Nghịch lý quyền phá thai ở châu Á
Tại châu Á, quyền phá thai vẫn còn là chủ đề gây tranh cãi khi khu vực này đối mặt với các vấn đề chồng chéo phức tạp, soi chiếu từ tôn giáo, văn hóa, luật pháp cho đến chính trị.
“Tôi chưa từng lựa chọn giữ lại cái thai”, Rara - phụ nữ ngoài 20 tuổi đến từ Jakarta, Indonesia - nói.
Đó là vào năm 2017. Lúc đó, Rara (tên giả) đang theo học ngành truyền thông tại một trường đại học ở thủ đô và có thai với một người đã có bạn gái. Do không thể làm cha mẹ sùng đạo Hồi thất vọng, cô quyết định đến phòng khám nhỏ ở quận Raden Saleh - nơi chuyên cung cấp dịch vụ phá thai bất hợp pháp.
Bên ngoài phòng khám, những người bán rong dò xét khách hàng. Họ sẽ hỏi “em đến muộn à” như một kiểu mật mã với các đối tượng có nhu cầu.
Nói chuyện với Nikkei Asia qua điện thoại, giọng Rara run lên khi cô kể lại trải nghiệm. Sau khi phá thai, Rara đau nhói bụng mỗi tháng khi có kinh. Cô chịu đựng cơn đau suốt một năm trước khi lấy hết dũng khí đi gặp bác sĩ.
Ở Indonesia, phá thai là bất hợp pháp, trừ khi bị cưỡng hiếp hoặc tính mạng người mẹ gặp nguy hiểm. Phụ nữ bị kết tội phá thai bất hợp pháp có thể nhận án tù tới 10 năm.
Trước khi làm thủ thuật, Rara thừa nhận “không bao giờ tưởng tượng được việc giết một sinh linh, kể cả thai nhi. Nhưng nhớ lại chuyện của bản thân, bất kể thai nhi còn sống hay đã chết, tôi nghĩ phụ nữ cần phải được tiếp cận với quy trình phá thai an toàn và hợp pháp”.
Rara là một trong số 36 triệu phụ nữ châu Á phá thai mỗi năm, theo dữ liệu năm 2017 bởi Viện Guttmacher. Số liệu tương tự cho thấy 6% ca tử vong của các bà mẹ trong khu vực năm 2014 là do phá thai không an toàn.
Với châu Âu, khi nhắc tới quyền phá thai, người ta thường nói về “ủng hộ mạng sống” hay “ủng hộ quyền được lựa chọn” của phụ nữ. Trong khi đó, ở châu Á, phá thai hiếm khi mang tính chất trắng đen như vậy. Mỗi nước ở khu vực này đều có quy định riêng về phá thai, và vấn đề thường soi chiếu từ góc độ tôn giáo, văn hóa, luật pháp lẫn chính trị.
Các nhà vận động nữ quyền ở Mỹ coi việc thắt chặt luật phá thai là bước lùi trong quyền của phụ nữ. Tuy nhiên ở một số nước châu Á, được phép phá thai trên thực tế lại đe dọa quyền quyết định của phụ nữ.
“Quả bom” dân số
Là quốc gia đầu tiên ở châu Á hợp pháp hóa việc phá thai, Nhật Bản coi đây là một phần của Đạo luật Bảo vệ Ưu sinh (nay đổi thành Đạo luật Sức khỏe Người mẹ) vào năm 1948. Dân số bùng nổ sau khi lính trở về từ Thế chiến II, trong khi nền kinh tế thời hậu chiến suy thoái, đe dọa an ninh lương thực.
Để hạn chế gia tăng dân số, luật cập nhật vào năm 1949 cho phép phá thai với lý do kinh tế và y tế, hoặc bị cưỡng hiếp. Luật cũng cho phép triệt sản tự nguyện và không tự nguyện phụ nữ mắc bệnh di truyền, bệnh tâm thần và thiểu năng trí tuệ.
Vào đầu những năm 1960, tỷ lệ sinh hàng năm ở Nhật Bản đã giảm từ mức cao nhất mọi thời đại là 20,7 triệu năm 1949 xuống khoảng 1,6 triệu. Yukako Ohashi - thuộc nhóm ủng hộ quyền sinh sản Soshiren - nhớ lại vào những năm 1960, các bác sĩ thường chấp nhận chữ ký giả từ phụ nữ muốn phá thai.
“Chưa chắc hợp pháp hóa phá thai trực tiếp làm giảm tỷ lệ sinh, nhưng việc nhà nước can thiệp vào kế hoạch hóa gia đình sau chiến tranh chắc chắn là một thành công”, Isabel Fassbender - nghiên cứu về giới tính tại Đại học Nữ Doshisha - nói.
Các nhà hoạt động xã hội Nhật Bản cho rằng lo ngại của chính phủ về dân số già đã thúc đẩy cái nhìn kỳ thị về phá thai trong những năm gần đây. Tỷ lệ sinh bắt đầu giảm vào cuối những năm 1970. Năm 1982, chính phủ xóa bỏ điều kiện "lý do kinh tế" khỏi Đạo luật Sức khỏe Người mẹ khiến việc phá thai khó tiếp cận hơn.
Mặc dù phá thai vẫn hợp pháp, giá cả cao - lên tới 1.500 USD - và thực hiện nghiêm dataizai - hình phạt cho phá thai bất hợp pháp - khiến nhiều phụ nữ khó tiếp cận với thủ thuật này.
Đạo luật Sức khỏe Người mẹ quy định cần chữ ký của người cha nếu hai người đã kết hôn. Tuy nhiên, không ít trường hợp phụ nữ chưa lập gia đình bị bác sĩ từ chối vì không xuất trình được chữ ký của bạn trai. Thậm chí có trường hợp, nạn nhân bị hiếp dâm còn phải xin chữ ký của kẻ xâm hại mình.
Các nhà vận động đã kêu gọi xóa bỏ yêu cầu vợ và chồng đồng ý mới phá thai. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy giới hoạch định chính sách sẽ cải cách. Bà Fassbender nghi ngờ Nhật Bản sẽ thay đổi luật phá thai nếu dân số tiếp tục giảm.
Ở Trung Quốc cũng vậy, khả năng tiếp cận phá thai được định hình bởi nhân khẩu học. Thủ tục này là hợp pháp và phổ biến rộng rãi để hạn chế sự gia tăng dân số theo chính sách một con được áp dụng vào năm 1980. Cha mẹ mang thai trái phép có thể bị phạt nặng, bắt buộc triệt sản và phải phá thai.
Chính phủ Trung Quốc ước tính vào năm 2016, chính sách đã ngăn chặn khoảng 400 triệu đứa trẻ ra đời. Nhưng khi tốc độ tăng dân số của Trung Quốc chậm lại, các hạn chế về phá thai có thể sẽ được áp dụng.
Phá thai vẫn hợp pháp, nhưng Hội đồng Nhà nước vào năm 2021 đã đưa ra hướng dẫn kêu gọi giảm "ca phá thai không cần thiết về mặt y tế".
"Chính sách (hợp pháp hóa phá thai) có khả năng sẽ không thay đổi vì Trung Quốc tin vào thuyết ưu sinh", Lu Pin - nhà báo và nhà nữ quyền hàng đầu Trung Quốc - nói. "Trung Quốc lo lắng về những đứa trẻ không khỏe mạnh ra đời. Mặc dù chính phủ cần nhiều trẻ em hơn, họ sẽ không ưu tiên điều đó hơn thuyết ưu sinh".
Tâm lý "thích con trai"
Ở Ấn Độ, phá thai cũng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình dân số. Khi phá thai được hợp pháp hóa vào năm 1971, các cặp vợ chồng chọn bỏ nếu thai nhi là nữ. Theo Khảo sát Sức khỏe Gia đình Quốc gia mới nhất của Ấn Độ (2019-2021), trung bình cứ 1.000 bé trai thì có 929 bé gái được sinh ra trong vòng 5 năm qua.
Tình trạng này đặc biệt trầm trọng ở vùng nông thôn, nơi vai trò giới truyền thống và niềm tin cần có người “thừa kế” là nam mạnh mẽ. Con gái thường bị coi là gánh nặng tài chính, sau khi kết hôn sẽ sang nhà khác ở cùng với của hồi môn.
Ấn Độ quy định phá thai với mục đích lựa chọn giới tính là hoàn toàn bất hợp pháp. Chính phủ còn cấm bác sĩ nói với bệnh nhân giới tính của thai nhi. Do đó, nhiều người ra nước ngoài khám thai, sau đó đến phòng khám bất hợp pháp để bỏ thai nhi. Theo Viện Guttmacher, mỗi ngày có khoảng 8 phụ nữ chết ở Ấn Độ do phá thai không an toàn.
Shashi - giáo viên ở New Delhi - cho biết bác sĩ sẽ không ghi giới tính thai nhi, nhưng có thể nói cho các cặp vợ chồng. Sau đó, họ sẽ phá thai rồi viện lý do thai nhi dị tật, tránh thai không thành công,... nên giới chức khó có thể tìm hiểu ngọn ngành, Shashi nói.
Vấn đề về "đạo đức"
Tôn giáo là cũng lý do khiến nhiều nước ra luật hạn chế phá thai, chẳng hạn như ở Bangladesh theo đạo Hồi, Philippines theo Công giáo và Thái Lan theo đạo Phật.
Ở Bangladesh, phá thai hoàn toàn là bất hợp pháp. Trong khi đó, Philippines là quốc gia có một số luật cấm phá thai nghiêm khắc nhất thế giới. Bộ luật hình sự của nước này phạt phụ nữ phá thai và bất kỳ ai hỗ trợ phá thai với mức án lên đến 6 năm tù.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người Philippines cởi mở hơn với chuyện phá thai. Tổng thống đắc cử Ferdinand Marcos Jr cũng có lập trường tương tự, khi tuyên bố ông ủng hộ quyền được phá thai trong một số trường hợp.
Lập trường của ông đi ngược với ý kiến của Giáo hội Công giáo Philippines.
“Giáo huấn của nhà thờ về phá thai là không thay đổi. Nhà thờ coi (phá thai) là giết người dù trong bất cứ hoàn cảnh nào”, Cha Jerome Secillano - thư ký điều hành ủy ban vấn đề công của Hội đồng Giám mục Công giáo Philippines - nói.
Ông Marcos Jr thừa nhận “không thể tranh luận với thần học, nhưng cái tôi nhìn vào là số liệu thống kê”, đề cập tới hàng nghìn phụ nữ nhập viện hoặc chết do phá thai bất hợp pháp. Theo báo cáo, những người tìm cách bỏ thai ở Philippines thường tìm đến phòng khám chui và thực hiện các phương pháp nguy hiểm, bao gồm cả "xoa bóp" bụng để tống thai ra ngoài.
"Có mà hạn chế còn hơn không"
Một số nhà vận động nữ quyền ở Mỹ coi việc thắt chặt luật phá thai là bước lùi trong quyền của phụ nữ. Tuy nhiên ở một số nước châu Á, được phép phá thai trên thực tế lại đe dọa quyền quyết định của phụ nữ.
Một phụ nữ tên Novia Widyasari đến từ Trung Java, Indonesia hai lần bị bạn trai Randy Bagus ép uống thuốc phá thai. Áp lực có con ngoài giá thú, Bagus lo sợ mình sẽ mất công việc cảnh sát. Vốn trầm cảm sau khi bị ép bỏ đứa con đầu lòng, Widyasari đã tự tử 4 tháng sau khi Bagus ép cô phá thai lần hai.
Bagus đã bị sa thải khỏi ngành cảnh sát và nhận án 2 năm tù vì liên quan đến phá thai bất hợp pháp. Ép buộc phụ nữ phá thai vẫn không phải là hành vi phạm tội ở Indonesia.
Áp lực buộc phụ nữ chưa kết hôn phải phá thai cũng tràn lan ở Trung Quốc, theo nhà nữ quyền Lu. Cô giải thích quyền được phá thai ở Trung Quốc không nên nhầm lẫn là dấu hiệu trao quyền cho phụ nữ. Mang thai trước khi kết hôn vẫn bị xã hội kỳ thị và những bà mẹ chưa kết hôn không được đảm bảo các lợi ích xã hội.
Ở Ấn Độ, tình trạng ép phá thai để chọn lọc giới tính đang là vấn nạn. Theo ước tính, chỉ có khoảng 10% trong số 15 triệu ca phá thai hàng năm của Ấn Độ là do phụ nữ tự nguyện. Trong hầu hết trường hợp, áp lực gia đình đóng vai trò quan trọng, phần lớn là do tâm lý thích con trai, đặc biệt là ở miền Bắc Ấn Độ.
Ngay cả ở những quốc gia hiếm khi ép phá thai, việc tiếp cận phá thai hợp pháp không đi cùng quyền tự quyết của phụ nữ. Ở Singapore, về mặt pháp lý, phụ nữ bắt buộc phải nhận tư vấn và đợi 48 giờ trước khi đồng ý thực hiện thủ thuật.
“Thời gian tư vấn và chờ đợi có thể khiến người đó nghĩ tìm cách phá thai là điều đáng trách hoặc không đúng về mặt đạo đức, gây cảm giác tội lỗi hoặc hối hận”, Shailey Hingorani - chuyên gia từ Hiệp hội Phụ nữ Hành động và Nghiên cứu ở Singapore - cho biết.
Tại Nhật Bản, chỉ có phá thai bằng phẫu thuật mới là hợp pháp, với phương pháp phổ biến nhất là nong và nạo, lấy thai ra bằng dụng cụ kim loại. Các cuộc thảo luận gần đây cho thấy nếu hợp pháp hóa thuốc phá thai, cần cả vợ lẫn chồng đồng ý thì bác sĩ mới kê đơn.
"Cần nam giới đồng ý mới mua được thuốc phá thai thể hiện quan niệm cơ bản rằng phụ nữ yếu đuối và không thể tự mình quyết định", theo chuyên gia Ohashi từ tổ chức Soshiren.
Michiyo Ono - thành viên của JOICFP, tổ chức phi chính phủ ủng hộ quyền sinh sản của phụ nữ - lạc quan hơn. Cô nói các điều kiện hợp pháp hóa được đề xuất có nhiều mặt trái, "nhưng hợp pháp hóa thuốc phá thai sẽ là bước đi đúng hướng".
Thông điệp của Ono rất rõ ràng: Có một số cơ hội tiếp cận phá thai an toàn, tuy phức tạp, vẫn tốt hơn là không có quyền tiếp cận nào cả.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nghich-ly-quyen-pha-thai-o-chau-a-post1327042.html