Nghịch lý công chứng công – tư: Công chứng tư bị 'trói'

Ngoài chuyện phí tăng quá cao, một số ràng buộc về luật pháp cũng như thói quen của không ít cơ quan, viên chức cũng đang gây nhiều khó khăn cho các văn phòng công chứng (VPCC) vừa ra đời ở TP.HCM...

“Không biết mấy ông này làm có bảo đảm không”

Tại TP.HCM, đến nay có 8 VPCC được UBND TP.HCM cho phép thành lập và tất cả đều đã nộp hồ sơ xin phép hoạt động, trong đó 5 VPCC chính thức khai trương đi vào hoạt động. Sự ra đời của VPCC đã làm cho diện mạo ngành công chứng nói chung có nhiều thay đổi. Các VPCC đều hoạt động với tiêu chí làm hết việc chứ không phải làm hết giờ. Thêm vào đó là phương thức hoạt động khá linh hoạt, thái độ phục vụ tận tình, chu đáo, nhiều VPCC không chỉ giữ xe miễn phí, mà khách đến liên hệ còn được phục vụ miễn phí cà phê, nước uống... Thế nhưng, đến nay lượng khách đến các VPCC chưa nhiều, trung bình một VPCC chỉ được vài chục khách hàng/ngày, quá ít so với năng lực.

... công chứng tư lại quá thừa năng lực - ảnh: L.Nga

Ngoài lý do công tác quảng bá thương hiệu của các VPCC còn yếu, cũng có không ít người còn chưa tin tưởng vào VPCC, dù luật quy định trách nhiệm cũng như chức năng, nhiệm vụ của công chứng công và tư không có gì khác biệt, giá trị pháp lý văn bản họ ký là như nhau. Ông Trần Quốc Phòng, Trưởng VPCC Gia Định kể: “Có khách hàng đem hợp đồng công chứng ở VPCC đi đăng ký giao dịch đảm bảo thì một cán bộ “phán”: “Có công chứng tư à. Cái này nghe lạ quá. Không biết mấy ông này làm có bảo đảm không”, và lắc đầu: “Cán bộ cơ quan nhà nước còn vậy, hỏi làm sao dân không nghi ngại”.

Còn theo ông Lê Hồng Sơn, Trưởng VPCC Sài Gòn, trong quy chế của ngân hàng lâu nay quy định hồ sơ thế chấp, cầm cố phải được công chứng tại PCC, nay có thêm VPCC nhưng quy chế đó vẫn chưa thay đổi nên các giao dịch liên quan đến ngân hàng người ta không đến VPCC. “Thậm chí, đã có ngân hàng kiên quyết không chấp nhận hợp đồng do VPCC ký. Cái lệ này đã khiến các VPCC mất hẳn một lĩnh vực hoạt động”, ông Sơn bức xúc.

Luật “trói”

Việc TP.HCM quy định các VPCC phải ký quỹ 100 triệu đồng (để bồi thường khi có rủi ro xảy ra - PV), theo nhiều VPCC là không cần thiết. Thực tế, để đảm bảo lòng tin với khách hàng, hầu hết các VPCC trên địa bàn khi đi vào hoạt động đều đăng ký mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp với mức bồi thường lên đến 2 tỉ đồng, gấp 20 lần số tiền yêu cầu ký quỹ. “Nên để các VPCC tự quyết định mức bảo hiểm theo như Luật Công chứng, chứ không nên bắt nộp tiền ký quỹ. Tất nhiên, VPCC muốn tạo uy tín không thể mua bảo hiểm thấp, bởi khi ký các giao dịch giá trị lớn người dân sẽ có sự chọn lựa ai chất lượng, uy tín, bảo hiểm tốt thì làm”, trưởng một VPCC nói.

Khoản 2 điều 32 Luật Công chứng quy định: “Chế độ làm việc của tổ chức hành nghề công chứng theo ngày, giờ làm việc của cơ quan hành chính nhà nước”. Một Trưởng VPCC ở TP.HCM nhận xét: “Các VPCC mở ra đều hoạt động theo tiêu chí làm hết việc chứ không hết giờ. Nhưng luật quy định như vậy, nếu làm ngoài giờ hành chính chẳng ra là vi phạm luật?!”. “Việc lập di chúc không thể chờ đến giờ hành chính mà có thể được thực hiện bất cứ lúc nào khi người lập di chúc yêu cầu. Việc người dân yêu cầu mình công chứng thì được rồi, nhưng nếu sau này khi có một sự kiện pháp lý phát sinh, lấy văn bản công chứng này ra, căn theo luật thì nguy cơ tòa tuyên vô hiệu có thể xảy ra, thiệt thòi sẽ về phía người dân. Tôi nghĩ Bộ Tư pháp cần sớm có hướng dẫn cụ thể”, ông Phan Văn Cheo, nguyên Trưởng PCC số 1, TP.HCM, đề xuất.

Một khó khăn hiện nay mà các công chứng viên vẫn gặp là chưa có hệ thống dữ liệu chung kết nối các PCC và VPCC tại TP.HCM. Hiện nay, các đơn vị công chứng chỉ có thể tham khảo thông tin bất động sản bị ngăn chặn trên mạng thông tin ngăn chặn của Sở Tư pháp, còn tài sản đó có ký mua, bán, tặng cho... ở đơn vị công chứng nào chưa thì không thể biết.

Lê Nga

Nguồn Tiền Phong: http://www.thanhnien.com.vn/news/Pages/200848/20081125003051.aspx