Nghịch lý chuyện khán giả trẻ mở… 'hầu bao': Từ chối, cả khi có cơ hội
Trong thời đại hội nhập văn hóa, các hình thức biểu diễn sân khấu dân gian ngày càng ít nhận được sự quan tâm từ công chúng, đặc biệt là giới trẻ.
Nếu thị trường âm nhạc quốc tế đang ngày càng thu hút, hấp dẫn khiến người trẻ “vô tư” mở hầu bao chịu chi, chịu chơi thì với nghệ thuật truyền thống họ lại thẳng thắn từ chối, kể cả khi có cơ hội thưởng thức…
Thờ ơ, ngó lơ
Nghệ thuật truyền thống là cách gọi để chỉ các loại hình sân khấu tuồng, chèo, cải lương... Trong thời đại hội nhập văn hóa, các hình thức biểu diễn sân khấu dân gian đang ngày càng ít nhận được sự quan tâm từ công chúng, đặc biệt là giới trẻ.
Tình trạng này khiến nhiều người lo ngại, rằng phải chăng những loại hình nghệ thuật dân gian đang ngày càng mai một, khi các sân khấu “đi tìm” người đến thưởng thức đã khó chứ chưa nói đến có người kế thừa.
Không phải người hâm mộ nhưng vẫn sẵn sàng chi tiền mua vé xem BlackPink với mức giá 3,8 triệu đồng, Mai Ngọc cho hay, bản thân cô có biết về những chương trình nghệ thuật truyền thống vì có thấy trên truyền hình, và nếu có cơ hội đến xem thử một lần (với giá vé dao động từ 100 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng – chưa bằng 1/10 giá vé của BlackPink) cô cũng sẽ từ chối.
“Tôi từng thấy nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương trên tivi nhưng không quá quan tâm đến chúng. Và tôi cũng cảm thấy không sẵn sàng chi trả để đi xem vì không có hứng thú với các buổi biểu diễn đó”, Mai Ngọc thẳng thắn chia sẻ.
Đối với Khánh Vân, người không sẵn sàng chi tiền để đi xem concert BlackPink cũng đưa ra câu trả lời khá dứt khoát khi bày tỏ về việc không có hứng thú với các loại hình nghệ thuật truyền thống: “Tôi không quan tâm đến những buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống vì thực sự chưa bao giờ tôi thích. Và tôi nghĩ, mình cũng không muốn đi xem nếu được rủ”.
Không chỉ riêng Mai Ngọc và Khánh Vân, mà phần nhiều bạn trẻ khi được hỏi đều đưa ra ý kiến chung rằng dù có cơ hội cũng sẽ không có ý định đi xem một buổi diễn nghệ thuật dân gian. Lý do đơn giản là “Không thích, không có hứng thú”.
Nếu thực sự hứng thú…
Tuy nhiên, vẫn có bạn trẻ tò mò với nghệ thuật truyền thống. Chẳng hạn Thảo Phương (là người hâm mộ BlackPink), cho biết, dù có niềm đam mê rất lớn với âm nhạc quốc tế, bản thân cô vẫn hứng thú và cũng mong muốn tìm hiểu thêm về những loại hình nghệ thuật dân tộc.
Nhưng có vẻ như mong muốn chưa đủ để thành động lực, vì khi được hỏi nếu bạn rủ, có sẵn sàng đi xem một chương trình nghệ thuật dân gian hay không, cô cho biết điều này vẫn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: “Chắc tôi phải cân nhắc thêm. Vì còn tùy thuộc vào thời gian, lịch trình cá nhân và quan trọng hơn là loại hình nghệ thuật đó là gì nữa. Vì có nhiều loại hình khá là khó để có thể cảm nhận được cái hay của nó, mà bản thân tôi cũng không muốn tham gia một buổi biểu diễn mà mình không hiểu, không có ấn tượng”.
Nhưng bên cạnh đó, vẫn có những bạn trẻ như Vũ Mai (22 tuổi, Hà Nội) – được ảnh hưởng niềm yêu thích nghệ thuật truyền thống từ bà của mình và là một cá nhân ham học hỏi - vô cùng hào hứng nếu có cơ hội được trải nghiệm một buổi diễn trực tiếp cùng bà: “Thực sự khoảng giá từ 100 đến 300 nghìn đồng không phải là cao đối với một buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Chắc có lẽ tôi sẽ lưu tâm về vấn đề này và đưa bà mình đi xem khi có thời gian.
Bản thân tôi cũng muốn nhân cơ hội này trau dồi thêm vốn hiểu biết của mình. Theo tôi, đây cũng là một cách để cải thiện khoảng cách thế hệ, có thể giúp tôi gần gũi với ông bà của mình hơn”.
Có thể thấy, trong khi đa số người trẻ không dành sự quan tâm cho những chương trình dân gian thì ở đó vẫn có một số cá nhân sẵn sàng mở “hầu bao” với nghệ thuật truyền thống nhưng với điều kiện họ được tiếp cận một cách đúng đắn, được truyền cảm hứng từ những người xung quanh và hiểu được ý nghĩa sâu sắc cũng như giá trị nghệ thuật của loại hình biểu diễn dân gian với nền văn hóa nước nhà.
Những yếu tố khách quan dẫn đến đa số giới trẻ có ít sự quan tâm với nghệ thuật dân tộc là không có nhiều cơ hội tiếp cận, khó cảm nhận được cái hay, giá trị của loại hình nghệ thuật đó cũng như do khoảng cách thế hệ và do xung quanh có quá nhiều sự lựa chọn “dễ cảm” hấp dẫn hơn. Cũng từ đó, khi vốn đã không có niềm yêu thích, quả thực là rất khó để có thể dễ dàng thúc đẩy việc chi tiền, mua vé thưởng thức.
Sự từ chối dứt khoát của khán giả trẻ và phải cạnh tranh với các loại hình nghệ thuật hiện đại không chỉ trong nước mà cả quốc tế như hiện nay lại khiến việc tiếp cận khán giả của nghệ thuật truyền thống khó chồng khó. Nhất là, hành trình tìm chỗ đứng trong lòng công chúng trẻ tuổi nói riêng xem ra còn gian nan...
Phải chăng, văn hóa thần tượng của khán giả trẻ Việt Nam có chiều “sính ngoại”? Lý giải thế nào về thực tế này? Mời đón đọc kỳ 3!
“Đối với tôi, nội dung của buổi trình diễn nghệ thuật quan trọng hơn giá vé vào cửa. Vé concert BlackPink lên tới 3,8 triệu đồng tôi còn có thể chi trả được thì 100 - 300 nghìn đồng cho một lượt đến với đêm biểu diễn chương trình nghệ thuật truyền thống không phải vấn đề phải lăn tăn, cân nhắc nếu như thực sự có hứng thú với buổi biểu diễn đó” - Thảo Phương (Hà Nội).