Nghịch lý giáo viên nghỉ lễ phải dạy bù, giám hiệu trực trường có thu nhập
Nói là nghỉ lễ nhưng giáo viên- những người lao động trong ngành giáo dục chưa bao giờ được nghỉ lễ đúng theo hướng dẫn của các văn bản pháp luật hiện hành.
Năm nay, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 rơi vào những ngày cuối tuần nên đa phần các trường học được nghỉ dạy và học từ ngày 30/4 đến hết ngày 3/5. Việc thầy và trò các nhà trường nghỉ lễ được xem là rất bình thường vì điều này đã được luật pháp cho phép.
Tuy nhiên, điều bất cập mà hàng chục năm qua ngành giáo dục vẫn chưa giải quyết được, đó là thầy và trò các trường phổ thông nghỉ học ngày nào, tiết nào thì phải dạy bù, học bù tiết đó.
Thành ra, mang tiếng là được nghỉ lễ nhưng nghỉ mà lại cũng như không nghỉ, thậm chí còn gây khó khăn, mệt mỏi cho cả thầy và trò ở các nhà trường vào các ngày cuối tuần khi phải dạy bù, học bù.
Giáo viên chỉ có nghỉ Tết Nguyên đán là không phải dạy bù
Trong các ngày lễ mà người lao động được nghỉ hiện nay là ngày Giỗ tổ Hùng Vương; ngày 30/4 và 1/5; ngày Quốc khánh 2/9; Tết Dương lịch; Tết Nguyên đán thì chỉ có những ngày nghỉ Tết Nguyên đán là giáo viên không phải dạy bù.
Không chỉ ngày lễ mà nếu như trong gia đình giáo viên có việc hiếu, hỉ, vợ sinh con…dù được nghỉ theo Luật nhưng nếu nghỉ mà nhà trường không bố trí được người dạy thay thì giáo viên nghỉ xong cũng phải dạy bù.
Giáo viên không may bị bệnh tật, ốm đau đột xuất vài ngày, sau khi khỏi bệnh cũng đều phải dạy bù.
Bởi, phần lớn giáo viên trong tổ, trong khối thì họ cũng phải đảm nhận lớp dạy của họ nên việc phân công giáo viên dạy thay thường rất khó khăn, nhất là đối với cấp tiểu học.
Trong khi đó, đối với các ngành nghề khác khi được nghỉ lễ là được nghỉ luôn hoặc đi làm thì được trả tiền lương làm thêm giờ. Nhưng, những người lao động trong ngành giáo dục mà trực tiếp là những thầy cô giáo đứng lớp thì lại hoàn toàn ngược lại.
Đây rõ ràng là những thiệt thòi cho những thầy cô giáo đang làm công tác giảng dạy tại các nhà trường công lập. Vì khi họ đã dạy bù cũng đồng nghĩa là họ không được nghỉ ngày lễ bởi việc dạy bù ở ngành giáo dục lâu nay được xem là công việc bắt buộc mà không được tính tiền làm thêm giờ.
Vì thế, nói là nghỉ lễ nhưng thực tế là giáo viên- những người lao động trong ngành giáo dục chưa bao giờ được nghỉ lễ đúng theo hướng dẫn của các văn bản pháp luật hiện hành.
Lãnh đạo trực ngày lễ thì có tiền làm thêm giờ
Những ngày nghỉ lễ, các trường học thường phân công các thành viên Ban giám hiệu và bảo vệ trực trường. Và, những người tham gia trực trường thì họ được hưởng chế độ làm thêm giờ theo hướng dẫn của Luật Lao động.
Như vậy, chúng ta có thể thấy là trong một trường học nhưng nó đã xảy ra sự bất cập. Lãnh đạo trực ngày lễ thì được tính tiền làm thêm giờ nhưng giáo viên dạy bù ngày lễ thì không có chế độ làm thêm giờ. Trong khi, Luật cho phép người lao động được nghỉ các ngày lễ theo quy định.
Ngày dạy bù thường rơi vào ngày thứ Bảy hoặc Chủ nhật nên lãnh đạo nhà trường thích thì vào, không thích vào thì cũng chẳng ai bắt bẻ được họ.
Trong khi, việc dạy bù, dạy dồn vào những ngày cuối tuần thường được các nhà trường thực hiện vào trước hoặc sau các ngày lễ và luôn tạo ra những áp lực mệt mỏi cho cả giáo viên và học sinh.
Bởi vì, khi xếp thời khóa biểu dồn tiết vào ngày thứ Bảy cũng đồng nghĩa là số tiết phải tăng lên, học sinh phải học thêm nhiều tiết trong buổi học hoặc phải học trái buổi.
Nếu xếp dạy bù vào ngày Chủ nhật thì cả thầy và trò ở các nhà trường phải giảng dạy, học tập liên tục trong nhiều ngày, không có ngày nghỉ trong tuần.
Nhiều thầy cô giáo trong các nhà trường họ thường ao ước giá như giáo viên cũng được nghỉ các ngày lễ một cách trọn vẹn như những người lao động ở các ngành nghề khác.
Nghỉ mà không phải dạy bù, hoặc dạy bù thì phải được tính tiền lương làm thêm giờ như quy định của Luật Lao động. Nếu không, đừng áp dụng ngày nghỉ lễ cho các nhà trường vì mỗi dịp nghỉ lễ là giáo viên phải dạy bù và càng mệt mỏi hơn vào những ngày cuối tuần.
Chẳng hạn như ngày Chiến thắng (30/4) và ngày Quốc tế lao động (1/5) năm nay thì giáo viên phải dạy bù vào 2 ngày (cấp tiểu học) và 3 ngày (cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông) ở cuối các tuần.
Như vậy, giáo viên và học sinh phải đi liên tục trong nhiều tuần mà không có ngày nghỉ. Như vậy, việc nghỉ lễ dù được các nhà trường đều thực hiện nhưng mà nghỉ cũng như không nghỉ vậy!
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.