Nghịch lý có tiền mà không tiêu được
Mặt trận kinh tế đã chính thức được mở cửa lại sau hơn ba tuần cách ly xã hội. Giờ là lúc cần phải tìm cach giải ngân được 700 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư công còn lại một cách hiệu quả.
Ngay từ khi cả nước đang căng mình chống dịch, nhiều hoạt động xã hội – kinh tế bì đình đốn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc nhở về việc cần phải khơi thông nguồn lực sẵn có cho phát triển kinh tế.
Ông nói, còn khoảng 30 tỷ USD vốn đầu tư công (gần 700 nghìn tỷ đồng) cần giải ngân trong năm nay, bao gồm vốn ngân sách Nhà nước và vốn vay. “Câu hỏi đặt ra là làm sao giải ngân hết số vốn này”, ông đặt câu hỏi trăn trở.
Tại kỳ họp cuối năm 2016, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 với tổng số tiền khoảng 2 triệu tỷ đồng được huy động từ nhiều nguồn khác nhau.
Nghị quyết khẳng định, nguồn lực tài chính đó nhằm hoàn thiện cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.
Mục tiêu tốt đẹp đó đã bị thách thức nhiều khi nhìn vào con só: trong suốt 4 năm qua mới chỉ tiêu được có 2/3 số vốn dành cho đầu tư công, và 1/3 còn lại là rất thách thức trong năm 2020 này. Tình trạng chậm giải ngân đầu tư công đã nổi lên là một trong những nút thắt của nền kinh tế và đã được thảo luận nhiều lần trong suốt các năm vừa qua.
Thủ tướng nhấn mạnh: Lần này có chế tài mạnh như thế nào để giải quyết dứt điểm vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, phải kỷ luật như thế nào, điều chuyển vốn như thế nào?
Từ đầu năm đến nay, Thủ tướng đã có nhiều tuyên bố mạnh mẽ, nhiều cuộc họp yêu cầu phải thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Người đứng đầu Chính phủ coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và có ý nghĩa quan trọng nhất để bù đắp phần thiếu hụt tăng trưởng do tác động của dịch Covid-19.
Trong phiên họp với các bộ, ngành và địa phương, Thủ tướng gửi thông điệp mạnh mẽ: “Các đồng chí Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, chủ đầu tư các dự án nếu không giải ngân vốn đầu tư công đúng thời hạn, quy định thì sẽ bị xử lý hành chính”.
Vì sao đầu tư công lại trở nên quan trọng như vậy, nhất là trong bối cảnh này? Năm 2020, dự toán ngân sách nhà nước cho chi đầu tư phát triển là 470 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, tổng số vốn đầu tư toàn xã hội năm 2019 là 2 triệu tỷ đồng. Như vậy, vốn đầu tư công chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chưa kể hơn 200 nghìn tỷ đồng vốn năm 2019 chuyển sang.
Dịch bệnh hoành hành đã khiến trong quý I/2020, nguồn vốn của khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chứng khiến sự suy giảm. Cho nên nguồn vốn đầu tư công đang được trông đợi có thể tạo ra nhiều tác động lan tỏa cho các khu vực khác, hỗ trợ tăng trưởng.
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư công giải ngân thêm được 1%, thì làm cho GDP tăng 0,06 điểm phần trăm.
Theo dõi đà giải ngân những năm vừa qua, vốn đầu tư công đều không giải ngân hết 100%, năm cao nhất cũng chỉ ở mức 92-93%, khiến đầu tư công luôn trong cảnh có tiền không tiêu được. Do vậy, nếu năm 2020, vấn đề này được khắc phục, giải ngân hết 100% vốn đầu tư công thì sẽ góp phần làm cho GDP tăng thêm.
Ngoài ra, vốn đầu tư công chủ yếu đổ vào các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, do vậy sẽ tạo ra không ít công ăn việc làm và thu nhập cho các thành phần kinh tế khác. Bên cạnh đó, khi hạ tầng được cải thiện, nhiều ngành kinh tế sẽ được hưởng lợi. Đơn cử, nếu nhà ga T3 Tân Sơn Nhất được quyết định đầu tư, tình trạng tắc nghẽn ở sân bay này sẽ được giải tỏa đáng kể. Khi dịch bệnh qua đi, cảng hàng không Tân Sơn Nhất sẽ đủ sức chuyên chở lượng hành khách tăng lên sau một thời gian đình trệ.
Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính cho thấy, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư năm 2020 của các bộ, ngành, địa phương đến hết ngày 31/3 là hơn 61.591 tỷ đồng, đạt 13,09% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Con số giải ngân này có tín hiệu tích cực hơn so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ đạt đạt 12,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) song tổng thể vẫn chưa đạt như mong muốn. Vẫn còn có tới 21 bộ, ngành gần như chưa giải ngân được kế hoạch vốn (tỷ lệ giải ngân đạt dưới 1%) và 29 bộ, ngành, 1 địa phương có số giải ngân đạt dưới 5%.
Với việc Luật Đầu tư công sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2020 và nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, tình hình giải ngân vốn đầu tư công được trông đợi sẽ khởi sắc hơn.
Nhưng đi cùng với tiến độ giải ngân, vấn đề hiệu quả dòng vốn đầu tư công cũng phải được coi trọng không kém. Theo tính toán của ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số ICOR) của Việt Nam năm 2019 ở mức 5,9 (có nghĩa để có 1 đồng tăng trưởng thì phải bỏ ra 5,9 đồng vốn). Đó là con số vẫn còn cao, phản ánh đầu tư chưa đạt hiệu quả tốt. Lãnh đạo Tổng cục Thống kê thấy rằng: Nếu hệ số ICOR giảm 0,5 thì GDP tăng 0,64 điểm phần trăm. Hệ số ICOR năm 2019 ở mức 5,9, nếu giảm còn 4,9 thì GDP tăng thêm 1,12%.
Do đó, phải đặc biệt chú ý đến hiệu quả dòng vốn đầu tư công bên cạnh đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Việc giải ngân ồ ạt, vội vã để lấy thành tích sẽ không mang lại ích lợi cho nền kinh tế, thậm chí là có hại. Những dự án nằm dở dang, đắp chiếu từ năm này qua năm khác tồn tại suốt những năm qua là bài học cảnh báo cho đầu tư công năm 2020 cũng như các năm tiếp theo.
Dịch Covid–19 làm nguồn vốn của khu vực ngoài nhà nước và vốn FDI suy giảm. Lúc này, khơi thông dòng vốn đầu tư công lên tới gần 700 nghìn tỷ đồng sẽ góp phần hỗ trợ tăng trưởng, tạo sức lan tỏa đến nhiều ngành nghề khác.