Nghịch lý học sinh điểm cao thấp thỏm nộp hồ sơ vào trường có điểm chuẩn 23,75

Có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử tuyển sinh lớp 10, Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng phải sử dụng phương án tuyển sinh 'tràn' tuyến để đủ chỉ tiêu và đảm bảo chất lượng. Dù học sinh có mức điểm xấp xỉ 40 cũng thấp thỏm vì còn chờ nhà trường xét duyệt hồ sơ lấy điểm từ cao xuống thấp.

12 ngày sau khi công bố điểm chuẩn vào lớp 10 THPT năm nay, Sở GD&ĐT Hà Nội có thông báo điểm chuẩn bổ sung của 60 trường công lập.

Điều đáng nói, năm nay có 2 trường được tuyển bổ sung toàn thành phố đối với những học sinh không trúng tuyển các nguyện vọng đã đăng ký trước đó. Trong đó, Trường THPT Minh Quang – Ba Vì có mức điểm nộp hồ sơ từ 17 trở lên; Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng có mức điểm chuẩn từ 23,75 trở lên.

Sau khi có thông tin, phụ huynh có con thi đạt mức điểm khá cao nhưng trượt tất cả cơ hội vào trường công lập như “vớ được cọc”, khấp khởi đăng ký nguyện vọng xét tuyển bổ sung cho con. Dù học sinh có mức điểm xấp xỉ 40 cũng thấp thỏm vì còn chờ đợi nhà trường xét duyệt hồ sơ lấy điểm từ cao xuống thấp.

Phụ huynh đưa con đến điểm thi trong Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội năm nay.

Phụ huynh đưa con đến điểm thi trong Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội năm nay.

Trao đổi với PV sáng nay, đại diện Trường THPT Đoàn Kết cho biết, học sinh nộp hồ sơ trực tuyến đến 17 giờ ngày 16/7. Do đó, thời điểm này, nhà trường chưa biết số lượng hồ sơ đăng ký bổ sung.

Sau khi đóng cổng tuyển sinh, ngày 17/7, Hội đồng tuyển sinh nhà trường sẽ xét duyệt danh sách theo điểm từ cao xuống thấp đến hết 62 chỉ tiêu được giao.

Cũng theo đại diện Trường THPT Đoàn Kết, không nắm rõ lịch sử nhưng từ khi người này quản lý, đây là năm đầu tiên trường phải tuyển nguyện vọng “tràn” để đảm bảo chất lượng và chỉ tiêu tuyển sinh. Trước đó, điểm chuẩn của trường lao dốc so với năm ngoái cũng là do tuyển hết số lượng học sinh đăng ký nguyện vọng vào trường, đảm bảo quyền lợi cho các em.

Trong lần tuyển sinh cho năm học tới, điểm chuẩn của Trường THPT Đoàn Kết thấp kỷ lục, khi rơi tự do xuống mức 23,75, thấp hơn 16,25 điểm so với năm ngoái.

Lịch sử tuyển sinh đầu cấp của Hà Nội cũng từng xảy ra chuyện, trường luôn có mức điểm chuẩn tuyển sinh hằng năm top đầu như THPT Thăng Long, quận Hai Bà Trưng rơi thảm xuống còn 30.

Cách nào giải bài toán khó?

Phương án tuyển sinh đầu cấp thế nào để đảm bảo tính khoa học, thuận lợi cho thí sinh là bài toán khó đặt ra đối với Ngành Giáo dục Hà Nội. Bởi đây là địa phương có số lượng học sinh dự thi hằng năm rất lớn, lên tới hơn 100.000 em với địa bàn trải rộng, đặc thù các quận nội đô, các huyện ngoại thành khác nhau.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, cách làm của Hà Nội hiện nay là cho học sinh căn cứ điểm chuẩn các năm trước từ đó đánh giá năng lực của bản thân để đặt nguyện vọng cũng đã có cơ sở khoa học.

Tuy nhiên, trên thực tế, điểm chuẩn các trường luôn có những biến động, nhất là các quận nội đô mà nguyên nhân chủ yếu phụ thuộc vào số lượng học sinh đăng ký vào từng trường nhiều hay ít, tỉ lệ chọi cao hay thấp. Có trường năm ngoái lấy điểm chuẩn cao, năm sau học sinh có tâm lý “sợ, né tránh” lại dẫn đến không đủ chỉ tiêu tuyển sinh.

"Hiện nay, một loạt trường ngoài công lập được thành lập, đi vào hoạt động đã làm đảo lộn điểm chuẩn, vấn đề tuyển sinh cả trường công lập và ngoài công lập. Ví dụ ở trường tư, trước đó, học sinh sợ trượt đăng ký rất đông nhưng khi có điểm, các em tháo chạy về các mục tiêu phù hợp khác nhau”, TS Lâm nói.

Với số lượng học sinh đông, đưa ra phương án nào cũng khó hoàn chỉnh. Muốn cho học sinh lựa chọn ít áp lực phải xây mới, tăng số lượng trường học lên đáng kể nhằm đáp ứng nhu cầu của học sinh.

Quan điểm của ông Lâm là làm sao trường học phải gắn liền với nâng cao chất lượng, khi đó phụ huynh sẽ có nhiều lựa chọn và không nhất thiết phải đua trường top đầu, đi lại xa.

Trong bối cảnh khó khăn, Nhà nước có thể giao đất cho doanh nghiệp xây trường, sau đó cùng nhau thống nhất để hai bên quản lý, hạ giá học phí phù hợp với mức sống của người dân mà vẫn đảm bảo được chất lượng, thu hút phụ huynh, học sinh. Trong khi thực tế hiện nay, trường tư tốt thì giá quá cao, người có tiền mới vào được hay nói cách khác là “trường của nhà giàu”. Một số trường thành lập vẫn èo uột tuyển sinh vì chưa được phụ huynh tin tưởng.

“Nâng cao chất lượng trường tư, hạ giá học phí là hai vấn đề quan trọng để người dân không phải khổ trăm đường, bằng mọi giá thi đỗ trường công lập”, theo TS Lâm.

Ngoài ra, chuyên gia này cũng cho rằng, Sở GD&ĐT Hà Nội nên cho học sinh điều chỉnh nguyện vọng sau khi đã đăng ký, tránh một nơi tỉ lệ chọi cao, nơi thấp đến mức chưa đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Đây cũng là cách Sở GD&ĐT Hải Phòng triển khai rất hiệu quả, giảm áp lực may rủi cho học sinh.

Ông Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie Hà Nội nói rằng: Hà Nội nên thay đổi cách tuyển sinh lớp 10 nhưng thay đổi như thế nào đảm bảo tính khoa học, thuận lợi cho tất cả thí sinh là không hề đơn giản. Ngành Giáo dục Hà Nội có thể khuyến khích các chuyên gia, nhà quản lý cùng hiến kế để tìm cách làm hay.

Hà Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nghich-ly-hoc-sinh-diem-cao-thap-thom-nop-ho-so-vao-truong-co-diem-chuan-2375-post1655033.tpo