Nghịch lý giữa hạ tầng và lối sống
Ở nước ngoài việc xâm hại công trình thoát nước bị xử phạt rất nặng, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn ở Việt Nam mức phạt quy định lên tới 10 triệu đồng đối với hành vi làm hư hỏng hoặc mất tác dụng của hệ thống thoát nước công trình đường bộ, ngoài ra có thể còn bị yêu cầu khắc phục, tuy nhiên việc áp dụng quy định này là rất khó.
Dù cố gắng đến mấy hạ tầng thoát nước cũng không thể theo kịp lối sống dân cư nếu như chúng ta không có sự điều chỉnh (ảnh minh họa)
Thêm lần nữa TP Thanh Hóa chìm trong biển nước dù ngày 5-5 mưa không quá lớn và kéo dài như nhiều trận mưa trong các năm trước đó. Qua trận mưa này nhiều người đã bức xúc đặt câu hỏi là hạ tầng thoát nước của thành phố đang ở mức độ nào. Tuy nhiên, phải khẳng định, dù có là thế nào đi chăng nữa thì hạ tầng cũng rất khó để theo kịp lối sống.
Từ năm 2009 đến 2016, Dự án tiêu úng Đông Sơn được triển khai với mục tiêu tiêu úng cho 13.356 ha của các huyện Thiệu Hóa, Đông Sơn, Quảng Xương và TP Thanh Hóa, gồm đất nông nghiệp là 5.558 ha, đất đô thị 7.798 ha góp phần hoàn thiện mạng lưới tiêu thoát nước phục vụ sản xuất và đời sống của Nhân dân, cải thiện môi trường, cảnh quan của khu vực TP Thanh Hóa và phụ cận. Dự án gồm 9 cầu qua sông Thọ Hạc và sông Nhà Lê, sửa chữa nâng cấp cống Quảng Châu, nạo vét và gia cố các sông Nhà Lê, sông Quảng Châu, sông Hạc, sông Bến Ngự, kênh Vinh cùng các công trình khác gồm các cống tiêu thoát từ nhà dân ra trục tiêu, các bậc lên xuống sông với tổng mức đầu tư trên 733 tỷ đồng bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp quản lý.
Từ năm 2018 đến 2020, hệ thống thoát nước nội đô TP Thanh Hóa tiếp tục được cải tạo, nâng cấp nhằm “cứu” nhiều khu dân cư khỏi tình trạng ngập cục bộ. Tuy nhiên, sự đầu tư hạ tầng thoát nước phải gắn với việc “thông tắc ý thức” ứng xử với nước của cư dân. Đây là vấn đề căn cơ, gốc rễ, bởi một khi hạ tầng được đầu tư, nhưng không bảo quản, sử dụng đúng cách, thì nước vẫn ngập.
Sau trận mưa ngày 5-5, trên mạng xã hội tràn ngập hình ảnh người dân mệt mỏi đẩy xe trên đường, hì hục tát nước ra khỏi nhà. Một số tuyến đường nước ngập sâu hơn 40 - 50cm, mưa tạnh vài ba tiếng đồng hồ người dân vẫn chưa thể ra khỏi nhà, cuộc sống bình thường bị đảo lộn.
Nguyên nhân của việc nước dâng cao trong thành phố là do đường thoát nước ở nhiều nơi bị nghẽn cục bộ bởi tình trạng tùy tiện xả thải vật liệu rắn ra môi trường. Nhiều miệng cống bị người dân bịt lại để ngăn mùi và phục vụ các mục đích dân sinh nhưng đã không có sự phản ứng kịp thời khi mưa đến.
Ở nước ngoài việc xâm hại đến công trình thoát nước bị xử phạt rất nặng, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Ở Việt Nam Nghị định số 46/2016/NĐ-CP cũng quy định mức phạt lên tới 10 triệu đồng đối với hành vi làm hư hỏng hoặc mất tác dụng của hệ thống thoát nước công trình đường bộ, ngoài ra có thể còn bị yêu cầu khắc phục. Tuy nhiên việc áp dụng quy định này chỉ xảy ra trong những trường hợp đặc biệt.
Một dự án nhiều tỷ đồng như hệ thống tiêu úng Đông Sơn cùng nhiều tỷ đồng đầu tư nâng cấp hạ tầng thoát nước nội đô trong mấy năm gần đây đem theo sứ mệnh “cứu” thành phố khỏi “giặc” nước. Tuy nhiên với những gì đã diễn ra trong trận mưa vừa qua cho thấy hệ thống thoát nước ở TP Thanh Hóa đã “thất thủ” cục bộ tại nhiều khu vực. Trận mưa chính là một bài test, câu trả lời về khả năng tiêu thoát của thành phố, khiến cơ quan quản lý và người dân phải điều chỉnh lại nếu không muốn tiếp tục “thất thủ” trong mùa mưa.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/nghich-ly-giua-ha-tang-va-loi-song/135940.htm