Nghịch lý nhà máy xử lý rác bỏ không, địa phương phải đi tìm nơi xử lý

Trong khi Nhà máy Xử lý rác Toàn Cầu bỏ lâu ngày không sử dụng thì người dân xã Hoàng Diệu (Gia Lộc, Hải Dương) lại phải tìm chỗ xử lý rác thải từ nghề làm giầy da.

Do lâu ngày không sử dụng nên nhiều hạng mục máy móc trong nhà máy xử lý rác của Công ty CP Đầu tư phát triển môi trường Toàn Cầu đã xuống cấp

Do lâu ngày không sử dụng nên nhiều hạng mục máy móc trong nhà máy xử lý rác của Công ty CP Đầu tư phát triển môi trường Toàn Cầu đã xuống cấp

Địa phương phải tìm nơi xử lý rác

Xã Hoàng Diệu có 7 thôn thì 4 làng làm nghề sản xuất giầy da (gồm Phong Lâm, Trúc Lâm, Văn Lâm, Nghĩa Hy) với khoảng 1.600 hộ, mỗi ngày thải ra khoảng 800 kg rác.

Trước đây, xã Hoàng Diệu đã quy hoạch 1 bãi rác rộng 2.000 m2 ở thôn Trúc Lâm chứa rác thải. Từ năm 2022, khi bãi rác tương đối đầy và việc xử lý rác theo hình thức chôn lấp không bảo đảm môi trường, UBND xã Hoàng Diệu đã ký hợp đồng với Công ty CP Công nghệ môi trường An Sinh (gọi là Công ty An Sinh, xã Hoàng Diệu) để xử lý rác. Theo ông Nguyễn Tuấn Nghĩa, cán bộ môi trường xã Hoàng Diệu, lượng rác thải thu gom đưa về Công ty An Sinh xử lý đạt khoảng 90%, phần còn lại vẫn chuyển về bãi rác thôn Trúc Lâm.

Mỗi ngày các hộ làm nghề sản xuất giầy da ở xã Hoàng Diệu thải ra khoảng 800 kg chất thải

Mỗi ngày các hộ làm nghề sản xuất giầy da ở xã Hoàng Diệu thải ra khoảng 800 kg chất thải

Theo ông Nghĩa, trên địa bàn xã có nhà máy của Công ty CP Đầu tư phát triển môi trường Toàn Cầu (gọi là Công ty Toàn Cầu) được xây dựng để xử lý rác thải cho làng nghề nhưng lại không hoạt động khiến địa phương loay hoay trong việc xử lý rác. Cuối năm 2023, nhà máy vận hành được vài tháng, rác của làng nghề chuyển từ Công ty An Sinh về Công ty Toàn Cầu xử lý nhưng sau đó tạm dừng hoạt động khiến địa phương phải quay trở lại ký hợp đồng với Công ty An Sinh tiếp tục xử lý rác.

“Mong nhà máy xử lý rác sớm đi vào hoạt động để chúng tôi không phải vất vả tìm nơi xử lý rác”, bà Dương Thị Nhâm, Hợp tác xã Vệ sinh môi trường xã Hoàng Diệu nói.

Nhà máy "đắp chiếu" do mâu thuẫn nội bộ

Rác thải làng nghề được đổ chung với rác thải sinh hoạt

Rác thải làng nghề được đổ chung với rác thải sinh hoạt

Xã Hoàng Diệu có nghề truyền thống làm giầy da, nhưng vẫn xử lý rác thải theo hình thức thu gom, chôn lấp. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt “Dự án xây dựng mô hình xử lý chất thải làng nghề sản xuất giầy xã Hoàng Diệu” trên diện tích 440 m2 do Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam làm chủ dự án. Sau khi vận hành thử nghiệm, tháng 12/2015, đơn vị này bàn giao dự án cho UBND xã Hoàng Diệu. Tuy nhiên, UBND xã Hoàng Diệu gặp khó khăn về kỹ thuật, kinh phí… nên dự án không hoạt động.

Để tránh lãng phí, năm 2017, UBND tỉnh tổ chức đấu giá dự án và Công ty CP Xây dựng môi trường đô thị Lương Tài trúng thầu. Do công ty này không còn nhu cầu sử dụng nên đã chuyển nhượng cho Công ty Toàn Cầu. Sau khi tiếp nhận, Công ty Toàn Cầu lập hồ sơ đề xuất và được UBND tỉnh chấp thuận tại Quyết định số 2618/QĐ-UBND ngày 30/7/2019 với quy mô xử lý 1.140 tấn rác/năm, trên diện tích 6.238 m2. Ngày 18/8/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2355/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư (điều chỉnh lần thứ nhất) thực hiện dự án, điều chỉnh tiến độ hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động đồng bộ trong thời hạn 18 tháng, kể từ ngày 30/7/2021.

Doanh nghiệp đã thực hiện thủ tục thuê 2.300 m2 đất và được UBND tỉnh Hải Dương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Diện tích còn lại bị vướng mắc về giải phóng mặt bằng.

Công ty đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và được UBND tỉnh phê duyệt. Cuối năm 2023, công ty đưa nhà máy vào vận hành thử nghiệm, được Sở Tài nguyên và Môi trường xác định các yếu tố môi trường đều bảo đảm, đủ điều kiện đưa vào vận hành chính thức.

Công ty Toàn Cầu do ông Ngô Doãn Hiến làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, bà Phùng Thị Hồng Thắm làm Giám đốc, trong quá trình hoạt động đã phát sinh mâu thuẫn. Ngày 25/12/2022, 7 cổ đông tổ chức họp thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần và thay đổi Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty; ông Ngô Doãn Hiến vắng mặt. Theo đó, 5 cổ đông đã bán toàn bộ cổ phần cho ông Lê Văn Tuyến và rút khỏi công ty.

Người làng nghề xã Hoàng Diệu mong muốn Nhà máy Xử lý rác sớm đi vào hoạt động để xử lý rác thải, góp phần bảo vệ môi trường sống

Người làng nghề xã Hoàng Diệu mong muốn Nhà máy Xử lý rác sớm đi vào hoạt động để xử lý rác thải, góp phần bảo vệ môi trường sống

Sau khi chuyển nhượng, ông Tuyến giữ 50% số cổ phần; bà Phùng Thị Hồng Thắm 40% (ông Tuyến và bà Thắm là vợ chồng) và ông Ngô Doãn Hiến giữ 10%.Các thành viên cũng biểu quyết thay đổi chức danh Chủ tịch Hội đồng Quản trị từ ông Hiến sang ông Tuyến.

Làm việc với ông Hiến, ông này cho rằng cuộc họp trên tổ chức sai quy định khi ông là Chủ tịch Hội đồng Quản trị nhưng không nhận được giấy mời họp. Theo tài liệu ông Hiến cung cấp, biên bản cuộc họp không có số, không có dấu giáp lai, chủ tọa cũng không đóng dấu… “Cuộc họp này không đúng quy định. Do đó, tất cả những giao dịch, hoạt động sau này do công ty thực hiện tôi đều không công nhận”, ông Hiến nói.

Sau khi nhận chuyển nhượng, ông Tuyến và bà Thắm đã bán 85% số cổ phần cho ông Tạ Đăng Dương ở xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh (Hà Nội) và thay đổi chức danh Giám đốc công ty từ bà Thắm sang ông Dương. Ông Dương đã đầu tư một số hạng mục, đưa nhà máy vận hành thử nghiệm, hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường…

Theo ông Dương, nguyên nhân chính dẫn đến nhà máy chưa đi vào hoạt động do mâu thuẫn nội bộ công ty. “Sau khi vận hành thử nghiệm, chúng tôi đã đủ các điều kiện hoạt động nhưng lại không có nguyên liệu. Chúng tôi mong địa phương sớm triển khai phương án thu gom rác xuống các hộ dân", ông Dương cho biết.

Nhà máy xử lý rác luôn trong tình trạng đóng cửa

Nhà máy xử lý rác luôn trong tình trạng đóng cửa

"Do có mâu thuẫn nội bộ công ty nên địa phương nhận được một số văn bản đề nghị ngừng triển khai việc thu gom rác đến người dân. Chúng tôi cũng mong công ty sớm giải quyết những khó khăn, vướng mắc để nhà máy sớm đi vào hoạt động, tránh lãng phí”, ông Nguyễn Tuấn Nghĩa, cán bộ môi trường xã Hoàng Diệu cho biết thêm.

Chỉ vì nội bộ công ty có mâu thuẫn nên Nhà máy Xử lý rác Toàn Cầu phải dừng hoạt động. Máy móc đã bị hoen rỉ, một số thiết bị được chủ đầu tư chuyển đi nơi khác, trong khi người dân xã Hoàng Diệu phải loay hoay tìm chỗ xử lý rác. Nếu nhà máy không đi vào hoạt động sẽ rất lãng phí và không đúng mục đích ban đầu khi xây dựng.

THANH HÀ

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nghich-ly-nha-may-xu-ly-rac-bo-khong-dia-phuong-phai-di-tim-noi-xu-ly-390808.html