Nghịch lý phát triển du lịch đêm: 'Không làm thì thiếu, làm lại thừa'

Thừa nhận nghịch lý không làm thì thiếu, làm lại thừa trong phát triển du lịch đêm ở nhiều địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh trách nhiệm chính trong việc này thuộc về địa phương, mỗi địa phương cần có cách làm sáng tạo.

Bộ Trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: quochoi.vn

Bộ Trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: quochoi.vn

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm lĩnh vực thứ nhất tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21/8, nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nêu thực trạng phát triển sản phẩm du lịch đêm của Việt Nam hiện nay. Theo đại biểu, thực tế các sản phẩm du lịch đêm hiện nay còn nghèo nàn, đơn điệu với các hình thức như bộ, ẩm thực, bán nhu yếu phẩm…

Do vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ thêm những giải pháp để đa dạng các sản phẩm du lịch đêm, góp phần giữ chân du khách trong thời gian tới?

Đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: quochoi.vn

Trả lời câu hỏi này,Bộ Trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Bộ đã có Đề án về sản phẩm du lịch đêm trên cơ sở khuyến khích các địa phương nghiên cứu yếu tố quy hoạch để tính toán các dòng sản phẩm, đánh giá thị trường của khách, từ đó tạo ra các sản phẩm du lịch đêm phù hợp.

Bộ trưởng cũng thừa nhận là nhiều địa phương làm sản phẩm du lịch đêm nhưng "không làm thì thiếu, làm lại thừa" vì du khách không đến. Trách nhiệm chính là Chủ tịch UBND các tỉnh, HĐND các tỉnh chứ không phải của Bộ.

"Bộ không thể làm sản phẩm du lịch cho thành phố nào được. Ví dụ, Bộ Văn hóa gợi ý TP HCM dựa trên tài nguyên sông nước và dòng sản phẩm chủ lưu là kết hợp sông Sài Gòn kết nối thương cảng để tạo ra dòng sản phẩm, và trên cơ sở như vậy, TP HCM nghiên cứu và tạo ra tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ, kết nối các sản phẩm trên dòng sông để có nơi cho du khách đến," Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng dẫn chứng.

Theo Bộ trưởng, mỗi địa phương cần có cách làm sáng tạo, như tinh thần chỉ đạo trong Chỉ thị 08 của Chính phủ và Nghị quyết 82 là mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch độc đáo, chuyên nghiệp, đặc sắc, buộc địa phương phải suy nghĩ.

"Còn nếu hỏi Bộ trưởng về làm du lịch đêm thì chúng tôi có đề án, có khung rồi, gợi ý cách làm rồi, còn chúng tôi không làm thay cho địa phương được," Bộ trưởng nhấn mạnh.

Văn hóa phát triển sẽ làm du lịch thăng hoa

Cũng chất vấn tư lệnh ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại biểu Dương Minh Ánh - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đặt vấn đề việc đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực nghệ thuật trên toàn quốc đang bị thu hẹp về quy mô, giảm về chất lượng. Nhiều ngành, nhiều chuyên ngành không tuyển sinh được chuyên gia, nhà khoa học có chuyên môn cao.

Đại biểu Dương Minh Ánh - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Dương Minh Ánh - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội. Ảnh: quochoi.vn

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết đây không phải vấn đề bây giờ mới nhận ra mà cơ quan quản lý Nhà nước đã thẳng thắn báo cáo trước Quốc hội.

"Nếu không có giải pháp quyết liệt, một số bộ môn nghệ thuật truyền thống sẽ bắt đầu khép lại vì đầu vào không có, mà muốn đào tạo phải có đầu vào, có nhu cầu các cơ sở mới tuyển sinh được," Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Chính phủ đã có các quy định để khuyến khích, động viên như giảm học phí, có chế độ ưu đãi khi học các bộ môn nghệ thuật truyền thống. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang triển khai trên cả nước, không chỉ trong các trường của Bộ.

Về giải pháp lâu dài, căn cơ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng cần phải có nhiều giải pháp để người dân yêu văn hóa Việt Nam, coi nghệ thuật truyền thống văn hóa Việt Nam là hồn cốt cần phải giữ, lưu truyền.

Liên quan đến mối quan hệ giữa du lịch với văn hóa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, du lịch phát triển để hỗ trợ cho văn hóa, văn hóa phát triển sẽ làm du lịch thăng hoa. Trong chiến lược phát triển du lịch và chiến lược phát triển văn hóa đều lưu ý sản phẩm du lịch phải mang đậm dấu ấn văn hóa.

"Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cũng dựa trên nguồn tài nguyên văn hóa, chúng tôi mong muốn tập trung khai thác giá trị văn hóa truyền thống, bản địa để thu hút du lịch. Cách làm này nhiều địa phương làm tốt," Bộ trưởng cho biết. Ông nhấn mạnh quan điểm, phải kết hợp hài hòa giữa du lịch và văn hóa chứ không phải khai thác tối ưu lợi thế văn hóa, phát huy tài nguyên văn hóa thành tài nguyên du lịch.

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng đủ sức cạnh tranh với thị trường lao động du lịch của ASEAN

Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng cho biết, du lịch là một trong 8 ngành, nghề nằm trong Thỏa thuận ngành nghề được thừa nhận lẫn nhau trong khuôn khổ Cộng đồng kinh tế ASEAN (MRA-TP). Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết tình hình thực hiện Thỏa thuận MRA đối với dịch vụ du lịch tại Việt Nam? Việc thừa nhận, công nhận lẫn nhau giữa các nước về bằng cấp, chứng chỉ nghề du lịch trong thời gian qua, giải pháp của Bộ trước tác động của vấn đề này đối với nguồn nhân lực ngành du lịch Việt Nam?

Đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng. Ảnh: quochoi.vn

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ đã có rất nhiều cảnh báo rằng khi thực hiện Thỏa thuận MRA nếu lực lượng lao động Việt Nam không vươn lên thì lực lượng lao động các nước khác sẽ tham gia thị trường.

Phân tích dự báo cho thấy, trong lực lượng lao động du lịch có khoảng 70% nhân lực làm dịch vụ lưu trú, 20% nhân lực làm dịch vụ lữ hành, còn 10% thuộc các dịch vụ khách. Do đó, Bộ luôn đề nghị các cơ sở du lịch phải tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực này để bảo đảm đáp ứng được yêu cầu.

"Một khi đã hội nhập, công nhận bằng cấp chứng chỉ của nhau thì rõ ràng bên này thiếu, bên kia sẽ vào, chúng ta không thể dùng hàng rào kỹ thuật khác để ngăn chặn nguồn lực lao động này," Bộ trưởng thừa nhận thực trạng.

Tuy vậy, theo tư lệnh ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện vẫn chưa có lực lượng của các nước khác vào Việt Nam để lao động trong các lĩnh vực, nhưng lực lượng nhân sự quản lý cấp cao tại một số điểm lưu trú là người nước ngoài đang làm.

Do đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, các doanh nghiệp trên cơ sở định hướng về mặt đào tạo thì phải tập trung chăm lo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước để đủ sức cạnh tranh với thị trường lao động du lịch của ASEAN khi Việt Nam tham gia các công ước quốc tế.

KIỀU CHINH

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/nghich-ly-phat-trien-du-lich-dem-khong-lam-thi-thieu-lam-lai-thua-32612.html