Nghịch lý ngành F&B

Ngành F&B có hơn 3 triệu lao động nhưng vẫn 'khát' nhân sự, bởi phần lớn thiếu trình độ chuyên môn, kỹ năng mềm và không gắn bó lâu dài.

 Ngành F&B thiếu nhân sự chất lượng dù nguồn cung dồi dào. Ảnh: Phương Lâm.

Ngành F&B thiếu nhân sự chất lượng dù nguồn cung dồi dào. Ảnh: Phương Lâm.

Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam 6 tháng đầu năm của iPOS.vn thống kê cả nước hiện có gần 3 triệu người làm việc trong ngành F&B.

Đơn vị này đánh giá dù có nguồn nhân sự dồi dào, tình trạng thiếu hụt nhân sự phù hợp vẫn khiến doanh nghiệp "đau đầu".

Dồi dào nhân sự làm việc bán thời gian

Bởi lẽ, trong số gần 3 triệu lao động, có đến khoảng 2,35 triệu người làm việc bán thời gian (part-time), chủ yếu là các học sinh - sinh viên.

Đây là nguồn nhân lực lớn đóng góp vào thành công trong vận hành của các doanh nghiệp F&B tại Việt Nam, với chi phí thấp và có thể đáp ứng nhiều mô hình kinh doanh khác nhau.

Trong khi đó, lượng nhân sự làm việc toàn thời gian (full-time) vẫn chưa nhiều. Ở góc độ nhu cầu, iPOS.vn cho biết hầu hết công việc full-time đều nằm tại các thành phố lớn hoặc các khu du lịch. Các công việc chủ yếu là quản lý, bếp trưởng, back-office, kế toán - kho và nhân viên phục vụ tại quán ăn...

Theo iPOS.vn, ngành F&B vẫn cần rất lớn nguồn nhân lực học sinh - sinh viên.

Đơn vị này đã khảo sát ngẫu nhiên 1.307 đáp viên là các lao động trong ngành F&B tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, trong đó tập trung chủ yếu tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.

Với độ tuổi phổ biến 19-22 tuổi, gần 82% đáp viên thừa nhận đang trong quá trình học tập. Mức này tương tự đối với nhân sự 16-18 tuổi. Mặc dù chưa trong độ tuổi lao động, nhóm đối tượng này vẫn đi làm để có thể trải nghiệm và có thêm tiền tiêu vặt cho bản thân.

Đối với nhóm 26 tuổi trở lên, tỷ lệ người đi học có phần thấp hơn. Một số người trong nhóm đối tượng này cho biết đang tham gia các lớp học nâng cao tay nghề, các lớp học tại chức để phục vụ cho mục đích chuyển việc hoặc thăng tiến trong công việc sắp tới.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy tỷ lệ kiêm nhiệm của các nhân sự ngành F&B khá cao. Trung bình, chỉ có hơn 20% nhân sự nói mình được làm đúng vị trí công việc ban đầu. Tuy vậy, đối với các mô hình doanh nghiệp, chuỗi từ 5 điểm bán hàng trở lên, tính kiêm nhiệm công việc sẽ không quá phổ biến.

Thu ngân là vị trí công việc được kiêm nhiệm phổ biến. Gần 28% nhân viên pha chế và 23% nhân viên phục vụ được yêu cầu làm việc thu ngân (bao gồm việc ghi nhận món trên thiết bị máy POS, hướng dẫn thanh toán, nhận tiền). Thông thường, đối với một số mô hình nhà hàng dịch vụ đầy đủ (full-service restaurant), vị trí thu ngân thường kết hợp là lễ tân đón khách.

Đa số nhân sự làm việc dưới 1 năm

Dù có nguồn nhân sự dồi dào, tình trạng thiếu hụt nhân sự phù hợp vẫn là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp F&B Việt Nam. Vấn đề cốt lõi không nằm ở số lượng ứng viên mà ở việc tìm kiếm những cá nhân đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng, kinh nghiệm và phù hợp văn hóa doanh nghiệp.

Ngành F&B, với đặc thù là ngành dịch vụ, đòi hỏi nhân viên phải có những kỹ năng mềm vượt trội. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nhân sự đáp ứng đủ các yêu cầu về kỹ năng mềm không hề dễ dàng.

Lần lượt 21% và 17% số doanh nghiệp tham gia khảo sát của iPOS.vn thừa nhận họ cảm thấy tuyển dụng khó khăn do nhân sự thiếu kỹ năng mềm và không đáp ứng được tay nghề.

 Doanh nghiệp F&B khó tuyển nhân sự đáp ứng tay nghề và đầy đủ kỹ năng mềm. Ảnh: Quang Vinh Nguyen/Pexels.

Doanh nghiệp F&B khó tuyển nhân sự đáp ứng tay nghề và đầy đủ kỹ năng mềm. Ảnh: Quang Vinh Nguyen/Pexels.

Xét về mức lương thưởng, chỉ có 5,5% cho rằng nguồn chi phí lương chưa đáp ứng mong muốn của nhân sự. Dù vậy, xu hướng sẵn sàng chi trả cao hơn để thu hút nhân tài có trình độ và kinh nghiệm đang ngày càng phổ biến trong ngành F&B.

Đáng chú ý, tỷ lệ nhân viên làm việc dưới 1 năm chiếm hơn 84%, cho thấy sự thiếu ổn định của nhân sự trong các doanh nghiệp F&B. iPOS.vn đánh giá điều này có thể dẫn đến nhiều hệ quả như chi phí tuyển dụng cao, giảm hiệu quả làm việc, khó khăn trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

Tỷ lệ nhân viên làm việc trên 2 năm chỉ chiếm 4%, cho thấy rất ít người gắn bó lâu dài với ngành F&B. Điều này có thể do nhiều nguyên nhân như mức lương và phúc lợi chưa hấp dẫn, điều kiện làm việc khắc nghiệt và cơ hội thăng tiến hạn chế.

Vòng đời làm việc ngắn của nhân sự trong ngành F&B là một vấn đề đáng quan tâm. Để giải quyết vấn đề này, iPOS.vn cho rằng các doanh nghiệp cần có những chính sách phù hợp để thu hút và giữ chân nhân tài, đồng thời xây dựng một môi trường làm việc chuyên nghiệp và hấp dẫn.

Diệu Thanh

Nguồn Znews: https://znews.vn/nghich-ly-nganh-f-b-post1493218.html