Nghịch lý: Rau cải, khổ qua chỉ 1.000-3.000 đồng/kg, cà pháo không ai mua
Nhiều nông dân trồng rau ở tỉnh Gia Lai đang rầu rĩ vì vụ trồng phục vụ dịp Tết được mùa nhưng giá giảm mạnh, thậm chí ế ẩm
Trái ngược với mọi năm vào dịp Tết bán rau với giá cao, những ngày giáp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nhiều người trồng rau ở tỉnh Gia Lai lại rầu rĩ vì giá giảm mạnh.
Theo khi nhận của phóng viên, một số vùng chuyên canh rau như tại xã An Phú (TP Pleiku) xã Ia Blang (huyện Chư Sê)… giá các mặt hàng rau giảm mạnh so với những năm trước. Điển hình, cải thìa, cải ngọt, xà lách chưa tới 1.000 đồng/kg; mướp đắng (khổ qua) năm trước từ 20.000-25.000 đồng/kg, nay chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg. Thậm chí, cà pháo dù giảm giá mạnh nhưng cũng không có thương lái thu mua.
Hộ bà Nguyễn Thị Hương (huyện Chư Sê) cho biết bà vừa phải thuê người hái hơn 5 tạ cà pháo để … vứt đi. "Cà hái xong không có người mua, nhưng nếu không hái thì cây sẽ chết nên đành cắn răng hái cà xong mang đổ" – bà Hương buồn bã nói.
Còn hộ ông Nguyễn Hường (xã An Phú, TP Pleiku) cũng vừa phá bỏ một ruộng rau tần ô vì giá chỉ còn vài trăm đồng/kg nhưng thương lái cũng không thu mua. Các loại rau khác dù rất đẹp nhưng bị thương lái ép giá.
Còn bà Phùng Thị Cẩm (cùng xã An Phú) cho biết hàng chục triệu đồng đầu tư vào 7 sào đất trồng rau coi như đã đổ xuống sông. "Không thể ngờ bán vụ Tết mà giá rau lại rớt thê thảm như thế này. Vườn đậu cô ve, khổ qua không đủ công thuê người hái nhưng vẫn phải hái nhằm đảm bảo đợt sau đạt năng suất" – bà Cảm nói và hy vọng thời gian tới, giá rau tăng để người trồng rau vớt vát được chút vốn đã đầu tư.
Theo các thương lái, thời tiết vụ Đông Xuân 2019-2020 thuận lợi, không xuất hiện bão lũ nên nông dân trong tỉnh Gia Lai và cả nước trồng rau đều đạt năng suất cao. Chính vì vậy, nguồn cung dồi dào trong khi đầu ra không tăng nên giá rau giảm.