Nghịch lý trẻ vui chơi trên phố đi bộ nhưng trường học vẫn đóng cửa
Hiện thành phố Hà Nội là địa phương duy nhất chưa cho trẻ mầm non, tiểu học đến trường. Tuy nhiên nghịch lý là tại các khu vui chơi, giải trí, phố đi bộ, khu đô thị... lại rất đông trẻ đến vui chơi.
Hơn hai tuần nay phố đi bộ Hoàn Kiếm (Hà Nội) sôi động trở lại sau gần 1 năm tạm dừng vì dịch Covid-19. Không chỉ người lớn, học sinh, sinh viên mà rất nhiều trẻ em tiểu học cũng được bố mẹ đưa đến phố đi bộ để hưởng không khí nhộn nhịp của đường phố.
Những đứa trẻ như Tuấn Tú (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) sau gần một năm trời học trực tuyến trong 4 bức tường giờ được bố mẹ đưa lên phố đi bộ vui chơi nên tỏ ra rất thích thú.
“Phố đi bộ rất đông vui nhưng mọi người đều tuân thủ quy tắc 5K. Con rất vui vì được bố mẹ đưa đi chơi và không phải ở nhà nữa. Trên phố có rất nhiều trò chơi và con được bố mẹ mua cho nhiều quà”, Tuấn Tú vui mừng chia sẻ.
Trẻ em vui chơi trên phố đi bộ Hoàn Kiếm. Điều này còn dễ bắt gặp ở cả các trung tâm thương mại, hiệu sách, sân chơi tại các khu đô thị... Ấy thế nhưng đến nay, tất cả các trường tiểu học, mầm non của thành phố Hà Nội vẫn chưa được phép đón trẻ đi học trực tiếp trở lại khiến những đứa trẻ như Minh Dũng, học sinh lớp 4 (quận Hoàng Mai) không khỏi ngóng chờ.
“Con rất mong được đến trường rồi vì đến trường còn được gặp bạn bè và việc tiếp thu bài học sẽ tốt hơn. Chắc bây giờ con cũng không nhớ hết mặt các bạn trong lớp nữa rồi”, Minh Dũng cho biết.
Cách đây 1 tháng, cậu bé Minh Dũng cũng bị nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, em chỉ xuất hiện một vài triệu trứng nhẹ và hoàn toàn khỏi bệnh chỉ sau 4 ngày.
Chưa đầy 2 tháng nữa, năm học 2021-2022 kết thúc nhưng trẻ mầm non, tiểu học và lớp 6 của thành phố Hà Nội vẫn chưa được đi học trở lại. Điều này khiến những phụ huynh như anh Tạ Thành Nam (quận Thanh Xuân, Hà Nội) thực sự thấy lo lắng. Đặc biệt, con trai anh đang học lớp 1-lớp học nền tảng của bậc tiểu học việc học trực tuyến kéo dài ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng tiếp thu kiến thức.
“Nếu bây giờ mà trường tổ chức cho trẻ đi học tôi sẵn sàng cho con đi dù chỉ hơn 1 tháng nữa kết thúc năm học. Gần cả năm học con không được đến trường, không gặp trực tiếp thầy cô, bạn bè một ngày nào là một sự thiệt thòi rất lớn. Nhất là các cháu lớp 1 đang phải học chương trình mới đòi hỏi sự tương tác rất cao”, anh Nam lo lắng.
Hơn 2 năm ảnh hưởng dịch Covid-19, đặc biệt trong hai năm 2021-2022 trường học đóng cửa liên tục khiến cho trẻ chỉ làm bạn với máy tính, tivi... Đây là điều khiến chị Nguyễn Thị Lan Anh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) lo lắng vì hầu như nề nếp sinh hoạt của trẻ không còn được đảm bảo.
“Các con học ở nhà trong khi bố mẹ vẫn đi làm nên giờ giấc ăn uống, ngủ nghỉ, học tập không khoa học, thích thế nào làm thế. Quan trọng là việc giao lưu với bạn bè rất là ít, thậm chí là không có”, chị Lan Anh lo lắng.
TS. giáo dục Nguyễn Thụy Anh cho rằng, hiện nay trẻ đang bị rơi vào trạng thái quá tải với những hoạt động online và cần cho trẻ trở lại trường học.
“Cách đây khoảng 1 năm việc tổ chức các hoạt động online rất vui, rất hay các cháu tham gia rất nhiệt tình. Nhưng bây giờ các cháu không muốn đăng ký nữa bởi vì cái gì cũng online khiến các cháu bị chán nản, không tạo sự hứng thú nữa”, TS. Nguyễn Thụy Anh phân tích.
TS Nguyễn Thụy Anh cũng cho rằng nếu việc tiếp tục cho trẻ học trực tuyến sẽ khiến trẻ mất đi nhiều cảm giác, thậm chí là cảm giác sợ đến trường, ngại tiếp xúc với bạn bè, thầy cô, với môi trường xung quanh.
Hiện nay, các dịch vụ du lịch, giải trí của Hà Nội cũng như các tỉnh thành phố khác đã hoạt động trở lại gần như hoàn toàn. Nhiều gia đình cũng đã lên kế hoạch cho trẻ đi du lịch ngắn ngày. PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã nhiều lần chia sẻ với phụ huynh, báo chí về sự cần thiết cho trẻ đi học trở lại.
“Ở thời điểm này trẻ ở nhà nguy cơ nhiễm Covid-19 cũng rất cao vì ca nhiễm cộng đồng quá nhiều rồi, thành viên gia đình có thể lây cho các cháu. Nếu ở trường phòng chống tốt chưa chắc số ca nhiễm học sinh nhiều hơn ở nhà. Phải chấp nhận việc nếu trẻ đến trường có thể bị nhiễm Covid-19 nhưng rõ ràng trong thời gian qua chúng ta thấy một điều là trẻ em mắc Covid-19 thì nó nhẹ hơn …”, PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh: "Căn cứ vào tình hình dịch bệnh để tổ chức dạy học cho phù hợp, không để học sinh, sinh viên học trực tuyến kéo dài".
Hiện Sở GD-ĐT Hà Nội đang yêu cầu khẩn trương tổ chức lấy ý kiến phụ huynh về việc cho trẻ quay trở lại trường học trực tiếp. Thời gian lấy ý kiến phụ huynh từ ngày 2-3/4. Các trường tiểu học và THCS trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đã khẩn trương triển khai lấy ý kiến phụ huynh học sinh, về việc: cho trẻ quay trở lại trường học trực tiếp./.
Theo Bộ GD&ĐT, ở bậc mầm non, ngoài Hà Nội chưa cho trẻ mầm non quay trở lại trường thì 62 địa phương khác đã dạy học trực tiếp ở hầu hết các cơ sở giáo dục. 4 tỉnh cho dừng một huyện hoặc thành phố do dịch bệnh tăng nhanh gồm: Cao Bằng (TP Cao Bằng), Lào Cai (cấp 3, 4 dừng cho trẻ đến trường), Lâm Đồng (TP Đà Lạt, Bảo Lộc, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Lạc Dương), Đăk Lăk (TP Buôn Mê Thuột).
Ở bậc Tiểu học, đến thời điểm này đã có 61/63 tỉnh/thành phố tổ chức học trực tiếp. Chỉ còn 2 địa phương là Hà Nội và Vĩnh Phúc hiện học sinh tiểu học vẫn ở nhà (riêng huyện Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc học sinh đi học từ 4/4). 3 tỉnh cho dừng một huyện hoặc thành phố gồm: tỉnh Cao Bằng (TP. Cao Bằng), Đăk Lăk (TP Buôn Mê Thuột), Lâm Đồng (TP Đà Lạt).
Ở bậc THCS, đến nay 63/63 tỉnh/thành phố đã tổ chức học trực tiếp. Riêng Hà Nội, khối 6, học sinh vẫn chưa đi học trực tiếp hoặc chuyển sang học trực tuyến. 5 tỉnh/thành phố chuyển trạng thái tổ chức dạy trực tuyến một huyện hoặc thành phố gồm: Cao Bằng (TP Cao Bằng), Đăk Lăk (TP Buôn Mê Thuột), Hà Nam (khối lớp 6), TP Hà Nội (khối lớp 6), Lâm Đồng (TP Đà Lạt, khối lớp 6).
Bậc THPT, tất cả các địa phương đều đã dạy học trực tiếp ở hầu hết các cơ sở giáo dục, nhất là học sinh lớp 12 để chuẩn bị cho kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2022 sắp tới.