Nghịch lý nút giao đèn tín hiệu thành 'nút thắt' gây ùn tắc
Đèn tín hiệu tại nhiều nút giao ở Hà Nội bộc lộ bất cập và chính là 'nút thắt' khiến tình trạng ùn tắc thêm diễn biến phức tạp.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, đèn tín hiệu tại nhiều nút giao ở Hà Nội bộc lộ bất cập và chính là “nút thắt” khiến tình trạng ùn tắc thêm diễn biến phức tạp bởi thời lượng phân bổ không hợp lý. Cụ thể, tại nút giao Trường Chinh - Láng, dù lượng người di chuyển từ đường Nguyễn Trãi lên rất lớn, nhưng đèn đỏ tại đây lại có thời lượng đến 98 giây, đèn xanh chỉ có 24 giây.
Thời gian đèn xanh quá ít khiến khu vực nút giao này luôn trong tình trạng tắc nghẽn bởi sự tranh giành nhau từng mét giữa hàng nghìn ô tô, xe máy.
Tại nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển, dù trục đường Nguyễn Trãi - Hà Đông hàng ngày luôn dày đặc các phương tiện cá nhân cùng hàng trục tuyến xe buýt kết nối ra - vào trung tâm thành phố, song thời lượng đèn xanh trên trục đường này chỉ vỏn vẹn 15 giây đối với cả hướng đi thẳng và hướng đi Nguyễn Xiển, thời lượng đèn đỏ lại lên tới gần 120 giây.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại nhiều nút giao lớn như: Cung đường dưới cầu vượt Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, thời lượng đèn đỏ là 120 giây nhưng đèn xanh chỉ có 14 giây; Tại nút giao Chùa Bộc - Đông Tác thời gian đèn đỏ là 90 giây, đèn xanh chỉ 18 giây.
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Đội Đèn tín hiệu giao thông, Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) cho biết, việc thiết lập thời gian tín hiệu đèn đã được nghiên cứu dựa trên sự đo đếm lưu lượng phương tiện, cấu trúc hình học cung đường… và phục vụ việc điều tiết giao thông trong thời gian dài.
Tuy vậy, theo chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Hữu Đức, thời gian 15 - 20 giây đèn xanh tại một điểm giao cắt lớn trong đô thị là quá ít, nhất là trong trạng thái tổ chức giao thông hỗn hợp như ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh.
“Chưa kể, tại các đô thị lớn, việc phân luồng tạm để phục vụ thi công dự án duy tu đường sá diễn ra thường xuyên. Điều đó đồng nghĩa, lưu lượng, mật độ phương tiện trên một trục đường sẽ liên tục thay đổi theo sự phân luồng tạm, có thể đông hơn, cũng có thể ít đi, đòi hỏi các khu vực tín hiệu đèn phải có sự cân chỉnh thời gian phù hợp tại từng thời điểm”, TS. Đức nói và cho rằng, cơ quan chức năng cần cấp thiết nghiên cứu phần mềm điều chỉnh linh hoạt, tương thích với lưu lượng người tham gia giao thông.
Việc ứng dụng thiết bị giao thông thông minh, tự động đo đếm mật độ phương tiện để đưa ra mức thời gian tín hiệu hợp lý cũng cần sớm triển khai để giao thông được thông thoát, các điểm đen ùn tắc được kéo giảm.