Nghịch lý lúa gạo cấp thấp giá đắt hơn lúa gạo chất lượng cao
Lúa cấp thấp IR 50404 vốn được biết đến là loại lúa rẻ tiền, dùng chế biến gạo 25% tấm để xuất khẩu hoặc sử dụng làm bánh, bún và thường có giá rẻ hơn rất nhiều so với gạo thơm, chất lượng cao. Thế nhưng, giá bán của chủng loại lúa gạo cấp thấp này lại đang chiếm ưu thế, thậm chí có thời điểm giá đã vượt qua người bà con lúa gạo thơm, chất lượng cao.
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV, cho biết, lúa IR 50404 tươi (thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp) hiện có giá 5.800- 5.900 đồng/kg, thấp hơn lúa thơm chỉ 100 đồng/kg. “Có thời điểm giá lúa IR 50404 lên mức 6.200 đồng/kg, nhưng do hiện có nguồn cung tiểu ngạch từ Campuchia bổ sung nên hơi giảm lại một ít”, ông Thành cho biết.
Dù hiện có giá thấp hơn lúa thơm 100 đồng/kg, nhưng theo khẳng định của ông Thành, có thời điểm giá lúa, gạo của giống IR 50404 đã vượt cả mức giá của các giống chất lượng cao, lúa thơm.
Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, tại thị trường chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, gạo thơm hiện được giao dịch quanh mức 10.400-10.600 đồng/kg; gạo chất lượng cao OM 5451 có giá 10.000-10.200 đồng/kg, chỉ “nhỉnh” hơn một ít so với gạo của giống IR 50404.
Theo lý giải của ông Thành, mấy năm trước nông dân sản xuất nhiều lúa IR 50404 do đây là giống dễ trồng, năng suất cao, mang lại thu nhập khá. “Nhưng, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân chuyển sang lúa thơm, lúa chất lượng cao hoặc nếp và có nhiều công ty bao tiêu những chủng loại giống này, cho nên, bà con nông dân đã bỏ giống IR 50404 chuyển sang làm lúa thơm, chất lượng cao”, ông Thành giải thích.
Thực tế, các ý kiến đánh giá của Cục trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, riêng vụ Thu đông 2020, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa thơm, chất lượng cao và nếp trong gieo trồng, trong khi giống chất lượng thấp IR 50404 đã có sự sụt giảm đáng kể.
Theo đó, vụ Thu đông 2020, toàn vùng ĐBSCL đã gieo sạ được hơn 800.000 héc ta, trong đó, diện tích xuống giống lúa thơm, đặc sản chiếm 19,85%, tăng 1,85% so với vụ Thu đông 2019; lúa chất lượng cao chiếm 51,34%, tăng 4,34% so với cùng kỳ; nếp chiếm 10,13%, tăng 3,13% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lúa chất lượng thấp chiếm 17,3%, giảm 7,7% so với vụ Thu đông 2019.
Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, cách đây vài năm, cơ cấu giống lúa cấp thấp IR 50404 luôn chiếm khoảng 30-40% trên tổng diện tích xuống giống từng vụ của vùng ĐBSCL. Như vậy, với tỷ trọng chiếm khoảng 17% tổng diện tích xuống giống cho thấy diện tích giao sạ giống lúa cấp thấp IR 50404 đã giảm đáng kể.
Trong bối cảnh diện tích gieo sạ lúa IR 50404 giảm, theo ông Thành, trong năm 2020, nhu cầu sử dụng gạo của phân khúc IR 50404 để làm bánh, bún, chế biến cơm tấm, cơm chiên…, trong nước vẫn ở mức cao, cho nên, thiếu hụt nguồn cung. “Rõ ràng, khi nguồn không có nên người ta cứ đẩy giá lên cao, mỗi người thiếu một ít nên cứ đẩy giá lên cao, có lúc cao hơn cả lúa chất lượng cao, lúa thơm”, ông Thành tái nhấn mạnh.
Một yếu tố khác cũng góp phần không nhỏ khiến giá lúa gạo IR 50404 tăng cao, theo ông Thành, đó là do nhu cầu thu mua dự trữ. “Tổng cục dự trữ Nhà nước vừa rồi (hồi tháng 4-2020- PV) có đề xuất cấm xuất khẩu gạo IR 50404 vì không có để dự trữ”, ông dẫn chứng và cho rằng, đơn vị này phải dự trữ gạo IR 50404 vì đây là loại gạo khô cơm, có thể trữ đươc lâu.
Từ vấn đề nêu trên, theo ông Thành, trong chiến lược phát triển vùng nguyên liệu cần thiết phải phân vùng sản xuất để đảm bảo cân đối cung, cầu giữa các chủng loại sản phẩm nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu của thị trường.
Trung Chánh