Nghịch lý mạng xã hội càng lớn, tính cộng đồng càng nhỏ?
Tính cộng đồng của các mạng xã hội như Facebook, TikTok và Twitter không còn như xưa, khi các công ty chủ yếu đưa người dùng đến với thương hiệu và người nổi tiếng.
Gần hai thập kỷ trước, Facebook bùng nổ trong các trường đại học như một trang web để sinh viên giữ liên lạc. Sau đó là Twitter, nơi mọi người đăng thông tin về bữa sáng của họ và Instagram, nơi bạn bè chia sẻ ảnh để cập nhật thông tin cho nhau.
Ngày nay, nguồn cấp dữ liệu Instagram và Facebook chứa đầy quảng cáo và bài đăng được tài trợ. TikTok và Snapchat chứa đầy video từ những người có ảnh hưởng (influencer) đóng quảng cáo xà phòng rửa bát và ứng dụng hẹn hò. Chẳng mấy chốc, các bài đăng trên Twitter có khả năng hiển thị cao nhất sẽ chủ yếu đến từ những thuê bao trả tiền cho việc hiển thị và các đặc quyền khác.
Theo nhiều cách, phương tiện truyền thông xã hội đang trở nên ít mang tính xã hội hơn. Các loại bài đăng mà mọi người cập nhật cho bạn bè và gia đình về cuộc sống của họ đã trở nên khó thấy hơn trong những năm qua khi các trang web lớn nhất ngày càng trở nên “tập đoàn hóa”.
Giá trị truyền thống đã mất
Thay vì xem tin nhắn và ảnh từ bạn bè và người thân về kỳ nghỉ hoặc bữa tối ưa thích của họ, người dùng Instagram, Facebook, TikTok, Twitter hay Snapchat hiện thường xem nội dung chuyên nghiệp từ các thương hiệu, người có ảnh hưởng và những tài khoản trả phí khác.
Sự thay đổi này có ý nghĩa đối với các công ty mạng xã hội lớn và cách mọi người tương tác với nhau bằng kỹ thuật số. Nhưng nó cũng đặt ra câu hỏi về ý tưởng truyền thống của nền tảng trực tuyến.
Trong nhiều năm, khái niệm về nền tảng - một trang web tất cả trong một, hướng tới công chúng, nơi mọi người dành phần lớn thời gian của họ - đã ngự trị tối cao. Nhưng khi các mạng xã hội lớn ưu tiên kết nối mọi người với thương hiệu hơn là kết nối họ với những người khác, một số người dùng đã bắt đầu tìm kiếm các trang web và ứng dụng hướng đến cộng đồng dành cho các vấn đề và sở thích cụ thể.
Zizi Papacharissi, giáo sư truyền thông tại Đại học Illinois - Chicago, người giảng dạy các khóa học về mạng xã hội, cho biết: “Các nền tảng như chúng ta biết đã kết thúc”.
Sự thay đổi này giúp giải thích tại sao một số công ty mạng xã hội, dù có hàng tỷ người dùng và thu về hàng tỷ USD doanh thu, vẫn đang khám phá những con đường kinh doanh mới. Twitter, thuộc sở hữu của Elon Musk, đã thúc đẩy mọi người và các thương hiệu trả từ 8 đến 1.000 USD/tháng để trở thành người đăng ký. Meta, công ty mẹ của Facebook và Instagram, tìm cách thúc đẩy chuyển sang thế giới trực tuyến nhập vai - metaverse.
Mạng xã hội phân cực
Đối với người dùng, điều này có nghĩa là thay vì dành tất cả thời gian của họ cho một hoặc một vài mạng xã hội lớn, một số người sẽ hướng đến các trang web nhỏ hơn, tập trung hơn.
Chẳng hạn như Mastodon, về cơ bản là một bản sao Twitter được chia thành các cộng đồng; Nextdoor, một mạng xã hội để những người hàng xóm chia sẻ về các vấn đề hàng ngày như ổ gà ở địa phương; và các ứng dụng như Truth Social do cựu Tổng thống Donald J. Trump khởi xướng và được coi là mạng xã hội dành cho những người bảo thủ.
“Trong tương lai, người dùng sẽ là thành viên của hàng tá các cộng động nhỏ hơn, thay vì chỉ tập trung ở một số MXH lớn”, Ethan Zuckerman, giáo sư chính sách công tại Đại học Massachusetts Amherst nói.
Việc chuyển sang các mạng nhỏ hơn, tập trung hơn đã được dự đoán từ nhiều năm trước bởi một số tên tuổi lớn nhất của mạng xã hội, bao gồm Mark Zuckerberg, CEO Meta và Jack Dorsey, người sáng lập Twitter.
Vào năm 2019, Zuckerberg đã viết trong một bài đăng trên Facebook rằng nhắn tin riêng tư và các nhóm nhỏ là lĩnh vực giao tiếp trực tuyến phát triển nhanh nhất. Trong khi đó J.Dorsey, người thôi giữ chức giám đốc điều hành của Twitter vào năm 2021, đã thúc đẩy cái gọi là mạng xã hội phi tập trung cho phép mọi người kiểm soát nội dung họ xem và cộng đồng mà họ tham gia.
Lợi ích của những “cộng đồng nhỏ”
Eugen Rochko, giám đốc điều hành của Mastodon, cho biết người dùng đã xuất bản hơn một tỷ bài đăng mỗi tháng trên các cộng đồng của họ và không có thuật toán hoặc quảng cáo nào thay đổi nguồn cấp dữ liệu đến mọi người.
Một lợi ích chính của các mạng nhỏ là chúng tạo ra các diễn đàn cho các cộng đồng cụ thể, bao gồm cả những nhóm thiểu số. Ahwaa, thành lập vào năm 2011, là mạng xã hội dành cho các thành viên LGBT ở các quốc gia vùng vịnh, nơi đồng tính bị coi là bất hợp pháp. Các mạng nhỏ khác, như Letterboxd, một ứng dụng dành cho những người đam mê điện ảnh để chia sẻ ý kiến của họ về phim, tập trung vào những sở thích đặc biệt.
Các cộng đồng nhỏ hơn cũng có thể giảm bớt một số áp lực xã hội khi sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi. Trong thập kỷ qua, những câu chuyện về sự nguy hiểm của mạng xã hội đã trở nên phổ biến, từ việc rối loạn ăn uống sau khi cố gắng sống theo những bức ảnh “hoàn hảo trên Instagram”, hay những chứng bệnh tâm lý do xem TikTok quá nhiều.
Các chuyên gia cho biết, ý tưởng rằng một nền tảng truyền thông xã hội mới có thể trở thành ứng dụng dành cho tất cả mọi người có vẻ không thực tế.
Khi những người trẻ tuổi đã thử nghiệm xong một mạng mới, chẳng hạn như BeReal, ứng dụng chia sẻ ảnh phổ biến với thanh thiếu niên vào năm ngoái nhưng đã chững đà phát triển, họ chuyển sang mạng tiếp theo.
(Theo NYT)