ.
Chứng khoán tăng siêu tốc, dòng tiền ồ ạt chảy
Sau những dao động mạnh trước biến động của tình hình thế giới, chỉ số VN-Index có nhiều phiên giảm sâu. Thế nhưng, trong tháng 7 này, niềm tin trở lại mạnh mẽ với nhà đầu tư khi không chỉ VN-Index bứt phá mạnh mẽ mà còn cả dòng tiền ồ ạt chảy vào thị trường.
Đóng cửa phiên giao dịch 24/7, VN-Index dừng ở mức 1.521,02 điểm, tăng 8,71 điểm, tương đương 0,58% so với phiên trước đó. Còn nếu tính trong tháng 7 này, VN-Index đã tăng 144,95 điểm, tương đương 10,53%. Nhờ đó, vốn hóa thị trường sàn TP. Hồ Chí Minh có thêm 642.265 tỷ đồng (tương đương 24,7 tỷ USD).
Bên cạnh chỉ số VN-Index, một điểm tích cực rất lớn của thị trường không thể không nhắc tới chính là thanh khoản tăng vô cùng mạnh mẽ. Trong vài phiên gần đây, giá trị giao dịch riêng sàn TP. Hồ Chí Minh đều trên mốc 30.000 tỷ đồng, có phiên lên tới 38.000 tỷ đồng. Còn trong 24/7, có tới gần 1,5 tỷ cổ phiếu, tương đương 36.826 tỷ đồng được giao dịch thành công.
Cần phải nhấn mạnh rằng, trong năm 2024, giá trị giao dịch bình quân trên mỗi phiên giao dịch của VN-Index đạt 21.100 tỷ đồng. Nếu so sánh với giá trị bình quân mỗi phiên trong năm 2024, giá trị bình quân tuần này tăng tới 44,4%.
Trên sàn Hà Nội, tình trạng tích cực tương tự cũng đang diễn ra. Theo thống kê của HNX, tính bình quân trong tháng 6, khối lượng giao dịch đạt 93,69 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 20,02% và giá trị giao dịch tăng 35,26% đạt 1.685 tỷ đồng/phiên.

Theo thống kê của HNX, tính bình quân trong tháng 6, khối lượng giao dịch đạt 93,69 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 20,02% và giá trị giao dịch tăng 35,26%, đạt 1.685 tỷ đồng/phiên. Ảnh minh họa.
Điểm nhấn là phiên giao dịch ngày 13/6/2025 khi khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch cao nhất tháng với gần 160 triệu cổ phiếu, tương đương 2.700 tỷ đồng được giao dịch.
Dòng tiền ồ ạt chảy vào thị trường đã được báo hiệu trước khi trong tháng 6, thị trường ghi nhận mức tăng 198.622 tài khoản cá nhân mới trong nước, lên hơn 10,2 triệu đơn vị.
Nhiều cổ phiếu vẫn suy giảm
Có thể thấy, hai yếu tố quan trọng nhất của thị trường chứng khoán là điểm số tăng và thanh khoản tăng đang cùng lúc xuất hiện tạo nên tín hiệu rất tích cực. Thế nhưng, có một nghịch lý đang xảy ra. Đó chính là trong khi nhiều cổ đông “hốt bạc” nhờ đà tăng này thì không ít trong số đó vẫn thua lỗ.
Trước sự phục hồi của ngành du lịch và sự có mặt của cổ đông mới tại Vietravel, Vietravel sẽ có kỳ vọng bứt phá. Chính vì vậy, đầu năm nay, chị Thu Linh, một nhà đầu tư chứng khoán lâu năm đã mua cổ phiếu VTR với mức giá bình quân khoảng 20.000 đồng/CP (giá sau điều chỉnh) để “đón sóng”. Đóng cửa phiên giao dịch 24/7, VTR dù tăng nhẹ lên 18.700 đồng/CP so với phiên trước đó nhưng vẫn giảm theo giá bình quân mua vào của chị. Hiện tại, chị đang lỗ 1.300 đồng/CP, tương đương 6,5%. Chị Linh cho biết, phần thua lỗ này không quá lớn nhưng so với đà tăng mạnh của VN-Index thì chị khá thiệt thòi.

Trong khi nhiều cổ đông “hốt bạc” nhờ đà tăng này thì không ít trong số đó vẫn thua lỗ. Ảnh minh họa.
Ngoài ra, một khoản thua lỗ nữa mà chị Linh phải gánh chính là phí giao dịch đã được công ty chứng khoán điều chỉnh tăng. “Tôi lỗ đơn lỗ kép khi thị trường chứng khoán bùng nổ”, chị Linh kết luận.
VTR không phải mã hiếm hoi khiến nhà đầu tư âm tiền. Rất nhiều mã suy giảm trong tháng 7 như BAF, APF, GEE, DRC,…
Anh Lê Khanh, nhà đầu tư chứng khoán có 16 năm kinh nghiệm đánh giá việc VN-Index tăng mạnh nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn thua lỗ là… bình thường. Chỉ tính trong tháng 7 này, đà tăng tập trung chủ yếu vào blue-chips (cổ phiếu lớn) mà cụ thể là cổ phiếu bất động sản, ngân hàng, ít dành tín hiệu tốt cho mid-caps (cổ phiếu cỡ vừa) hay Penny (cổ phiếu nhỏ).
Điều này được thể hiện rõ qua tốc độ tăng của VN30-Index (đại diện cho nhóm cổ phiếu lớn) cao vượt trội so với VN-Index.
Trả lời nguyên nhân cho nghịch lý này, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán MBKE lý giải nguyên nhân đơn giản vì dòng tiền phải tập trung vào blue-chips thì thị trường mới lên được, cổ phiếu nhỏ khó có thể thúc đẩy thị trường đi lên. Thông thường, cổ phiếu nhỏ khi giảm sàn hoặc sideway (đi ngang) thì mới dễ chơi hơn.
Về bất động sản, VIC của Tập đoàn Vingroup là cái tên nổi trội nhất khi duy trì được đà tăng mạnh trong suốt thời gian dài. Trong vài phiên gần đây, VIC đã trở lại “câu lạc bộ cổ phiếu có thị giá trên 100.000 đồng”. Đóng cửa phiên chứng khoán 24/7, VIC đạt 116.400 đồng/CP. Vốn hóa thị trường Vingroup có thêm hơn 50.000 tỷ đồng.
Còn tính từ đầu năm đến nay, VIC có hành trình dài đáng tự hào và mang lại nhiều lợi ích cho cổ đông khi tăng 75.850 đồng/CP, tương đương 187%. Vốn hóa thị trường Vingroup có thêm hơn 10 tỷ USD.
Giá vật liệu xây dựng tăng mạnh trong thời gian gần đây góp phần thúc đẩy đà hưng phấn của cổ phiếu ngành này mà HPG của Tập đoàn Hòa Phát là đại diện điển hình nhất. Trong tháng 7, cổ phiếu HPG tăng 3.300 đồng/CP, tương đương 14,5% so với phiên cuối cùng của tháng 6. Nhờ đó, vốn hóa thị trường Tập đoàn này có thêm 25.329 tỷ đồng.