Ðộng thái tích cực

Trong Công văn số 3935 ngày 30-7-2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024-2025 đã nhấn mạnh việc kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn phải 'tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra, đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ'. Trên thực tế, yêu cầu này đã được Bộ GD&ĐT chỉ đạo thực hiện từ năm học 2022-2023 nhưng năm nay, khi áp dụng với tất cả học sinh, đặc biệt ở lớp cuối cấp đã khiến nhiều phụ huynh lo lắng.

Với điểm nhấn về việc kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn, người đang công tác trong ngành GD&ĐT thì cho rằng, sự “quyết liệt” của Bộ GD&ĐT phù hợp với cách dạy và học môn Văn của chương trình giáo dục phổ thông 2018, nghĩa là dạy học theo hệ thống thể loại văn bản, lấy yêu cầu cần đạt và các tri thức ngữ văn làm thước đo. Học sinh học văn bản không chỉ để hiểu sâu sắc nội dung và nghệ thuật của văn bản đó mà chủ yếu dạy về đặc trưng của thể loại văn bản, giúp các em biết cách vận dụng kỹ năng đã học để đọc và hiểu các tác phẩm khác. Qua đó sẽ triệt tiêu tình trạng “văn mẫu”, học tủ, học vẹt trong các môn khoa học xã hội, nhất là môn Ngữ văn. Dư luận xã hội thì cho rằng, động thái của Bộ GD&ĐT là để khắc phục những “lùm xùm” chung quanh việc ra đề thi môn Ngữ văn ở một số cuộc thi các năm gần đây. Gần nhất là đề thi môn Ngữ văn kỳ tuyển sinh vào lớp 10 Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn năm 2024. Nội dung đề thi: “Một tòa nhà tráng lệ được dựng nên từ những viên gạch hồng chắc chắn. Nhưng những viên gạch vốn ban đầu chỉ là khối đất lặng im. Điều đáng chú ý, chúng đã được tạo nên qua bàn tay lựa chọn, nhào nặn, tinh luyện, khéo léo và tâm huyết của người thợ”. Câu nghị luận văn học yêu cầu: “Công việc của người làm gạch giúp liên tưởng gì về quá trình sáng tạo tác phẩm văn học của nhà văn?”. Còn câu nghị luận xã hội yêu cầu học sinh liên hệ với sự trưởng thành của mỗi con người trong cuộc sống, để nhận thấy sự tương đồng với công việc của người làm gạch (!?). Tất nhiên, mỗi đề thi đều có người khen, kẻ chê. Nhưng với cách đặt vấn đề thiếu logic và khập khiễng khi “bắt” học sinh liên tưởng quá trình sáng tạo tác phẩm văn học của nhà văn với công việc của người thợ đóng gạch, thì những người ra đề thi đã hứng nhiều “gạch đá”. Có người nói, đề thi ngô nghê, không xứng tầm một kỳ thi tuyển học sinh chuyên văn, bởi nó có thể dẫn học sinh đến tình trạng văn mẫu, làm mất cảm xúc của những học sinh đang muốn học chuyên văn!

Trở lại việc Bộ GD&ĐT yêu cầu “tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra, đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ”, bất luận vì lý do gì thì đây cũng là điều đáng mừng. Ra đề kiểu này, giáo viên sẽ phải mất nhiều công sức tìm kiếm ngữ liệu, nhưng chắc chắn tránh được tình trạng bài cũ soạn lại và thói quen đọc chép, cả cách chấm bài rập khuôn. Với cách đánh giá chất lượng giáo dục chủ yếu dựa vào các kỳ thi như hiện nay thì đề thi trở nên đặc biệt quan trọng. Bởi nó ảnh hưởng và quyết định trực tiếp đến việc đậu - rớt, nghĩa là quyết định tương lai của mỗi học sinh. Với yêu cầu không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa khi ra đề thi sẽ giúp học sinh rèn luyện khả năng ứng biến, có thể giải quyết tất cả dạng đề, thay vì chỉ tập trung ôn và học những tác phẩm có trong sách theo kiểu học vẹt, thụ động và đối phó!

Thảo Linh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/161542/dong-thai-tich-cuc