Nghịch lý Trấn Thành: Phim bị chê vẫn chễm chệ ngôi vua phòng vé

Phim nào của Trấn Thành ra rạp cũng gây ồn ào, thậm chí nhận không ít lời chê, thế nhưng anh vẫn ngự trị vững vàng ở vị trí 'vua phòng vé'.

Mùa phim Tết năm nay, Trấn Thành ra mắt bộ phim Bộ tứ báo thủ và như thường lệ, phim gây ra nhiều tranh cãi về chất lượng. Có người chê nhạt, có người ngán ngẩm vì vị đạo diễn này sử dụng mãi những gương mặt quen thuộc, có người tỏ ra tiếc nuối cho rằng Trấn Thành vẫn đi theo lối mòn cũ, thiếu đột phá...

Thậm chí, nhiều khán giả có chung nhận định, Bộ tứ báo thủ là bước thụt lùi của đạo diễn sinh năm 1987.

Chê cứ chê, ngôi vua phòng vé cứ ngồi

Ra đời sau Bố già, Nhà bà NữMai, Bộ tứ báo thủ là tác phẩm nhận nhiều bình luận tiêu cực nhất trong các phim của Trấn Thành và các phim ra mắt Tết Ất Tỵ. Tuy nhiên, giới chuyên môn và khán giả cứ việc chê, phim vẫn chễm chệ ở vị trí số 1 về doanh thu trong mùa phim Tết 2025.

Trong ngày ra mắt đầu tiên (mùng 1 Tết), Bộ tứ báo thủ ngay lập tức cán mốc 100 tỷ đồng. Tác phẩm điện ảnh thứ 4 do Trấn Thành đạo diễn trở thành phim cán mốc 100 tỷ đồng nhanh nhất lịch sử điện ảnh Việt. Sau 5 ngày ra mắt, phim thu về hơn 200 tỷ đồng và hoàn toàn có khả năng phá kỷ lục của Mai (551 tỉ đồng).

Như vậy, cuộc đua phim Tết 2025 đã ngã ngũ và chiến thắng - như dự đoán, đã thuộc về Trấn Thành. Bộ tứ báo thủ lại một lần nữa làm nổi bật một nghịch lý mang tên Trấn Thành - phim càng bị chê lại càng thắng đậm về doanh thu.

Trấn Thành được coi là đạo diễn nghìn tỷ đầu tiên của phòng vé Việt.

Trấn Thành được coi là đạo diễn nghìn tỷ đầu tiên của phòng vé Việt.

Bố già là bộ phim điện ảnh đầu tiên do Trấn Thành làm đạo diễn (cùng với Vũ Ngọc Đãng). Anh cũng là một trong những tác giả kịch bản của phim. Nội dung Bố già xoay quanh mối quan hệ giữa ông Sang - một người thuộc thế hệ cũ, luôn lo chuyện bao đồng, giúp đỡ người khác - và con trai ông là Quắn - cậu thanh niên có lối sống hiện đại, năng động. Do khác biệt thời đại, giữa họ luôn xảy ra nhiều bất đồng.

Không ít khán giả cho rằng phim có nhiều lỗ hổng, nội dung không đặc sắc, nhiều góc khai thác còn non yếu. Một số người xem khó chịu vì các phân đoạn tranh cãi, lời qua tiếng lại giữa các nhân vật chiếm phần lớn thời lượng phim. Mâu thuẫn nhạt nhòa, tình tiết quá lố. Họ cho rằng, phim thiếu ngôn ngữ điện ảnh, thiếu những khoảng lặng cần thiết mà ồn ào như những tiểu phẩm hài mang đậm phong cách Trấn Thành.

Trấn Thành cũng thừa nhận Bố già chưa phải là một tác phẩm hoàn hảo, thời lượng dài, anh lại quá ôm đồm khiến phim bị cho là "chưa trọn vẹn, thiếu cảm xúc".

"Bố già" là phim điện ảnh đầu tiên mà Trấn Thành thử sức với vai trò đạo diễn.

"Bố già" là phim điện ảnh đầu tiên mà Trấn Thành thử sức với vai trò đạo diễn.

Khi công chiếu ở thị trường nước ngoài, Bố già cũng vấp phải hàng loạt nhận định chê bai từ giới chuyên môn. Cây bút phê bình của Variety, tạp chí uy tín trong lĩnh vực nghệ thuật của Mỹ, nhận xét Bố già khiến người xem thất vọng vì mang nặng hơi hướng phim truyền hình và lạm dụng sự căng thẳng, lên gân, gào thét: "Trấn Thành có thể tạo ra một tiếng nói đáng nghe ở thị trường quốc tế nếu anh ấy ngừng la hét vào mặt khán giả và bạn diễn".

Tờ Variety cũng nhận định, hệ thống nhân vật đồ sộ nhưng mờ nhạt đã “bóp nghẹt” mối quan hệ cha con trung tâm, vốn là điểm sáng trong bộ phim này. Còn tờ Deadline cho rằng các bi kịch trong Bố già có vẻ được phóng đại quá mức.

Phóng viên South China Morning Post chấm 2/5 điểm và bình luận rằng điểm yếu của Bố già nằm ở chỗ quá ôm đồm, khiến khán giả như bị lạc từ phim này sang phim khác mà bỏ qua sự tinh tế cũng như nhất quán về màu sắc.

Khi Bố già được chọn làm đại diện của Việt Nam tranh giải Oscar 2022 ở hạng mục Phim quốc tế hay nhất, có nhiều ý kiến không hài lòng. Trên mạng, khán giả bình luận: “Phim xem giải trí và kết nối gia đình nhẹ nhàng thôi chứ giá trị nghệ thuật chưa đủ tầm để đi Oscar”, "Chọn phim này đi tranh Oscar cho thấy chất lượng phim điện ảnh Việt Nam mình càng ngày càng thụt lùi so với các nước bạn, buồn thật đấy”...

Tuy bị chê khá nhiều, Bố già vẫn phá vỡ hàng loạt các kỷ lục phòng vé Việt. Ở thời điểm ra mắt, Bố già trở thành bộ phim cán mốc 200 tỷ đồng nhanh nhất mọi thời đại và cũng là phim Việt có doanh thu nội địa cao nhất, thu về hơn 400 tỷ đồng tại Việt Nam và khoảng 23 tỷ đồng tại thị trường Mỹ.

Những hình ảnh trong phim "Bố già".

Tác phẩm tiếp theo do Trấn Thành đạo diễn là Nhà bà Nữ, ra mắt dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, xoay quanh những câu chuyện đời thường trong cuộc sống của gia đình bà Nữ. Theo ê-kíp làm phim, ngoài tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa, tác phẩm còn truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa về nhân sinh và các mối quan hệ xã hội.

Tuy nhiên, đây lại là bộ phim bị chê từ nội dung, tạo hình nhân vật tới lời thoại. Điều khán giả khó chịu nhất là các nhân vật liên tục chí chóe mắng nhau, chửi bới, văng tục... Những lời thoại quá mức ồn ào khiến phim bị cho là thiếu tiết chế, diễn giải quá nhiều, gây cảm xúc nặng nề cho người xem.

Trên trang cá nhân, nhà văn Phan Ý Yên đánh giá Nhà bà Nữ"quá nhiều sự la hét, thiếu đi khoảng lặng đủ sâu sắc, đủ thâm trầm". "La hét cũng được thôi, nhưng có thể vì giải quyết vấn đề trong phim không tương xứng với sự la hét nên thành ra khán giả ra rạp chỉ ám ảnh mỗi chuyện la hét đó", nhà văn viết.

Nhiều ý kiến cho rằng Nhà bà Nữ mang "mác" phim gia đình nhưng lại gây mệt mỏi và tiêu cực nhiều hơn, thậm chí nhận xét cách làm phim của Trấn Thành "đang hạ thấp văn hóa của người lao động miền Nam".

Tuy vậy, Nhà bà Nữ thu hút gần 6 triệu khán giả. Dù bị chê nhiều hơn cả Bố già nhưng phim có doanh thu 475 tỷ đồng, xô đổ kỷ lục trước đó của Trấn Thành.

Những tiếng la hét, lời chửi bới xuất hiện liên tục trong phim "Nhà bà Nữ" khiến khán giả mệt mỏi.

Những tiếng la hét, lời chửi bới xuất hiện liên tục trong phim "Nhà bà Nữ" khiến khán giả mệt mỏi.

Mai tác phẩm điện ảnh thứ 3 của Trấn Thành ra mắt dịp Tết Giáp Thìn, xoay quanh cuộc sống của Mai (Phương Anh Đào), một nhân viên massage gần 40 tuổi tình cờ gặp nhạc công Dương (Tuấn Trần) và được anh săn đón. Tự ti, Mai không đủ dũng khí đón nhận tình cảm của chàng trai kém cô 7 tuổi.

Trong 3 tác phẩm của Trấn Thành, Mai ít bị chỉ trích hơn cả, nhưng vẫn đối mặt với không ít lời chê. Trên chuyên trang phim ảnh IMDb.com, một khán giả bày tỏ sự thất vọng: "Kịch bản lỏng lẻo và tệ hại. Phim giống như một câu chuyện cổ tích và không thực tế. Diễn xuất của diễn viên ở mức trung bình. Kịch bản không có gì đặc biệt về câu chuyện và các nhân vật. Bạn có thể xem thể loại này rất nhiều trong những bộ phim tầm thường ở Hàn Quốc hoặc bất cứ đâu".

Một nhà sản xuất phim gốc Việt từng tham gia bom tấn truyền hình Euphoria cho rằng xét về cả kịch bản lẫn kỹ thuật, Mai hoàn toàn không có gì đặc sắc, không có chất riêng. Đề tài đồng tiền và tình yêu không mới lạ chút nào. Tình cảm của hai nhân vật không có gì sâu sắc, có vẻ giống sự tình cờ hơn là một kết nối mang tính định mệnh. Nhà làm phim này khẳng định Mai chưa đủ để "ra thế giới".

Mặc dù vậy, tác phẩm điện ảnh thứ 3 của Trấn Thành vẫn lập nên kỷ lục vô tiền khoáng hậu ở phòng vé Việt, doanh thu gần 540 tỷ đồng.

Mai có mức doanh thu lên tới 540 tỷ đồng.

Mai có mức doanh thu lên tới 540 tỷ đồng.

Giải mã nghịch lý

Lý giải về thành công của Trấn Thành, giới chuyên môn cho rằng dù còn yếu về ngôn ngữ điện ảnh nhưng anh biết nắm bắt tâm lý số đông, khai thác trúng đề tài tâm lý - gia đình.

TS Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng tuy có ý kiến trái chiều, khen hết lời hoặc chê thậm tệ, phải công nhận rằng những bộ phim của Trấn Thành vừa có tính giải trí hấp dẫn, vừa có thông điệp xã hội tích cực, vừa xác lập được kỷ lục doanh thu Việt, lại dần khẳng định phong cách Trấn Thành trong điện ảnh Việt Nam.

Còn đạo diễn Bùi Tuấn Dũng - người không chỉ sản xuất phim mà còn giảng dạy ở các trường Sân khấu - Điện ảnh đánh giá, phim Nhà bà Nữ của Trấn Thành đạt doanh thu khủng cỡ 450 tỷ đồng "thì không phải là phim tầm tầm rồi". Vị đạo diễn này nói: "Chê Trấn Thành giải trí, những thứ cao siêu chắc gì đã là nghệ thuật!".

Dù tác phẩm bị chê dở, sự thật Trấn Thành vẫn là nhà làm phim thành công.

Dù tác phẩm bị chê dở, sự thật Trấn Thành vẫn là nhà làm phim thành công.

Trả lời Báo điện tử VTC News, đạo diễn - nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang đánh giá rất cao cách lựa chọn đề tài khai thác của Trấn Thành. Ông nói: "Giữa những ngổn ngang của phim điện ảnh chiếu rạp và trên Netflix, với quá nhiều đề tài nhàm chán, Trấn Thành lại rẽ một lối riêng, đi vào cái thiểu số để bứt phá trước cái đa số. Phim của Trấn Thành không mô tả xã hội theo hướng viễn tưởng hay vĩ mô, mà đi vào từng khía cạnh nhỏ của đời sống để rồi mô tả, khai thác những rắc rối tâm lý những con người đời thường để mở ra nhận thức xã hội.

Đề tài phim của Trấn Thành là những mảnh đời rời rạc nhưng lại xuất hiện phổ biến trong xã hội, đó là một ông bố chạy xe ôm trong ngõ hẻm, là bà Nữ bán hủ tiếu, là cô 'gái ngành' trong một tiệm massage… nhưng ở họ đều có một đời sống nội tâm phức tạp, nhiều dằn vặt và hiển nhiên cũng có nhiều ước mơ, hoài bão lớn chưa thực hiện".

Theo đạo diễn Ngô Hương Giang, phim của Trấn Thành gây tranh cãi vì "có cái để mổ xẻ". Ông nói: "Không có bột thì làm sao gột nên hồ, nên dù khán giả có yêu, ghét Trấn Thành thì cũng không thể che khuất được sự thực về một diễn viên hài làm phim chính kịch tâm lý xã hội thành công xuất sắc".

Ông Giang cũng chia sẻ thêm: "Tôi cho rằng ở bất cứ lĩnh vực nào, dù không tuyệt đối, doanh thu chính là thước đo đánh giá năng lực, chất lượng sản phẩm. Chúng ta không thể ru ngủ dư luận bằng quan điểm cho rằng phim của anh này, anh kia rất hay nhưng lại không có khán giả xem, doanh thu thấp.

Phim hay phải có người xem. Giá trị sản phẩm phải được thể hiện qua doanh số chứ không thể là sự trấn an tâm lý thông thường. Vì vậy một bộ phim có doanh thu, lợi nhuận khủng thì thường bao hàm cả chất lượng. Vấn đề là chất lượng của bộ phim đó được soi chiếu dưới lăng kính nhận thức nào".

Dù bị giới phê bình chê, phim Trấn Thành vẫn thắng lớn vì đánh trúng tâm lý đám đông.

Dù bị giới phê bình chê, phim Trấn Thành vẫn thắng lớn vì đánh trúng tâm lý đám đông.

Đạo diễn - nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang khẳng định: "Bất cứ sản phẩm nào được làm một cách khéo léo, đánh động được cảm xúc khản giả, khiến khán giả day dứt, luôn nhớ về nó, thì đó là một sản phẩm nghệ thuật có chất lượng. Có cả chục triệu lượt khán giả xem phim của Trấn Thành, vậy hiển nhiên, phim của anh ta đã là một sản phẩm nghệ thuật".

Mộc Lan

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nghich-ly-tran-thanh-phim-bi-che-van-chem-che-ngoi-vua-phong-ve-ar920671.html