Nghịch lý quỹ đất ít, học sinh đông
Sĩ số học sinh của Đồng Nai mỗi năm tăng khoảng 20 ngàn em, dẫn đến một số địa phương như TP.Biên Hòa, H.Trảng Bom luôn trong tình trạng quá tải về sĩ số học sinh/lớp.
Nếu như công nhân vốn quen với từ “ca ba” thì phụ huynh một số phường của TP.Biên Hòa như: Long Bình, Trảng Dài, Phước Tân, Tam Phước, Tân Phong cũng luôn bị ám ảnh bởi nguy cơ con em phải học ca ba có thể tái diễn khi trường lớp không kịp xây mới.
* “Điệp khúc” quá tải
Từ nhiều năm nay, do khả năng tiếp nhận học sinh vào lớp 6 công lập hạn chế nên phần lớn các trường THCS ở TP.Biên Hòa phải dùng đến hình thức tuyển sinh bằng xét tuyển, trong khi đó 11/11 trường THPT công lập ở địa bàn này cũng phải tuyển sinh bằng hình thức thi tuyển.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Trảng Dài (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) Ngô Thanh Thủy cho hay, nhiều năm trước trường từng phải dạy học ca ba, sau này không còn phải học ca ba nữa là do phường được xây thêm 2 trường tiểu học mới là Trường tiểu học Hà Huy Giáp và Trường tiểu học Nguyễn Thái Học. Thế nhưng một số lớp của trường vẫn phải đi học nhờ ở Trường THCS Trường Sa cùng phường. Điều này gây ra những bất tiện cho học sinh và cho công tác quản lý của Ban giám hiệu. Không dừng lại ở đó, vì phải lo đủ số lớp học nên nhiều phòng chức năng của trường phải dành làm lớp học, dẫn đến sự thiệt thòi cho học sinh.
Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG:Rà soát và ưu tiên quỹ đất cho giáo dục ở những vị trí phù hợp
Cần có quy hoạch quỹ đất giáo dục không chỉ trong ngắn hạn mà phải có tầm nhìn xa khi dân số ngày càng phát triển. Các địa phương khi triển khai quy hoạch phải đặc biệt chú ý đến quy hoạch vị trí đất giáo dục, trước hết phải là những vị trí đẹp, thuận lợi. Phải hết sức tránh chuyện những chỗ đã đông dân, hoặc vị trí không thuận lợi thì lại đưa vào quy hoạch đất giáo dục là không khả thi.
Tương tự, tại Trường tiểu học Phan Bội Châu (P.Long Bình), từ nhiều năm nay luôn được nhắc đến là một trong những ngôi trường “nóng” về sự quá tải. Nguyên nhân chính là vì P.Long Bình là một trong những “siêu phường” của TP.Biên Hòa, có số lượng công nhân nhập cư rất lớn, số lượng học sinh là con em công nhân chiếm tỷ lệ cao. Theo quy định đối với bậc tiểu học, các trường phải nhận hết số học sinh đến tuổi ra vào lớp 1 nên các trường buộc phải nhận cho đến khi hết nhu cầu của phụ huynh.
Từ năm học 2022-2023 trở về trước, Trường tiểu học Phan Bội Châu phải cho học sinh một số khối lớp đi học nhờ ở một trường học tại P.An Bình, cách trường khoảng hơn 2km. Phải đến năm học 2023-2024 sắp tới, Trường tiểu học Phan Bội Châu mới có đủ số lớp đáp ứng nhu cầu học tập tập trung của học sinh toàn trường. Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Bội Châu Vũ Thị Thanh Bình cho hay: “Năm học mới sắp tới, trường có thêm 12 phòng học mới và học sinh toàn trường sẽ được học tập trung, đây là điều nhà trường, phụ huynh và học sinh đã mong ước từ lâu”.
Còn tại Trường THCS Phước Tân 1 (P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) - ngôi trường có tới 5 ngàn học sinh - nhiều năm nay tuy không phải học ca ba nhưng nhiều giáo viên của trường luôn phải “gồng mình” cáng đáng những lớp học quá tải về sĩ số, trên 50 em/lớp. Theo một giáo viên của trường, học sinh của phường chủ yếu là con công nhân, phụ huynh đều muốn con được học ở trường công ngay từ khi vào lớp 1 để giảm bớt gánh nặng chi phí học tập. Điều này khiến trường quá tải, còn giáo viên thì áp lực.
* Giải bài toán về trường lớp
Nhiều địa phương đã tập trung đầu tư xây dựng trường lớp với nguồn đầu tư rất lớn, tuy nhiên khâu khó nhất thường gặp là không có quỹ đất. Có nơi, dù có quỹ đất được quy hoạch phục vụ cho giáo dục nhưng lại không thể tiến hành giải phóng mặt bằng vì người dân không chấp nhận với giá đền bù do Nhà nước đưa ra. Có nơi, trường được xây dựng thiếu đồng bộ, dù trước đó được thiết kế hoàn chỉnh. Lý do của tình trạng này cũng vì không thể giải tỏa được hết phần đất xây dựng dự kiến.
Tại TP.Biên Hòa, để giải quyết vấn đề cấp bách về trường lớp, trong những năm gần đây, ngoài số trường học được xây mới hoàn toàn, phần lớn các công trình trường học còn lại là cải tạo và nâng cấp mở rộng trên phần đất còn lại có thể xây dựng thêm phòng học.
Để giải quyết tình trạng quá tải về sĩ số, cần xây dựng thêm trường, lớp để “giãn” học sinh, nhưng ngay cả khi có tiền thì chưa chắc làm được ngay vì phải giải quyết bài toán hóc búa khác là quỹ đất giáo dục và giải phóng mặt bằng.
Thậm chí, do quỹ đất các trường còn quá ít, thành phố đã phải tính đến phương án “chồng tầng”. Các phòng học từ tầng trệt đến tầng 3-4 dành cho học sinh, còn tầng trên cùng dành bố trí cho Ban giám hiệu và phòng làm việc của giáo viên. Tuy nhiên, phương án này lại không phù hợp với quy định về số tầng trong xây dựng trường học.
Chẳng hạn, năm học sắp tới, TP.Biên Hòa có nhiều công trình mới được xây dựng nâng cấp nhưng chủ yếu là xây thêm phòng học ở phần đất hiện hữu. Điển hình là Trường tiểu học Nguyễn Du (P.Quyết Thắng), Trường tiểu học An Hảo (P.An Bình), Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức (P.Trung Dũng), Trường tiểu học Phan Bội Châu (P.Long Bình). Hay có trường được xây dựng thêm phòng học nhưng lại xây dựng ở một điểm điểm khác, khiến trường phải chấp nhận cảnh chia 2 ngả. Điển hình là Trường tiểu học Tân Mai (P.Tân Mai), cơ sở 2 được xây dựng trên một diện tích khá nhỏ, gần như không có sân chơi.
Hiện tại, TP.Biên Hòa có nhiều phường đông dân, số học sinh lớn nhưng chưa có trường THPT công lập, như: Trảng Dài, Tân Phong, Long Bình hay Phước Tân. Người dân có con học hết bậc THCS sẽ phải đi sang các phường khác để học, thậm chí là đi khá xa mới có trường THPT. Ngay cả khi chấp nhận đi xa thì cũng chưa chắc có thể trúng tuyển vào các trường THPT công lập vì nhu cầu luôn vượt xa khả năng tiếp nhận của các trường này. Khi đã không còn lựa chọn, phụ huynh đành phải đăng ký cho con em mình vào các trường tư thục, chấp nhận chi một khoản học phí khá cao so với khả năng.