Nghịch lý giá xăng dầu giảm trước, hàng hóa vẫn 'không bước' theo sau
ĐBP - Sau thời gian dài neo giữ ở mức cao, giá xăng trong nước chiều 21/7 giảm về mốc 26.000 đồng/lít, bằng giá xăng tháng 2. Giá xăng, dầu liên tiếp giảm gần đây đã giúp chi phí đầu vào sản xuất của một số ngành giảm bớt áp lực. Thông thường giá xăng dầu sẽ tỷ lệ thuận với giá hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, sau 2 lần xăng dầu giảm giá sâu nhưng giá cước hàng hóa, dịch vụ không có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí một số mặt hàng vẫn tiếp tục tăng giá.
Các sản phẩm rau xanh vẫn giữ nguyên giá. Trong ảnh: Người dân mua rau, củ quả tại Chợ Mường Thanh.
Bắt đầu từ 15h ngày 21/7, giá xăng E5 RON 92 giảm thêm 2.710 đồng/lít; RON 95 giảm 3.600 đồng/lít. Tương tự, giá các loại dầu cũng giảm dao động gần 1.200 đồng đến hơn 1.700 đồng/lít (kg), . Như vậy, hiện xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 25.070 đồng/lít, xăng RON 95 là 26.070 đồng/lít, dầu diesel là 24.850 đồng/lít, dầu hỏa 25.240 đồng/lít, dầu mazut 16.540 đồng/kg. Trước đó, tại kỳ điều chỉnh giá ngày 11/7, xăng E5 RON 92 giảm 3.103 đồng/lít, còn xăng RON 95 giảm 3.088 đồng/lít, dầu diesel giảm 3.022 đồng/lít, dầu hỏa giảm 2.008 đồng/lít, dầu mazut giảm 2.010 đồng/kg. Sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 27.788 đồng/lít, xăng RON 95 là 29.675 đồng/lít, dầu diesel là 26.593 đồng/lít, dầu hỏa 26.345 đồng/lít, dầu mazut 17.712 đồng/kg. Đây là 2 lần giảm giá cao nhất của xăng dầu tư đầu năm đến nay.
Trước đây hàng hóa, dịch vụ đồng loạt tăng giá mạnh với lý do chi phí đầu vào tăng(giá xăng dầu tăng), trong những ngày qua khi giá xăng dầu giảm người tiêu dùng rất phấn khởi và kỳ vọng sẽ kéo theo giá hàng hóa, dịch vụ giảm. Tuy nhiên, sau nhiều ngày điều chỉnh giá xăng dầu nhưng phí vận tải, dịch vụ và giá hàng hóa vẫn “đứng im”.
Xăng dầu là nguyên liệu đầu vào quan trọng, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các công ty, nhà xe vận tải khách. Do đó, khi giá xăng dầu giảm sau thời gian dài “lên đỉnh” là tín hiệu mừng đối với các công ty vận tải.
Ông Nguyễn Trung Quân, chủ nhà xe Trung Quân chuyên chạy tuyến nội tỉnh Điện Biên – Tủa Chùa cho biết: Giá xăng, dầu liên tục tăng mạnh thời gian qua và duy trì trên mức 30.000 đồng/lít nhiều ngày, khiến các đơn vị vận tải khốn đốn. Việc giá xăng giảm còn 26.000 đồng/lít và dầu còn gần 25.000 đồng/lít là tín hiệu vui đối với các nhà xe, các đơn vị vận tải. Trước đây, mỗi tháng, chi phí xăng dầu bị đội lên nhiều, các doanh nghiệp vận tải rất khó khăn, nếu không chạy thì mất khách, không có chi phí hoạt động, không giữ chân được người lao động song nếu chạy đều thì có thời điểm càng chạy càng lỗ. Giá xăng dầu giảm lần này giúp chúng tôi cân đối được thu chi. Tuy nhiên, về giá vé, cước phí gửi hàng vẫn chưa thể điều chỉnh giảm. Hiện nay, nhà xe vẫn đang thu giá vé 110.000 đồng/khách tuyến Điện Biên – Tủa Chùa (tăng 20.000 đồng so với thời điểm tháng 2); 90.000 đồng/khách tuyến Điện Biên – Tuần Giáo (tăng 20.000 đồng/khách so với trước). Tương tự, cước gửi hàng cũng tăng từ 10.000 – 20.000 đồng/gói hàng (tùy từng loại hàng hóa).
Thời gian xăng dầu tăng giá cao khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng gặp khó khăn bởi giá vật liệu xây dựng và dịch vụ vận tải tăng. Tuy nhiên, sau hơn 2 tuần xăng dầu giám giá, theo phản ánh của nhiều công ty, doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn giá cả hàng hóa và dịch vụ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Ông Đỗ Duy Tuân, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng và thương mại Hải Lộc cho biết: Thời gian qua, giá xăng dầu tăng cao kéo theo giá thành các loại vật liệu xây dựng như: Thép, đá, cát, gạch, xi măng… cũng tăng theo, đặc biệt là giá cước vận tải vật liệu tăng gấp 2 lần so với trước khiến hoạt động xây dựng của đơn vị gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, vật liệu xây vẫn đang giữ giá, tăng từ 10 – 30% so với hồi đầu năm và cước vận tải vẫn đang giữ mức 800.000 đồng/tấn đối với tuyến Điện Biên – Tủa Chùa, gấp 2 lần giá cước đợt tháng 2/2022 (thời điểm giá xăng 26.000 đồng/lít).
Không chỉ có cước phí vận tải mà giá hàng hóa, dịch vụ thông thường vẫn đang duy trì mức cao, chưa giảm giá theo điều chỉnh giá xăng dầu. Hơn 1 tháng nay, quán bún phở Cường Phương (phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ) đã đặt bảng thông báo: Do giá cả một số nguyên liệu đầu vào tăng cao nên quán quyết định tăng giá bán các sản phẩm, dịch vụ ăn sáng. Mong quý khách thông cảm. “Giá nguyên vật liệu tăng buộc quán phải tăng giá bán nếu không sẽ bị thua lỗ. Hiện nay, tuy giá xăng dầu đã điều chỉnh giảm nhiều song giá các loại rau, củ quả, thịt bò, lợn, gà… vẫn chưa có động thái giảm giá nên quán chúng tôi vẫn chưa thể giảm giá bán” - anh Cường, chủ quán phở Cường Phương chia sẻ. Tương tự, nhiều quán ăn sáng trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ đã tăng giá bán từ 5.000 – 10.000 đồng/bát.
Qua khảo sát tại một số chợ dân sinh, truyền thống và siêu thị cho thấy, giá cả hầu hết các mặt hàng hiện vẫn ở mức của thời điểm xăng trên 30.000 đồng/lít. Chị Nguyễn Thị Ngần, chủ sạp rau, củ quả tại chợ Mường Thanh cho biết: Hiện nay, các sản phẩm rau xanh tại chợ vẫn đang đứng nguyên giá. Nhiều loại rau xanh phụ thuộc phần lớn vào thời tiết. Thời gian vừa qua mưa ngập khiến rau củ khan hàng, dẫn đến giá tăng vọt. Tôi nghĩ khó có thể điều chỉnh giá rau xanh khi nguồn cung khan hiếm.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng tiêu dùng có dấu hiệu tăng giá. Anh Vũ Văn Ngọc, chủ cửa hàng tạp hóa Thanh Luông (xã Thanh Luông, huyện Điện Biên) cho biết: “So với thời điểm sau tết Nguyên đán, hiện nay giá cả các mặt hàng tiêu dùng đều đã tăng từ 8 – 10% và chưa có dấu hiệu giảm giá, cá biệt như giá dầu ăn tăng cao nhất từ 10-12%. Từ thời điểm tháng 2 đến nay, giá cả hàng hóa liên tục tăng, lô sau nhập giá cao hơn lô trước”.
Lý giải nguyên nhân tăng giá các mặt hàng tiêu dùng, anh Ngọc cho biết: Giá xăng dầu tăng khiến cước vận tải tăng đồng thời giá nhập hàng tại các nhà cung ứng vẫn ở mức cao nên giá bán các mặt hàng chưa thể giảm. Hơn nữa, giá xăng dầu liên tục tăng cao từ đầu năm khiến các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bù lỗ nên xăng dầu giảm 1 – 2 phiên gần đây chưa phản ánh lên nhiều điều, việc giảm giá bán các mặt hàng ngay là chưa thể”.
Trước những bất cập trên đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để có giải pháp hữu hiệu bình ổn thị trường và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.