Nghịch lý làng nghề tái chế lại gây ô nhiễm môi trường
Tái chế chất thải vốn là giải pháp được Chính phủ và các địa phương khuyến khích nhằm góp phần bảo vệ môi trường, thực hiện phát triển bền vững. Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ, hoạt động tái chế ở các làng nghề tái chế đang để lại nhiều tác động tiêu cực đến môi trường và cuộc sống người dân.
Càng tái chế, càng ô nhiễm
Làng nghề tái chế đóng vai trò quan trọng trong việc khép kín chu trình vòng đời một loại sản phẩm, giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Người tái chế hoặc hộ gia đình, doanh nghiệp tái chế có thể mua phế liệu từ đồng nát, bãi phế liệu, các nguồn nhập khẩu, rồi xử lý chúng thành nguyên liệu thô phục vụ sản xuất tiếp hoặc sản phẩm hoàn chỉnh để bán trở lại cho thị trường.
Theo Báo cáo hiện trạng môi trường Việt Nam, việc tái chế phế liệu đã tạo ra hàng trăm nghìn tấn sắt thép xây dựng, các sản phẩm mỹ nghệ, đồ dùng, dụng cụ gia dụng… cho thị trường tiêu thụ trong nước, đặc biệt là ở khu vực miền Bắc.
Hiện loại hình làng nghề này được chia thành 3 nhóm ngành tái chế cơ bản: tái chế giấy, tái chế kim loại, tái chế nhựa. Nhóm tái chế giấy có thể kể tới làng Phong Khê, làng Phú Lâm (Bắc Ninh)… Nhóm làng tái chế kim loại bao gồm làng Vân Chàng, làng Xuân Tiến (Nam Định), làng Đa Sỹ (Hà Nội), làng Đa Hội (Bắc Ninh), làng La Khê (Bình Định),… Nhóm làng tái chế nhựa tập trung nhiều ở miền Bắc như làng Minh Khai (Hưng Yên), Tràng Minh (Hải Phòng), Triều Khúc, Trung Văn (Hà Nội)…
Thực tế cho thấy, trong nhiều năm nay, hoạt động tái chế phế thải tại các làng nghề này đã để lại hệ lụy không nhỏ tới môi trường và sức khỏe của cộng đồng dân cư sống gần đó. Đơn cử, làng Phong Khê và Phú Lâm tại Bắc Ninh từ lâu đã nổi tiếng với nghề sản xuất và tái chế lớn nhất miền Bắc.
Tuy nhiên, trong những năm qua, nhiều đơn vị báo chí đã phản ánh tình trạng ô nhiễm (không khí, nước, rác thải) đáng báo động tại những ngôi làng này, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới người dân. Nhờ vậy, các cơ quan chức năng địa phương đã vào cuộc, xử phạt hành chính, buộc đóng cửa nhiều cơ sở, doanh nghiệp vi phạm.
Còn tại làng nghề Triều Khúc (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) từ xưa vốn nổi tiếng với nghề làm dệt, nhưng nhiều năm nay, người dân đã chuyển sang nghề mới là tái chế phế liệu, lông vũ động vật. Nghề tái chế giúp tạo công ăn việc làm, cải thiện cuộc sống người dân nhưng hệ lụy để lại chính là tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Điều tương tự cũng xảy ra ở thôn Xà Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) – nơi trước đây nổi tiếng với nghề làm hương đen truyền thống thì nay phần lớn các hộ dân đã chuyển sang nghề thu gom và sơ chế chất thải nhựa. Các công đoạn như làm sạch, xay tạo hạt… đều trực tiếp xả thải ra nguồn nước, gây ô nhiễm hóa chất và ô nhiễm vi nhựa trầm trọng. Trong đó, nhiều rác thải khó tái chế như vỏ nhãn mác chai nhựa, đồ gia dụng, xốp,… thường được xử lý bằng cách đốt, chôn lấp hoặc vứt bừa bãi ra bờ sông, đường phố.
Đáng nói, gây ô nhiễm lớn nhất chính là nhóm làng nghề tái chế kim loại. Quá trình tái chế, gia công sản phẩm làm phát sinh rất nhiều bụi và các khí thải độc hại vượt mức cho phép. Một số liệu thống kê cho thấy, làng nghề tái chế nhôm phế liệu Mẫn Xá (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) phát sinh mỗi ngày khoảng 30 - 40 tấn chất thải rắn, gồm bã thải xỉ nhôm, xỉ than,…
Theo các chuyên gia, những nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm việc các làng nghề tái chế thường sử dụng công nghệ sản xuất mang tính thủ công, không có biện pháp xử lý chất thải và bảo hộ lao động cần thiết, nguyên liệu đầu vào hầu hết là phế thải không sạch… Thêm vào đó, phần lớn hoạt động tái chế tại các làng nghề còn diễn ra một cách tự phát, quy mô nhỏ lẻ, không tuân thủ một mô hình khoa học hay quy trình tái chế chuẩn hóa nào.
Cần quản lý theo hướng bền vững
Theo quy định hiện hành, các làng nghề không có hệ thống xử lý chất thải đạt quy chuẩn quốc gia về môi trường phải di dời vào khu công nghiệp hoặc cụm công nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số làng nghề được quy hoạch trong cụm làng nghề là rất ít.
Một điểm mới trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 là không khuyến khích cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu trên địa bàn cấp xã; không khuyến khích sử dụng công nghệ chôn lấp CTRSH, trừ trường hợp đặc thù do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Bên cạnh đó, quy định Nhà nước ưu đãi về thuế, phí, vay vốn đối với các hoạt động xây dựng cơ sở tái chế, xử lý CTRSH.
Mặt khác, luật quy định trách nhiệm của các nhà sản xuất được mở rộng đến cả giai đoạn sau tiêu dùng tính theo vòng đời sản phẩm (EPR), tức là các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm thu gom, phân loại và tái chế, xử lý các sản phẩm bao bì được họ đưa ra thị trường đã qua sử dụng. Việc áp dụng EPR trong thời gian tới sẽ trực tiếp tác động đến sinh kế của người dân tại các làng nghề tái chế.
Nếu không muốn dần dần bị loại bỏ, các làng nghề tái chế cần chuyển hướng hoạt động bền vững và có hệ thống hơn, thông qua việc thành lập doanh nghiệp, đầu tư bài bản về hệ thống xử lý ô nhiễm, máy móc, trang thiết bị và đầu ra đạt chuẩn hoặc phải chuyển sang thu gom, phân loại và bán lại cho các doanh nghiệp tái chế.
Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến đề xuất Nhà nước cần đưa ra những chính sách, biện pháp nhằm khuyến khích, tài trợ người dân ở các làng nghề ứng dụng công nghệ xử lý nước thải, công nghệ tái chế đạt chuẩn chất lượng, bên cạnh việc tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của họ. Hoặc có sự phối hợp giữa các doanh nghiệp và các làng nghề trong việc cung ứng đầu vào tái chế, hỗ trợ về chuyển đổi công nghệ, tài chính trong giai đoạn đầu.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 5.400 làng nghề, trong đó có khoảng 2.000 làng nghề được công nhận đang hoạt động tại Việt Nam và các làng nghề tái chế phế liệu là một trong sáu loại hình làng nghề sản xuất điển hình.
Mặc dù là một loại hình sản xuất hình thành chưa lâu và chỉ chiếm 4% trong tổng số các làng nghề tại Việt Nam, các làng nghề tái chế phế liệu lại phát triển nhanh trong những năm gần đây, đặc biệt khi hoạt động tái chế rác thải ngày càng được khuyến khích. Do vậy, mô hình này cần hành lang pháp lý phù hợp để việc quản lý, tổ chức thực hiện theo hướng phát triển bền vững hơn.