Nghịch lý sau đại dịch, 'thiên thần áo trắng' phải làm kiểm điểm
Mua sắm trang thiết bị y tế trong dịch rất khó khăn. Nghị quyết 30 của Quốc hội ra đời, tháo gỡ khó khăn mua sắm. Nhưng sau dịch, thanh tra kiểm tra lại đánh giá sai phạm. Những người từng được tôn vinh thiên thần áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch đều đang phải lần lượt làm kiểm điểm.
Đó là nội dung được Sở Y tế TPHCM báo cáo cùng Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Theo báo cáo từ Sở Y tế TPHCM, trong 2 năm đại dịch, việc mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất, trang bị y tế gặp nhiều khó khăn như hàng hóa khan hiếm, nhà cung ứng nhỏ giọt, giá cả tăng nhanh... Việc lấy báo giá của các nhà cung cấp gặp khó do giãn cách xã hội. Nhiều mặt hàng, dịch vụ không đủ 3 báo giá. Các công ty thẩm định giá không phản hồi hoặc từ chối. Trải qua một trận chiến chống dịch, các cá nhân, đơn vị tích cực trong phòng, chống dịch đều đang phải làm kiểm điểm, thậm chí là làm việc với cơ quan điều tra.
Cùng ở giữa tâm dịch tại TPHCM, ông Trần Hoàng Ngân, ĐBQH TPHCM, thành viên đoàn giám sát của Quốc hội cho rằng không thể lấy luật của thời bình để áp dụng cho thời dịch.
Kiến nghị với đoàn giám sát, Sở Y tế TPHCM cho rằng cần hoàn thành chính sách khung pháp lý trong công tác mua sắm thuốc. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần có quy định, hướng dẫn cụ thể trong trường hợp phòng chống dịch. Người đứng đầu ngành y tế TP cũng đề xuất Quốc hội xem xét xây dựng, thảo luận trở lại đối với Dự thảo Luật Dự phòng và kiểm soát bệnh tật.
Thực hiện : Phương Thảo Tăng Sắc